Truyền thông quốc tế bàn luận gì xung quanh APEC 2017?

Theo Mai Hương/kinhtevadubao.vn

Việc đăng cai lần thứ hai Hội nghị APEC đã cho thấy sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. APEC 2017 cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện sự tinh tế về mặt ngoại giao, vốn đã được công đồng ghi nhận.

Bên cạnh vấn đề kinh tế, Hội nghị APEC 2017 là cơ hội Việt Nam thể hiện sự tinh tế về mặt ngoại giao, vốn đã được công đồng ghi nhận. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bên cạnh vấn đề kinh tế, Hội nghị APEC 2017 là cơ hội Việt Nam thể hiện sự tinh tế về mặt ngoại giao, vốn đã được công đồng ghi nhận. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã đăng tải bài báo giới thiệu về thành phố chủ nhà Đà Nẵng, nơi diễn ra các sự kiện, diễn đàn, hội nghị trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Bài báo giới thiệu về nét đẹp cũng như những chính sách ấn tượng của chính quyền thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Đánh giá về Diễn đàn APEC lần này, nhật báo Rasmei Kampuchea (Tia sáng Campuchia) trong bài viết “Việt Nam, chủ nhà của Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương” cho biết, việc tổ chức APEC 2017 là một nội dung ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020. Theo bài báo, năm APEC 2017 sẽ là một bằng chứng sinh động, góp phần nâng tầm ngoại giao đa phương và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Bài báo cũng cho rằng, trong tương lai, APEC vẫn sẽ là một trong những diễn đàn hợp tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, bởi đây là nơi hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam.

Bài báo cũng ghi nhận đóng góp tích cực của Việt Nam trong lần tổ chức Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 năm 2006, thông qua Chương trình hành động Hà Nội về thực hiện mục tiệu Bogor, các biện pháp để nâng cao hiệu quả hợp tác APEC và đề ra những triển vọng dài hạn.

Phần cuối bài báo, Rasmei Kampuchea nhấn mạnh, năm APEC 2017 tại Việt Nam còn có ý nghĩa quan trọng hơn khi hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam trở thành nền kinh tế thành viên của APEC (1998-2018).

Cũng bàn về nước chủ nhà Việt Nam trong Hội nghị APEC, tờ Bangkok Post của Thái Lan bình luận, Đà Nẵng được xem là thành phố cảng nổi tiếng nhất của Việt Nam, được coi là cây cầu kết nối khu vực Đông Nam Á với phần còn lại của thế giới. Bên cạnh vấn đề kinh tế, Hội nghị APEC 2017 là cơ hội Việt Nam thể hiện sự tinh tế về mặt ngoại giao, vốn đã được công đồng ghi nhận.

Trong bài viết của mình đăng trên trang Trung tâm ASEAN (thuộc Học viện Ngoại giao Nga) về vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới, Georgi Chofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ ủng hộ các nghiên cứu khoa học “Sáng kiến Á-Âu” cho biết, ngoài APEC, Việt Nam còn tham gia hơn 70 tổ chức uy tín thế giới và khu vực, như: Liên hợp quốc, WTO, ASEAN, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Ở tổ chức nào, Việt Nam cũng thể hiện vai trò tích cực và có nhiều hoạt động thực tiễn. Ông bày tỏ chắc chắn năm APEC 2017 sẽ thành công tốt đẹp, góp phần phục vụ thiết thực các lợi ích phát triển an ninh, đồng thời thể hiện tầm nhìn và vị thế mới của Việt Nam.

Trong Hội nghị APEC 2017, 11 nước thành viên còn lại của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bao gồm Việt Nam, có thể sẽ có những cuộc hội đàm bên lề hội nghị cấp cao để cùng bàn bạc lại các điều khoản của thỏa thuận TPP. Hãng thông tấn Reuters nhận định dường như APEC 2017 có thể sẽ là cầu nối giúp các nhà đàm phán quyết định xem có thể thống nhất một số điều khoản trong hiệp định này hay không.

Reuters cho biết ông Kazuyoshi Umemoto, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản nhận định rằng, TPP không chỉ giúp 11 nước thành viên có một hệ thống thương mại cởi mở, tự do tại Thái Bình Dương, mà còn gửi thông điệp mạnh mẽ đến Mỹ nhằm thuyết phục nền kinh tế lớn nhất thế giới quay trở lại bàn đàm phán. Ông Kazuyoshi Umemoto chia sẻ, “chúng tôi muốn Hoa Kỳ quay trở lại càng sớm càng tốt, TPP sẽ được phê chuẩn”.

Hội nghị APEC 2017 sẽ đón nhiều nguyên thủ của các nền kinh tế lớn, đáng chú ý là Mỹ, Nga, Trung Quốc. Tờ The Guardian của Anh đánh giá việc tham dự APEC tại Việt Nam của Tổng thống Donald Trump có ý nghĩa quan trọng. Là nơi ông sẽ tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, đặc biệt là với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cũng theo The Guardian, Tổng thống Donald Trump sẽ gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang để cùng thảo luận về vấn đề tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh, đặc biệt là những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, một vấn đề mà Mỹ quan tâm.
Ông Trump dường như muốn 2 nước cùng nỗ lực tái cân bằng thâm hụt thương mại song phương, thúc đẩy hợp tác giữa các công ty Mỹ và Việt Nam. The Guardian cũng nhận xét, điều này sẽ gặp chút vướng mắc khi Việt Nam ủng hộ TPP còn Mỹ phản đối hiệp định này.