Ukraine đang cận kề bờ vực phá sản

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Kiev đang phụ thuộc mạnh vào các khoản vay quốc tế và ngập trong những khoản nợ mua khí đốt từ Nga, trong khi đồng nội tệ lao dốc...

Bảng thông báo tỷ giá bên ngoài một điểm giao dịch ngoại tệ ở Kiev ngày 10/11. Đồng Hryvnia của Ukraine đang mất giá mạnh. Nguồn: internet
Bảng thông báo tỷ giá bên ngoài một điểm giao dịch ngoại tệ ở Kiev ngày 10/11. Đồng Hryvnia của Ukraine đang mất giá mạnh. Nguồn: internet
Đồng tiền của Ukraine mất giá gần 5% trong ngày hôm qua (10/11) sau khi khu vực miền Đông nước này rung chuyển vì một vụ pháo kích lớn hôm Chủ nhật. Nguy cơ phá sản đang hiện rõ đối với Ukraine hơn bao giờ hết.

Theo hãng tin Reuters, nguy cơ đổ vỡ lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine và sự trở lại của xung đột đang gây sức ép lớn cho nền kinh tế nước này. Kể từ khi Ngân hàng Trung ương Ukraine từ bỏ việc neo buộc tỷ giá cách đây 1 tuần, tỷ giá đồng tiền nội tệ của nước này đã mất giá 12%. Riêng trong ngày đầu tuần, đồng Hryvnia “bốc hơi” gần 5% giá trị.

Giới quan sát nhận định, Ukraine, đất nước 46 triệu dân, đang cận kề nguy cơ phá sản cấp quốc gia. Hiện Kiev đang phụ thuộc mạnh vào các khoản vay quốc tế và ngập trong những khoản nợ mua khí đốt từ Nga.

Giá bán ra đồng USD mà Ngân hàng Trung ương Ukraine công bố ngày 10/11 là 15,2 Hryvnia đổi 1 USD, thấp chưa từng có từ trước đến nay, và thấp hơn 4,8% so với trong phiên đấu giá ngày thứ Sáu tuần trước.

Cách đây 1 tuần, Ngân hàng Trung ương Ukraine đã tháo bỏ mức neo buộc tỷ giá 12,95 Hryvnia đổi 1 USD, theo đó thả nổi đồng nội tệ. Hôm qua, cơ quan này nhận định, đồng Hryvnia có thể đã ngừng giảm giá và ổn định trong khoảng 15 đến 16 Hryvnia đổi 1 USD.

Sau những cuộc giao tranh đẫm máu suốt mùa hè khiến khoảng 4.000 người thiệt mạng, một lệnh ngừng bắn đã được ký kết cho miền Đông Ukraine hồi đầu tháng 9. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lệnh ngừng bắn này ngày càng trở nên mong manh do thường xuyên bị vi phạm.

Phóng viên của hãng Reuters tại Donetsk, thành phố miền Đông Ukraine nơi quân nổi dậy chiếm ưu thế kiểm soát, cho biết, trong ngày hôm qua, các cuộc pháo kích vẫn xảy ra, dù không mạnh như vào cuối tuần. Cuộc pháo kích hôm Chủ nhật được cho là mạnh nhất ở khu vực này kể từ đầu tháng 10.

Đạn pháo được bắn đi từ cả khu vực do quân ly khai và quân chính phủ kiểm soát. Đến nay, sân bay của Donetsk gần như đã bị phá hủy bởi các cuộc pháo kích.

Phương Tây cho rằng, mục đích của Nga là tạo ra một “cuộc xung đột đóng băng” ở miền Đông Ukraine, khiến nước này khó đạt mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và gây áp lực cho các cố gắng phục hồi nền kinh tế của Kiev. Trong khi đó, Kiev lo ngại Nga sẽ giúp quân nổi dậy mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát bằng một chiến dịch quân sự mới.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 10/11 cảnh báo, tình hình ở miền Đông Ukraine đang trở nên nghiêm trọng hơn và tiếp tục kêu gọi các bên thực thi lệnh ngừng bắn.

Tuy vậy, nỗi lo kinh tế trước mắt của Ukraine là sự lao dốc của đồng nội tệ. Việc Ngân hàng Trung ương Ukraine từ bỏ việc neo buộc tỷ giá vào tuần trước diễn ra sau khi cơ quan này chi 1,3 tỷ USD, tương đương 1/10 số dự trữ ngoại hối còn lại, để bảo vệ đồng Hryvnia trong 1 tháng rưỡi.

Nỗ lực bảo vệ tỷ giá trong cuộc khủng hoảng và việc trả nợ khí đốt Nga đã khiến dự trữ ngoại hối của Ukraine chỉ còn 12,6 tỷ USD tính đến tháng 10, thấp nhất kể từ năm 2005. 

Niềm tin vào hệ thống ngân hàng Ukraine đã giảm mạnh cùng với đà giảm giá của đồng Hryvnia. Từ đầu năm đến ngày 21/9 vừa qua, khoảng 1/3 số tiền gửi trong hệ thống của ngân hàng này đã bị rút, tương đương mức rút tiền khoảng 100 tỷ Hryvnia (6,8 tỷ USD).

Từ nay đến cuối năm, Ukraine còn phải trả Nga 1,6 tỷ USD tiền nợ khí đốt, chưa kể mỗi tháng 700 triệu USD tiền mua khí đốt mới. Khoản vay tiếp theo trong gói 17 tỷ USD mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cam kết cho nước nay có thể sẽ bị hoãn tới cuối năm nay hoặc năm tới mới được giải ngân. Một số chuyên gia cho rằng, số tiền vay này sẽ không đủ để Ukraine trang trải nợ nần.