Tiền chạy khỏi thị trường mới nổi do châu Âu, không phải Fed

Theo gafin.vn

(Tài chính) Chính sách khắc khổ của châu Âu mới là nguyên nhân khiến dòng vốn đảo chiều mà không phải do thay đổi chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ.

Nội tệ của các thị trường mới nổi đang giảm giá mạnh trong bối cảnh ngân hàng trung ương của các nước này đang bận bịu tìm cách thắt chặt chính sách tiền tệ và ổn định thị trường tài chính. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này của các thị trường mới nổi?

Vài năm trước đây khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thực hiện chính sách nới lỏng định lượng (QE), các nhà lãnh đạo của các thị trường này đã ca thán về vấn đề này. Họ cho rằng việc Fed mua lại các loại chứng khoán dài hạn mà không có một hạn định nào cho việc mua tài sản này là nỗ lực của Fed nhằm phá giá đồng USD và đem lại lợi thế cạnh tranh cho Mỹ đồng thời lo ngại rằng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng tại Mỹ có thể dẫn đến hiện tượng các dòng tiền nóng sẽ tràn ngập các thị trường mới nổi và đẩy tỷ giá tăng mạnh. Điều này không chỉ dẫn đến hệ quả là tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu sẽ giảm và tài khoản vãng lai thâm hụt mà còn gây ra quan ngại sâu sắc về các hậu quả tàn khốc có thể xảy ra trong trường hợp các dòng vốn ngừng đột ngột nếu như Fed đột ngột thay đổi chính sách.

Mỹ
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nhìn thoáng qua thì có vẻ những nỗi sợ hãi này là có cơ sở, giống như một báo cáo do IMF công bố gần đây có tiêu đề “Các dòng vốn luôn biến động – bất kể thời gian và địa điểm”. Tuyên bố ngắn gọn gần đây của Fed rằng chính sách tiền tệ phi truyền thống có thể sớm bị giảm bớt quy mô đã dẫn đến tình trạng các dòng vốn chảy khỏi các thị trường mới nổi như hiện nay.

Tuy nhiên quan điểm này đã bỏ sót nguyên nhân thực sự vì sao dòng tiền lại chảy vào các thị trường mới nổi vài năm vừa qua cũng như tại sao rất nhiều trong số họ đang trải qua thời kỳ thâm hụt tài khoản vãng lai như hiện nay.

Thủ phạm thực sự lại là khu vực đồng euro

Chính sách nới lỏng định lượng của Mỹ không thể là thủ phạm đứng đằng sau đợt biến động lớn của tài khoản vãng lai này bởi lẽ thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ không biến động nhiều trong những năm gần đây. Đây cũng là kết quả mà nhiều người có thể dự đoán trước dựa trên lý thuyết kinh tế: Trong điều kiện nền kinh tế đang dần rơi vào bẫy thanh khoản, tác động của các chính sách tiền tệ phi truyền thống lên các điều kiện tài chính và cầu sẽ rất khiêm tốn.

Đây là điều đã xảy ra ở Mỹ và sự hồi sinh gần đây của nền kinh tế nước này có sự đồng hành của tăng trưởng cả xuất khẩu và nhập khẩu. Do đó, tác động của hàng loạt đợt thực hiện chính sách nới lỏng định lượng lên các thị trường mới nổi và phần còn lại của thế giới là rất hạn chế.

Tuy nhiên chính sách khắc khổ ở châu Âu đã có tác động lớn lên tài khoản vãng lai của các quốc gia trong khu vực này – vốn chuyển từ mức thâm hụt 100 tỷ USD năm 2008 lên mức thặng dư gần 300 tỷ USD năm nay. Đây là hệ quả việc các dòng vốn chảy vào các quốc gia ở phía Nam khu vực ngừng đột ngột – dẫn đến việc họ phải thực hiện chính sách khắc khổ để giảm thâm hụt từ mức 300 tỷ USD gần 5 năm về trước lên mức thặng dư hiện nay. Bởi lẽ các quốc gia có tài khoản vãng lai thặng dư như Mỹ và Hà Lan ở phía Bắc không tăng cầu của họ, tựu chung khu vực EU đang có thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới, vượt qua cả Trung Quốc – quốc gia vốn bị kết tội là cố tình thao túng đồng nội tệ của mình để tăng cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.

Sự biến động trị giá tài khoản vãng lai ở mức 400 tỷ USD của khu vực EU không phải là kết quả của việc “phá giá cạnh tranh đồng Euro” – đồng Euro vẫn là một trong những ngoại tệ mạnh. Lý do thực sự khiến EU có thặng dư tài khoản vãng lai là do nhu cầu nội địa yếu đến mức nhập khẩu gần như “giậm chân tại chỗ” trong vòng 5 năm vừa qua (tỷ lệ tăng trưởng hàng năm chỉ là 0,25%).

châu Âu
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nguyên nhân của tình trạng này là do chính sách khắc khổ mà EU áp dụng. Nhu cầu yếu là nguyên nhân thực sự lý giải tại sao tài khoản vãng lai của các thị trường mới nổi xấu đi nhanh chóng và trừ Trung Quốc, tất cả các thị trường mới nổi đều đang chịu thâm hụt tài khoản vãng lai.

Do đó nếu có phàn nàn thì các nhà lãnh đạo các thị trường mới nổi nên kêu ca về chính sách khắc khổ của EU chứ không phải chính sách nới lỏng định lượng của Mỹ. Phát biểu gần đây của Chủ tịch Fed Ben Bernanke về việc giảm quy mô gói nới lỏng định lượng có thể là nguyên nhân gây ra sự bất ổn trong thời gian gần đây nhưng yếu tố bất ổn sâu xa của lại nằm ở khu vực châu Âu.

Sự biến động liên tục của các thị trường vốn một lần nữa đã cho thấy nghịch lý của việc tiết kiệm. Trong bối cảnh các dòng vốn đang rút khỏi các thị trường mới nổi, các quốc gia này sẽ sớm phải thực hiện biện pháp khắc khổ của riêng mình và tài khoản vãng lai của họ sẽ sớm trở lại trạng thái thặng dư như các quốc gia khu vực EU hiện nay. Câu hỏi đặt ra tiếp theo là liệu quốc gia nào có khả năng và sẵn sàng chấp nhận tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai.

Nói đến đây chúng ta sẽ nghĩ đến hai trong số ba nền kinh tế lớn nhất thế giới: Trung Quốc – với tiềm lực vững mạnh của mình và khu vực EU trong bối cảnh đồng Euro được công nhận là đồng tiền dự trữ. Tuy nhiên cả hai đều cam kết duy trì mức thặng dư tài khoản vãng lai. Điều này đồng nghĩa với việc trừ khi Mỹ tiếp tục duy trì vai trò là người tiêu dùng cuối cùng, đợt bất ổn gần đây nhất của thị trường tài chính sẽ làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu hơn nữa. Và bất kỳ sự phục hồi nào sẽ mất cân bằng nếu có.