Triển vọng kinh tế Mỹ còn u ám

Theo Minh Đức/thoibaonganhang.vn

Kể từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại Mỹ, nền kinh tế nước này phải đối mặt với những thách thức của một thời kỳ bất ổn chưa từng có với một loạt các dấu hiệu đi xuống của các chỉ số vĩ mô như kinh tế rơi vào suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, doanh nghiệp phá sản hàng loạt...

Các chỉ số vĩ mô của kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Nguồn: internet
Các chỉ số vĩ mô của kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Nguồn: internet

Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm 32,9% trong quý II/2020, ghi dấu quý tăng trưởng tồi tệ nhất tính từ năm 1947.

Nguyên nhân được cho là do chi tiêu tiêu dùng chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ đã sụt giảm tới 34% trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trước đó, kinh tế Mỹ đã giảm 5% trong quý I và chính thức rơi vào suy thoái do COVID-19, khép lại giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử nước Mỹ (11 năm).

Bên cạnh việc sụt giảm tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và tình trạng thua lỗ tài chính của các doanh nghiệp nhỏ cũng là các tín hiệu cảnh báo đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Do tác động của lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, các doanh nghiệp ở Mỹ đã cắt giảm 20,8 triệu việc làm trong tháng 4 và mới chỉ khôi phục khoảng 7,5 triệu việc làm trong hai tháng tiếp đó, khi nhiều bang ở nước này bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế. Hiện tại tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ mặc dù đã giảm từ mức kỷ lục trên 14% hồi tháng 4, nhưng vẫn còn duy trì ở mức trên 10%, cao hơn gấp đôi so với thời điểm trước khi chịu tác động của dịch bệnh.

Ngoài ra, các số liệu thống kê cũng cho thấy sản lượng công nghiệp của Mỹ trong quý II đã giảm 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm theo quý lớn nhất đối với lĩnh vực công nghiệp của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Trong khi đó, lĩnh vực chế tạo giảm tới 47% trong cả quý II.

Nguyên nhân là do các bang đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 sau khi mở cửa trở lại một phần nền kinh tế. Mặc dù giải pháp này là cần thiết và phù hợp để đối phó với đại dịch, song trên phương diện kinh tế, đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng mà theo dự báo có thể lên tới 50%.

Như vậy, mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều biện pháp chưa có tiền lệ để vực dậy nền kinh tế như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế, hạ lãi suất xuống mức gần 0% và Chính phủ Mỹ đã tung ra các gói cứu trợ vài nghìn tỷ USD nhưng những kết quả thu được hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đó, diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 đang tạo áp lực cho đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới ít nhất cho đến năm 2020, nếu không kể những tác động có thể kéo dài hơn sang một số năm tiếp theo.

Hiện tại, qua các dự báo của giới phân tích, triển vọng kinh tế Mỹ trong ngắn hạn sẽ không có nhiều tín hiệu khả quan. Theo dự báo Ủy ban Thị trường Mở Liên bang thuộc Fed, GDP của Mỹ có thể giảm tới 6,5% trong năm 2020, sau đó bật tăng trở lại 5% vào năm 2021 và 3,5% trong năm 2020. Trong các chỉ số chi phối đến triển vọng kinh tế Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức báo động là mối quan ngại lớn đối với Chính phủ.

Tỷ lệ thất nghiệp trung bình được dự báo là 9,3% trong năm 2020, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp mục tiêu do Fed đề ra và có thể ở mức 6,5% trong năm 2021, 5,5% trong năm 2022. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp thực tế còn phải kể đến những trường hợp bán thất nghiệp, hay còn gọi là tình trạng người lao động vẫn có việc làm nhưng không làm hết năng suất. Do đó, con số thất nghiệp thậm chí còn có thể cao hơn nhiều so với tỷ lệ công bố. Làn sóng thất nghiệp hiện tập trung vào một số lĩnh vực như khách sạn, giải trí, bán lẻ, các dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe.

Một số yếu tố khác cũng sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế Mỹ là chỉ số lạm phát và giá dầu. Theo dự báo, lạm phát sẽ ở mức 0,8% trong năm 2020, tăng lên 1,6% trong năm 2021 và 1,7% trong năm 2022, thấp hơn tỷ lệ lạm phát lõi mục tiêu của Fed là 2%. Về triển vọng giá dầu Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu thô sẽ ở mức trung bình là 34 USD/thùng vào năm 2020 và 48 USD/thùng vào năm 2021. Tỷ lệ lạm phát thấp tiếp tục phản ánh tình trạng cầu trong nước suy giảm trong khi đó giá dầu thấp có thể ảnh hưởng đến hoạt động của ngành khai thác dầu mỏ tại quốc gia này.

Với sự tổng hợp của nhiều yếu tố như vậy, giới chuyên gia kinh tế đều nhận định rằng Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong phục hồi kinh tế đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Việc mở cửa trở lại nền kinh tế là hết sức cần thiết để khôi phục lại đà tăng trưởng tuy nhiên cũng đặt ra yêu cầu phải cảnh giác với làn sóng bùng phát trở lại của dịch bệnh. Bên cạnh các giải pháp kích thích kinh tế, việc tập trung vào tiến trình nghiên cứu vắcxin ngừa COVID-19 sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất có thể giúp Mỹ giải quyết được triệt để những lo ngại do đại dịch COVID-19 gây ra.