Thất vọng với ông Trump, chứng khoán đồng loạt giảm

Theo T.Lê/tinnhanhchungkhoan.vn

Sau những hào hứng đầu tiên, giới đầu tư đã nhanh chóng tỏ ra thất vọng với bài phát biểu của ông Trump trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ khi ông không đưa ra thông tin chính sách cụ thể nào trong cuộc họp báo này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Cuộc họp báo lần đầu tiên của ông Trump rất được nhiều nhà đầu tư chờ đợi, nhất là thông tin chi tiết về các chính sách kích thích kinh tế như tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giảm thuế, cắt bỏ bớt thủ tục với lĩnh vực tài chính mà ông Trump cam kết trước đó.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo này, không có thông tin chính thức nào được công bố, mà ông Trump chủ yếu nói về chuyển giao quyền kinh doanh cho các con, bức tường Mexico, tin tặc, giá thuộc..., khiến giới đầu tư thất vọng, đẩy đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 5 tuần và phố Wall cũng đồng loạt đảo chiều giảm điểm, chỉ số Nasdaq cũng không còn duy trì được đà tăng để thiết lập mức cao kỷ lục mới.

Kết thúc phiên 12/1, chỉ số Dow Jones giảm 63,28 điểm (-0,32%), xuống 19.891,00 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,88 điểm (-0,21%), xuống 2.270,44 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 16,16 điểm (-0,29%), xuống 5.547,49 điểm.

Trên thị trường châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Anh duy trì sắc xanh nhạt để có phiên tăng thứ 13 liên tiếp, chuỗi tăng kỷ lục, còn lại đều đồng loạt giảm, thậm chí chứng khoán Đức giảm rất mạnh do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cổ phiếu của Fiat Chrysler khi Mỹ cáo buộc khí thải của động cơ diesel của nhà sản xuất xe hơi này vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn, làm tăng nỗi lo về tiền phạt nặng.

Cụ thể, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cáo buộc Fiat Chrysler sử dụng phần mềm để cho phép khí thải dư thừa trong 104.000 xe bán ra tại Mỹ kể từ năm 2014.

Kết thúc phiên 12/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 1,88 điểm (+0,03%), lên 7.292,37 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 125,13 điểm (-1,07%), xuống 11.521,04 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 24,74 điểm (-0,51%), xuống 4.863,97 điểm.

Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường chính cũng đồng loạt giảm trong phiên thứ Năm. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần do nhóm cổ phiếu dược phẩm lao dốc sau phát biểu của ông Trump rằng các doanh nghiệp dược phẩm đẩy giá thuộc lên mức quá cao trong cuộc họp báo trước đó.

Chứng khoán Hồng Kông mở đầu phiên thứ Năm cũng rất tích cực khi giới đầu tư nhẹ nhõm với bài phát biểu của ông Trump trước đó không đề cập tới việc tăng thuế với hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, với việc thị trường đã có chuỗi tăng mạnh trong 5 phiên liên tiếp vừa qua, khiến áp lực chốt lời gia tăng, đẩy chỉ số Hang Seng đảo chiều và chấm dứt chuỗi mạch tăng liên tiếp ở con số 5.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm thứ 3 liên tiếp khi giới đầu tư thận trong trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

Kết thúc phiên 12/1, chỉ số Nikkie 225 giảm 229,97 điểm (-1,19%), xuống 19.134,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 106,33 điểm (-0,46%), xuống 22.829,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 17,46 điểm (-0,56%), xuống 3.119,29 điểm.

Việc đồng USD giảm mạnh xuống mức thấp nhất 5 tuần đã tạo động lượng để giá vàng tiếp tục tăng trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, với mức giá hiện đang ở mức cao nhất 6 tuần và tiến tới điểm kháng cự mạnh 1.200 USD/ounce, giá vàng đã bị đẩy trở lại và chốt phiên chỉ còn giữ được mức tăng nhẹ, tương đương với phiên trước đó.

Kết thúc phiên 12/1, giá vàng giao ngay tăng 3,9 USD (+0,33%), lên 1.195,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 tăng 3,2 USD (+0,27%), lên 1.199,8 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm sau thông tin các nhà sản xuất lớn gồm Ả Rập Xê út và Nga đã thực hiện cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận. Trong đó, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út Khalid al-Falih nói rằng, vương quốc này đã cắt giảm sản lượng xuống mức thấp nhất 2 năm, trong khi Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng cho biết, nước này đã bắt đầu thực hiện cắt giảm sản lượng theo kế hoạch.

Ngoài thông tin hỗ trợ trên, giá dầu thô còn được hỗ trợ bởi thông tin dự báo nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc sẽ tăng 5,3%, lên 396 triệu tấn trong năm 2017 và với mức tiêu thụ lên tới 594 triệu tấn, tương đương 12 triệu thúng/ngày trong năm nay, mức cao kỷ lục.

Tuy vậy, đà tăng của giá dầu trong phiên thứ Năm không mạnh bằng phiên trước do chịu ảnh hưởng ngược lại của thông tin kho dự trữ dầu thô và cả các sản phẩm chưng cất từ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng mạnh.

Kết thúc phiên 12/1, giá dầu thô Mỹ tăng 0,76 USD/thùng (+1,43%), lên 53,01 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,91 USD (+1,65%), lên 56,01 USD/thùng.