Việc thực thi thoả thuận CETA vẫn chưa hết trở ngại

Theo TTXVN

Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) Canada - Liên minh châu Âu vừa được đưa lên Ủy ban thương mại và đối ngoại của Thượng viện Canada để biểu quyết thông qua và sẽ được áp dụng tạm thời vào ngày 1/7 tới.

Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) Canada - Liên minh châu Âu đã được ký kết vào ngày 30/10/2016.. Nguồn: Internet
Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) Canada - Liên minh châu Âu đã được ký kết vào ngày 30/10/2016.. Nguồn: Internet
Mặc dù Quốc hội châu Âu cũng đã thông qua CETA trong tháng 2 vừa qua, tuy nhiên việc thực thi thỏa thuận này chưa hẳn đã hết trở ngại.

Canada nỗ lực thúc đẩy để áp dụng CETA

Sau 8 năm thương thuyết, thoả thuận trên đã được ký kết hồi tháng 10/2016 ở Bỉ trong bối cảnh gần như đổ vỡ. Trong chuyến thăm Canada hồi tuần trước nhằm thúc đẩy CETA, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom phát biểu rằng “châu Âu đã sẵn sàng” và thỏa thuận "sẽ có hiệu lực trong vài tuần nữa”.

Ngay sau đó, ngày 27/3, thoả thuận CETA được đưa lên Ủy ban thương mại và đối ngoại của Thượng viện Canada. Hội đồng nghị viện các tỉnh và vùng lãnh thổ của Canada cũng sẽ xem xét thông qua, đầu tiên là tỉnh Ontario, rồi đến Quebec. Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đang nỗ lực thúc đẩy để tạm thời áp dụng CETA trước ngày 1/7.

Báo chí Canada lạc quan cho rằng, không giống như ở châu Âu, không có kịch bản phản đối nào xuất hiện ở Canada. Hãng tin CBC bình luận, không có dấu hiệu nào cho thấy các thượng nghị sĩ muốn xem xét lại bản thoả thuận này.

Không dễ dàng cho CETA được thực thi

Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định, việc thực thi CETA chưa hẳn đã hết trở ngại. Mới đây, Thủ hiến vùng Wallonie của Bỉ Paul Magnette đe doạ sẽ ngăn chặn thoả thuận này. Ông Magnette cho biết, chính quyền của ông sẽ không ủng hộ việc phê chuẩn cuối cùng CETA cho đến khi các tranh chấp được giải quyết.

Trở lại các diễn biến liên quan, hồi tháng 10/2016, Chính phủ Liên bang Bỉ và chính quyền vùng Wallonie đã ký một thỏa thuận nội bộ trao quyền cho nước Bỉ ký kết CETA.

Trong nội dung của thỏa thuận có một điều khoản quy định nước Bỉ sẽ phải hỏi ý kiến của Tòa Tư pháp châu Âu để xác minh phương thức giải quyết xung đột được quy định trong CETA có phù hợp với luật châu Âu hay không. Trong khi đó, phương thức giải quyết xung đột phải do Tòa Tư pháp châu Âu thụ lý chứ không phải là các tòa án của các nước thành viên.

Thủ hiến vùng Wallonie Magnette cho rằng, sau khi thỏa thuận nội bộ được ký, nước Bỉ phải ngay lập tức hỏi ý kiến Tòa Tư pháp châu Âu. Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Charles Michel lại cho rằng, việc chưa hỏi ý kiến Tòa Tư pháp châu Âu không ngăn cản ông kích hoạt hồ sơ CETA.

Ngay sau phát biểu của Thủ tướng Michel, ông Magnette đe dọa sẽ kích hoạt một điều khoản khác cho phép Nghị viện vùng Wallonie một lần nữa bác bỏ thỏa thuận CETA. Ông Magnette cũng nói rằng, chính quyền của ông đang thách thức tính hợp pháp của cơ chế giải quyết tranh chấp tại Toà Tư pháp châu Âu, có thể mất ít nhất 2 năm để xử lý.

Trong một phát biểu, Thủ hiến vùng Wallonie cũng cáo buộc, hồi tháng 10/2016, để ngăn cản sự phản đối của chính quyền vùng Wallonie, các quan chức Canada và EU (bao gồm cả Bộ trưởng thương mại Christia Freeland và phái viên CETA Pierre Pettigrew) đã gây áp lực với Wallonia bằng việc cảnh báo rằng việc Wallonia từ chối CETA “chắc chắn sẽ có những hậu quả nặng nề cho mối quan hệ giữa Wallonia và Canada”, trong đó, các công ty lớn sẽ xem xét lại khoản đầu tư lớn vào Wallonia. Với thái độ cứng rắn của ông Magnette, theo các nhà quan sát, CETA lại có nguy cơ bị rơi vào tình trạng bế tắc như hồi tháng 10/2016.
Không chỉ với vùng Wallonie của Bỉ, việc phê chuẩn cuối cùng của CETA cũng phải đối mặt với những thách thức ở Hà Lan, Pháp, Đức, Italy và Bulgaria. Đánh giá về trở ngại mới này, các chuyên gia cho rằng, mặc dù cả Canada và EU đã ký kết thoả thuận vào tháng 10 năm ngoái và hầu hết sẽ bắt đầu có hiệu lực trên cơ sở tạm thời. Tuy nhiên, toàn bộ thoả thuận vẫn phải được 28 nước thành viên EU (tính cả Anh) và 10 cơ quan lập pháp khu vực thông qua. Việc này ít nhất cũng mất vài năm nữa.
Phát biểu trong chuyến thăm Canada hồi tuần trước, Ủy viên thương mại của EU Cecilia Malmstrom đã thừa nhận cần có sự nhất trí của tất cả các nước thành viên EU và 10 cơ quan lập pháp khu vực và nếu có bất kỳ phủ quyết nào thỏa thuận này thì CETA không có hiệu lực.
Tuy nhiên, bà Malmstrom cũng trấn an rằng tất cả các nước đều hứa sẽ làm hết sức mình để quốc hội thông qua và có ít nhất 20 đến 22 quốc gia thành viên sẽ thúc đẩy thực hiện tiến trình này trôi chảy.