TS. Nguyễn Trí Hiếu:

Trung Quốc đang có hoài bão dẫn đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số

Theo Phương Linh/nhadautu.vn

Nói về việc Trung Quốc đã chính thức thử nghiệm đồng nhân dân tệ điện tử, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, quốc gia này có hoài bão dẫn đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số và luôn có tham vọng bá chủ toàn cầu trên lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã chính thức phát hành đồng Nhân dân tệ điện tử (DCEP) đầu tháng 5/2020. Nguồn: internet
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã chính thức phát hành đồng Nhân dân tệ điện tử (DCEP) đầu tháng 5/2020. Nguồn: internet

Sau hơn 5 năm nghiên cứu, đầu tháng 5/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã chính thức phát hành đồng Nhân dân tệ điện tử (DCEP). Đồng DCEP dự kiến sẽ được thử nghiệm trước tại hai thành phố Thẩm Quyến và Tô Châu.

Theo nhận định của giới nghiên cứu PBOC, đồng tiền này có thể gây ra nhiều tác động đến chính trị, kinh tế, tài chính trên toàn thế giới vì tiền tệ không chỉ là vấn đề kinh tế mà con là vấn đề về chủ quyền.

Bên cạnh đó, việc ra đời đồng tiền DCEP cũng làm nảy sinh một số tác động đối với các ngân hàng thương mại, đối với nền kinh tế và đối với quan hệ giao thương của Trung Quốc với các nước khác trên thế giới.

Về công nghệ, đồng DCEP dựa trên công nghệ blockchain. Tuy nhiên, trái với tính phi tập trung của blockchain, các giao dịch không ẩn hoàn toàn. Đồng DCEP cũng không phải là tiền ảo vì giá trị của nó được cố định vào giá Nhân dân tệ chứ không phải được định giá theo thị trường như Bitcoin hay những đồng tiền ảo khác.

Đồng DCEP hoạt động trên cơ chế 2 tầng, phục vụ cho nghiệp vụ phát hành và thu hồi. Tầng thứ nhất, PBOC sẽ phát hành và thu hồi đồng tiền thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Tầng thứ hai, ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm cho việc phân bổ đồng tiền kỹ thuật số đến các thành phần cá thể trong thị trường tài chính.

Ngân hàng thương mại sẽ phải kí gửi 100% giá trị dự trữ tại ngân hàng trung ương để đổi lấy tiền điện tử, sau đó phân phối cho người dùng. Người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ tải xuống ví điện tử trên điện thoại di động của mình và nạp tiền điện tử DCEP từ tài khoản của họ tại các ngân hàng (tương tự như nạp từ ATM). Sau đó, họ sử dụng như tiền mặt để thực hiện và nhận thanh toán với bất kì người nào khác có ví điện tử. Điều này phù hợp với tình hình thực tế vì Trung Quốc đang ngày càng trở thành một xã hội không tiền mặt.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng xung quanh vấn đề này:

Phóng viên: Việc Trung Quốc đẩy nhanh thử nghiệm đồng nhân dân tệ điện tử cho thấy họ đang có những tham vọng gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết, tiền điện tử có thể bổ sung cho nguồn cung tiền của quốc gia. Từ trước đến nay, ngân hàng trung ương họ phát hành đồng tiền quốc gia, và cấu phần là tiền giấy và 1 phần là M1, M2, M3 - thanh toán của dân. Hiện nay có một loại tiền nữa, là tiền điện tử dựa trên hệ thống Blockchain.

Do đó, tiền kỹ thuật số nhân dân tệ này bổ sung cho ngân hàng nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, từ tiền giấy đến tiền kỹ thuật số, phải được bảo đảm bởi năng lực kinh tế của quốc gia. Chắc chắn rằng ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã tính được đến việc bảo đảm tính thanh khoản của tất cả các đồng tiền mà họ phát hành ra.

Đây là điều tích cực, tuy nhiên có rất nhiều quốc gia vẫn chưa theo gót Trung Quốc, bởi họ lúng túng trong việc kiểm soát tất cả những đồng tiền kỹ thuật số.

Thứ nhất, việc phát hành tiền kỹ thuật số nhân dân tệ cho thấy Trung Quốc muốn đi đầu trong lĩnh vực này giữa các ngân hàng trung ương. Cho đến nay, có lẽ chỉ có ngân hàng Trung Quốc là một trong những ngân hàng dẫn đầu trong lĩnh vực này thôi.

Thứ hai, về công nghệ thông tin của Trung Quốc phát triển chỉ sau Mỹ, cho nên họ có kỹ năng tốt để phát hành đồng tiền kỹ thuật số quốc gia.

Thứ ba, nền kinh tế của Trung Quốc phát triển rất mạnh, mặc dù trong đợt đại dịch COVID-19 vừa qua có chút sụt giảm, tuy nhiên Trung Quốc vẫn là nền kinh tế thứ hai trên thế giới. Do đó, họ cần một lượng nguồn cung tiền tệ đủ để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế, và tiền kỹ thuật số nhân dân tệ cũng là nguồn bổ sung đáng kể.

Liệu rằng, Trung Quốc có thể chiếm vị trí số 1 trên thế giới trên lĩnh vực tiền kỹ thuật số hay không thì có lẽ chưa ai có thể trả lời được. Bởi tiền kỹ thuật số hiện tại vẫn là lĩnh vực khá là mới mẻ, và ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn đang trong quá trình thử nghiệm thôi.

Thế nhưng, đúng là Trung Quốc có thể có hoài bão dẫn đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số và quốc gia này luôn luôn có tham vọng bá chủ toàn cầu trên lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Theo ông, đâu là rào cản đối với Trung Quốc trong cuộc đua phát hành tiền điện tử quốc gia?

Hiện nay, Trung Quốc đang là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này.

Việc một số chính phủ và ngân hàng trung ương khác chưa đưa ra đồng tiền kỹ thuật số quốc gia, là do họ đã có sự nghiên cứu cho thấy đây vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ. Vấn đề làm sao kiểm soát được đồng kỹ thuật số một cách an toàn, do giá trị của đồng tiền kỹ thuật số thay đổi rất nhanh chóng.

Chúng ta có thể nhìn thấy đồng Bitcoin cũng như đồng kỹ thuật số khác, giá trị của nó lên xuống rất bất thường. Thành ra, đây là đồng tiền khó kiểm soát hơn nhiều so với đồng tiền giấy, và khiến các ngân hàng trung ương khó quản lý.

Các đồng tiền điện tử của các ngân hàng trung ương có đặc điểm gì khác so với những đồng tiền kỹ thuật số của các doanh nghiệp tư nhân như Facebook với đồng Libra, thưa ông?

Đương nhiên là khác hoàn toàn, đồng kỹ thuật số nhân dân tệ của Trung Quốc được ngân hàng trung ương đứng đằng sau bảo vệ, mang tính thanh khoản và uy tín.

Những đồng Bitcoin hay đồng Libra của Facebook cũng có thể được bảo vệ trong tương lai. Chẳng hạn, Facebook có thể xây dựng một quỹ tài chính để bảo lãnh cho đồng Libra. Tuy nhiên, nó không thể có sức mạnh bảo lãnh và uy tín của một quốc gia như đồng nhân dân tệ điện tử của ngân hàng nhân dân Trung Quốc.

Xin cảm ơn ông!