Trái đất ấm lên: Các công ty lớn nhất thế giới thiệt hại gần 1.000 tỷ USD

Theo doanhnhansaigon.vn

Biến đổi khí hậu - điểm nóng bàn luận của cộng đồng quốc tế trong thời gian qua - được dự báo sẽ gây thiệt hại xấp xỉ 1.000 tỷ USD cho các công ty đại chúng lớn nhất trên thế giới, theo một khảo sát mới đây từ tổ chức phi lợi nhuận CDP.

Biến đổi khí hậu - điểm nóng bàn luận của cộng đồng quốc tế trong thời gian qua. Nguồn: internet
Biến đổi khí hậu - điểm nóng bàn luận của cộng đồng quốc tế trong thời gian qua. Nguồn: internet

Trong số 500 công ty lớn nhất thế giới (xét theo giá trị vốn hoá thị trường) được CDP (Carbon Disclosure Project - Dự án Công khai tác động của khí thải carbon) lựa chọn nghiên cứu, có 366 công ty, hoạt động trong các lĩnh vực từ công nghệ, khai khoáng cho đến thực phẩm và tài chính, đã tham gia trả lời khảo sát.

Theo CDP, 215 công ty lớn nhất trong số 500 công ty trên dự báo, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, như nhiệt độ gia tăng, cháy rừng, thời tiết thất biến, cực đoan, hạn hán kéo dài... sẽ đạt xấp xỉ 1.000 tỷ USD, trừ phi các biện pháp chủ động ứng phó hiện tượng này được triển khai.

Và phần lớn thiệt hại sẽ xảy ra trong vòng 5 năm tới. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến trong danh sách này bao gồm Sony, Apple, Infosys, Alphabet, JP Morgan, Visa, Microsoft, Unilever, UBS, Nestle, China Mobile, Sony, BHP.

“Dù con số nói trên là rất lớn, nhưng rõ ràng, nó chỉ là phần nổi của tảng băng”, Bruno Sarda - Chủ tịch khu vực Bắc Mỹ của CDP - nhận định. Các nghiên cứu mô phỏng khí hậu bằng máy tính trước đây từng đưa ra ước tính, rủi ro từ hiện tượng trái đất ấm dần lên, nếu không được kiểm soát, có thể khiến khu vực tài chính thế giới thiệt hại 1.700 - 24.200 tỷ USD.

Dẫu vậy, CDP cho rằng, nhiều công ty vẫn chưa có sự đánh giá đúng đắn và đang xem nhẹ các rủi ro của biến đổi khí hậu, bất chấp sự cảnh báo từ vô số chuyên gia, nhà khoa học về việc khí hậu trái đất sẽ hứng chịu thảm họa nếu không nhanh chóng giảm lượng khí thải gây ô nhiễm. 

“Nếu xét về mặt đánh giá đúng đắn rủi ro biến đổi khí hậu, phần lớn các công ty vẫn còn rất nhiều điều phải làm”, Nicolette Bartlett - Giám đốc mảng biến đổi khí hậu tại CDP - cho biết.

“Đối với các công ty, chưa bao giờ mục tiêu hành động vì biến đổi khí hậu lại rõ ràng đến thế. Phân tích của chúng tôi cho thấy vô số rủi ro phát sinh từ biến đổi khí hậu, từ những tổn thất về mặt tài sản, thay đổi trên thị trường, cho đến những thiệt hại về người và của cũng như các tác động hữu hình đến kết quả kinh doanh”, bà Bartlett nói thêm.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, biến đổi khí hậu và hiện tượng trái đất ấm dần lên cũng mang lại cơ hội kinh doanh khổng lồ cho các sản phẩm, dịch vụ hướng đến một nền kinh tế ít carbon.

Theo đó, 225 công ty trong số 500 công ty lớn nhất thế giới ước tính, cơ hội kinh doanh sẽ đạt 2.100 tỷ USD, với xác suất xảy đến khá cao hoặc gần như chắc chắn. Bên cạnh đó, các công ty tài chính cũng dự báo, doanh thu tiềm năng đến từ các sản phẩm và dịch vụ phát thải thấp sẽ vào khoảng 1.200 tỷ USD.

Và trong bối cảnh những nỗ lực chống biến đổi khí hậu tập trung vào việc giới hạn lượng sử dụng than đá, dầu mỏ, khí đốt, CDP đã thúc giục giới đầu tư đặt câu hỏi tại sao những công ty kinh doanh trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch lại tự tin bản thân sẽ hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch năng lượng, vốn khiến cho mô hình kinh doanh hiện tại của họ trở nên lạc hậu.

Trước sức ép từ cổ đông và các cơ quan quản lý, nhiều công ty đại chúng lớn trên thế giới đã buộc phải công bố nhiều hơn về những tác động tài chính cụ thể mà họ sẽ đối mặt khi trái đất ấm dần lên, chẳng hạn: hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xáo trộn chuỗi cung ứng như thế nào, quy định thắt chặt xả thải carbon ảnh hưởng dòng đầu tư than và dầu khí ra sao.