Tình bạn giữa hai lãnh đạo Mỹ - Trung "nhạt phai" giữa chiến tranh thương mại

Theo Thành Nguyễn/vnexpress.net

Mối quan hệ thân mật khác thường giữa lãnh đạo Mỹ - Trung nhanh chóng kết thúc khi hai cường quốc bất đồng vì một loạt vấn đề.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đón Trump tới thăm Bắc Kinh tháng 11/2017. Nguồn: AP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đón Trump tới thăm Bắc Kinh tháng 11/2017. Nguồn: AP.

"Chủ tịch Tập và tôi luôn là bạn bè, dù có gì xảy ra với tranh chấp thương mại giữa chúng tôi đi nữa", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter hồi tháng 4. Tình bạn này dường như là thứ mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trông cậy trong hơn một năm qua trong quan hệ đối ngoại với Mỹ, theo AFP.

Nhưng sau một tuần hỗn loạn với lệnh trừng phạt, các đòn áp thuế, quyết định hủy họp và cáo buộc can thiệp bầu cử, Trump hôm 26/9 bất ngờ tuyên bố tình bạn giữa ông và Tập Cận Bình có thể đã kết thúc. Tuyên bố này của Trump đã thổi tắt đốm sáng cuối cùng trong mối quan hệ đang đi xuống đến mức thấp nhất trong nhiều năm qua giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Nếu Trump nghĩ rằng ông và Tập Cận Bình không còn là bạn bè nữa, quan hệ hai nước có thể rơi vào cấp độ suy giảm hoàn toàn mới, vượt xa vấn đề thương mại", Bill Bishop, chuyên gia tại Sinocism China Newsletter, nói.

Trump từng gọi ông Tập là "bạn tốt" ngay từ lần gặp đầu tiên tại khu nghỉ dưỡng ở Florida vào tháng 4/2017. Đến tháng 11 năm đó, ông Tập chào đón Trump rất nồng nhiệt ở Bắc Kinh, thậm chí còn mời vợ chồng Tổng thống Mỹ ăn tối ở Tử Cấm Thành, dù ông không bao giờ nói về mối quan hệ cá nhân với Trump.

Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, thì tin rằng dù đối đãi với nhau rất trọng thị, Trump và Tập Cận Bình "chưa bao giờ là bạn bè".

"Trump đã cố tình tách quan hệ cá nhân với ông Tập khỏi những mâu thuẫn trong quan hệ song phương, với niềm tin rằng ông có thể dùng tình bạn này như lá bài mặc cả với Trung Quốc khi có cơ hội", Glaser nói.

Chen Daoyin, chuyên gia phân tích chính trị ở Thượng Hải, cũng cho rằng mối quan hệ giữa ông Trump và Tập Cận Bình "chỉ là hời hợt" vì hai lãnh đạo này tin vào những giá trị khác nhau. Tuy nhiên, cái gọi là "tình bạn" này cũng đã phát huy hiệu quả ít nhất một lần, khi Trump quyết định cứu Tập đoàn công nghệ ZTE của Trung Quốc khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ. "Đây có thể coi là thành quả trong mối quan hệ cá nhân của họ", Chen nói.

Chen chỉ ra rằng ông Tập không tham dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 đang diễn ra ở Mỹ, nơi Trump giữ vai trò chủ trì phiên thảo luận. Trump cũng hủy kế hoạch tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ở Papua New Guinea và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Singapore vào tháng 11, nơi lãnh đạo Mỹ - Trung có cơ hội để thảo luận về cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nước.

"Chúng ta có thể thấy rằng hai lãnh đạo đang tránh mặt nhau", Chen nhận xét.

Khi được hỏi liệu ông Tập có còn là bạn bè với Trump nữa hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố việc duy trì quan hệ Mỹ - Trung "lành mạnh và tốt đẹp" mang lại "lợi ích lâu dài" cho cả hai nước.

Mối quan hệ bất thường

Các bình luận viên của Bloomberg cho rằng sự chấm dứt của "tình bạn Trump – Tập" không phải là điều gì quá bất ngờ, bởi mối quan hệ này ngay từ đầu đã rất bất thường. Trump nhậm chức đầu năm ngoái sau khi chỉ trích không tiếc lời việc Trung Quốc "đánh cắp việc làm" của người Mỹ và đe dọa có các biện pháp cứng rắn với Bắc Kinh, rồi nhanh chóng kết thân với ông Tập khi lãnh đạo này tới Mỹ hồi tháng 4/2017, dù những quan ngại với Trung Quốc chưa được giải quyết.

Bản thân ông Tập cũng có vai trò trong việc khiến mối quan hệ với Trump xấu đi, khi thể hiện sự tự tin ngày càng lớn về vai trò "lãnh đạo thế giới" của nước này. Ông Tập còn công khai đặt tham vọng về chính sách công nghiệp "Made in China 2025" để đưa kinh tế Trung Quốc vượt mặt Mỹ, cũng như có những bước đi quyết liệt để hiện đại hóa quân đội và quân sự hóa Biển Đông.

Những hành động đó của ông Tập góp phần khiến Mỹ cảm thấy bị đe dọa và Lầu Năm Góc coi Trung Quốc là một "đối thủ chiến lược". Quốc hội Mỹ cũng nhận ra sức ép ngày càng lớn từ Trung Quốc và yêu cầu chính quyền Trump có những biện pháp đối phó quyết liệt hơn.

Căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới tăng lên gần như theo từng ngày trong suốt tuần qua, khởi đầu bằng lệnh trừng phạt của Mỹ với một đơn vị quân đội Trung Quốc vì đã mua vũ khí Nga, dẫn đến việc Bắc Kinh quyết định hủy cuộc họp giữa tư lệnh hải quân hai nước và triệu tập đại sứ Mỹ để phản đối.

Khi chính quyền Trump tuyên bố áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đầu tuần trước, Bắc Kinh phản ứng bằng đòn áp thuế "ăn miếng trả miếng", đồng thời khẳng định việc đàm phán thương mại là bất khả thi khi Washington "kề dao vào cổ".

Căng thẳng tiếp tục lên cao khi Lầu Năm Góc thông báo oanh tạc cơ B-52 đã hai lần bay qua Biển Đông trong tuần qua, hành động bị Trung Quốc coi là "khiêu khích". Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Trump còn cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách thao túng cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra ở Mỹ và kêu gọi các nước chống lại các giá trị mà Bắc Kinh đang theo đuổi.

Các quan chức Trung Quốc cho rằng việc Trump tung ra những lời cáo buộc như vậy về ngắn hạn là một "chiến lược tranh cử" nhằm hướng sự chú ý của dư luận vào Trung Quốc, còn về dài hạn là một phần trong nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Khi Trump tuyên bố kết thúc tình bạn với ông Tập và hai lãnh đạo không có bất cứ thỏa hiệp nào, quan hệ Mỹ - Trung có thể rơi vào vòng xoáy cạnh tranh mới.

"Bài phát biểu của Trump tại Liên Hợp Quốc vài ngày trước rõ ràng là dấu hiệu mở đầu cho một cuộc chiến tranh lạnh mới nhắm vào Trung Quốc", Chen Zhiwu, giáo sư kinh tế tại Đại học Hong Kong, nhận định. "Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc không phải là mục tiêu cuối cùng của Trump, mà là công cụ để hướng tới mục đích chiến lược lớn hơn".