Vụ lừa đảo ngân hàng vô tiền khoáng hậu

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Vào tháng 9/2011 truyền thông Iran loan tin về một vụ lừa đảo tài chính làm náo động các giới chức ngân hàng nước này. Sau gần hai năm điều tra, tháng 7/2012 Tòa án tối cao Iran đã đưa 39 người có liên quan đến vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, danh tính của những người bị kết án sẽ không được công bố công khai.

Vụ “tham nhũng tài chính” ở Iran vô cùng lớn và chưa có tiền lệ trong lịch sử quốc gia Hồi giáo này. Nguồn: internet
Vụ “tham nhũng tài chính” ở Iran vô cùng lớn và chưa có tiền lệ trong lịch sử quốc gia Hồi giáo này. Nguồn: internet

Theo thông tin mà giới truyền thông có được, vụ việc đã được dàn dựng bởi một nhân vật duy nhất mang bí danh “ngài X” (Mr. X). Tên này đã xây dựng một mạng lưới lừa đảo và dùng các tín dụng thư giả mạo để mua hàng loạt tài sản lớn, gồm cổ phần trong doanh nghiệp Khuzestan Steel, một trong những công ty thép lớn nhất Iran.

Giám đốc Ngân hàng Trung ương Iran Mahmoud Bahmani nói rằng, kẻ có biệt danh “Mr. X” đã điều hành kế hoạch lừa đảo từ tháng 6/2009 tới tháng 5/2011 và chiếm dụng trái phép hơn 28 ngàn tỷ rial (gần 2,6 tỷ USD), thậm chí hắn ta còn nỗ lực thành lập một ngân hàng riêng, nhưng không thành công.

Một vị đại diện lãnh đạo ngân hàng Saderat, cũng là một trong những nạn nhân của vụ lừa đảo nói trên cho biết, “Mr. X” còn lừa đảo 7 ngân hàng khác. Trong khi đó, giới chức Iran nhìn nhận đây là vụ “tham nhũng tài chính” vô cùng lớn và chưa có tiền lệ trong lịch sử quốc gia Hồi giáo này.

Truyền thông Iran dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra cho biết, nhiều người liên quan đến vụ này đã bị bắt để điều tra trước khi thông tin về vụ việc được công bố cho báo chí.

Sau đó chính quyền Iran đã cho mở rộng cuộc điều tra và cơ quan điều tra đã bắt giữ thêm 9 nghi can khác. Công tố viên nhà nước Gholam Hossein Mohseni Ejehei cho biết, tổng cộng 67 người đã bị triệu tập để thẩm vấn và 31 người bị bắt giữ trong vụ lừa đảo lớn chưa từng có trong lịch sử nước này. Mahmoud Reza Khavari, Giám đốc Bank Melli của Iran, đã chạy trốn sang Canada do có dính líu đến vụ lừa đảo này.

Những lời buộc tội tập trung vào cáo buộc các bị đơn sử dụng đơn từ giả mạo để nhận tín dụng tại một trong những tổ chức tài chính lớn nhất Iran. Các đối thủ theo đường lối bảo thủ của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã lợi dụng vụ việc này để công kích các đồng minh của ông.

Theo hãng tin AP, ngày 22/10/2011, các nhà lập pháp Iran đã triệu tập Bộ trưởng Các vấn đề kinh tế và tài chính Shamseddin Hosseini ra trước quốc hội trong vòng 10 ngày để trả lời chất vấn về vụ việc. Công tố viên Ejehei cho biết, nhiều doanh nhân và giới chức ngân hàng cũng nằm trong số 22 người bị bắt giữ.

Ông Ejehei nói các nghi can đã bắt đầu thú tội. Từ lời khai của các cá nhân bị bắt giữ, cơ quan điều tra đã buộc tội doanh nhân Iran Amir-Mansour Khosravi, còn được gọi là Aria, là nhân vật chủ mưu vụ lừa đảo vô tiền khoáng hậu này. Amir-Mansour Khosravi đã lãnh đạo một đế chế kinh doanh bao gồm 35 công ty tham gia các hoạt động từ sản xuất, kinh doanh với mạng lưới trên khắp Iran và tham gia cả lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Hãng thông tấn Reuter cho rằng, các đối thủ của ông Ahmadinejad cáo buộc “Aria” có các mối liên hệ với đồng minh chủ chốt của Tổng thống Iran là ông Esfandiar Rahim Mashaei, người được ông Ahmadinejad ủng hộ ra tranh cử tổng thống trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Lãnh tụ Khamenei công khai chỉ trích chính phủ vì đã không ngăn chặn tham nhũng trong lúc các quốc gia phương Tây không ngừng gia tăng các biện pháp trừng phạt tài chính và kinh tế gây ra vô vàn khó khăn cho quốc gia này. Trong khi đó, những người có quan điểm bảo thủ buộc tội ông Rahim Mashaei và một số người khác toan tính thách thức chính thể thần quyền của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Các đối thủ hi vọng, qua vụ việc này cũng gián tiếp nhằm triệt hạ uy tín của Tổng thống. Tuy nhiên, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng ông có dính líu tới vụ bê bối nêu trên.

Sau gần hai năm điều tra, tháng 7/2012 Tòa án tối cao Iran đã đưa 39 người có liên quan đến vụ án ra xét xử. Tòa án đã ra phán quyết tử hình 4 người, 2 người khác phải nhận bản án chung thân và những người còn lại sẽ phải ngồi tù, nhiều nhất là 25 năm.

Tuy nhiên, danh tính của những người bị kết án sẽ không được công bố công khai. Vụ lừa đảo lớn nhất từ trước tới nay ở quốc gia Cộng hòa Hồi giáo Iran chính thức khép lại nhưng sẽ vẫn để lại nhiều nghi vấn.