Trung Quốc rút gần hết vốn đầu tư ra khỏi Mỹ!

Theo Cẩm Anh/enternews.vn

Từ năm 2016 đến nay, vốn đầu tư Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 88%. Sự tin tưởng giữa Mỹ và Trung Quốc là điều rất khó tìm kiếm!

Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ đang có cuộc "tháo chạy" quy mô lớn
Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ đang có cuộc "tháo chạy" quy mô lớn

Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã trở thành một động lực, là lực đẩy mạnh nhất cho sự thay đổi của Mỹ và giờ đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang bỏ qua điều này. Theo đó, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm gần 90% trong hai năm đầu cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào cuộc chiến thương mại.

Cụ thể, theo số liệu từ công ty nghiên cứu Rhodium Group cho biết, đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Mỹ đạt mức cao nhất (mọi thời đại) với 46,5 tỷ USD vào năm 2016. Một năm sau, con số này đã giảm xuống còn 29,7 tỷ USD trước khi giảm xuống 5,4 tỷ USD vào năm 2018, mức thấp nhất trong vòng chín năm qua. Tính tổng thể, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm tới 88% trong giai đoạn này.

Các nhà đầu tư từ Trung Quốc đã rút vốn hoàn toàn khỏi Mỹ và chuyển trọng tâm sang các khu vực khác trên thế giới. Do đó, theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, đầu tư của Trung Quốc vào các thị trường mới nổi ở châu Á đã tăng gần gấp ba lần vào năm 2018.

Trước năm 2010, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ là không đáng kể và chỉ duy trì ở mức dưới 1 tỷ USD/năm cho đến sau năm 2009 và tăng lên 4,6 tỷ USD vào năm 2010. Trong nhiều năm, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ luôn tăng tốc, với dòng vốn đổ vào các lĩnh vực khác nhau như ô tô, công nghệ, năng lượng, nông nghiệp... Đồng thời, thúc đẩy gia tăng việc làm ở các bang như Michigan, Nam Carolina, Missouri, Texas và các tiểu bang khác.

Nhận định về vấn đề này, ông Stephen Mitchins, chuyên gia nghiên cứu về các Dự án đầu tư Mỹ Trung cho biết, có rất nhiều lý do để đầu tư từ Trung Quốc "tháo chạy" khỏi Mỹ. Nếu việc leo thang thuế quan thực sự xảy ra, điều này chắc chắn sẽ làm giảm sâu sắc niềm tin của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ.

Cùng với những lo ngại về thuế quan, sự giám sát luồng vốn đầu tư từ Trung Quốc của chính quyền Trump trong các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) cũng có những tác động đáng kể. Vào năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ đã có quyền chặn một loạt các vụ mua bán sáp nhập và đầu tư vào các ngành nhạy cảm như viễn thông và điện toán.

Do đó, các nhà đầu tư Trung Quốc đang chuyển sang đầu tư mạo hiểm để tránh những hệ lụy do sự giám sát này gây ra. Cụ thể, vốn đầu tư mạo hiểm từ Trung Quốc sang Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 3,6 tỷ USD, chủ yếu vào ngành công nghiệp ô tô trong năm 2018.

Mặt khác, việc Bắc Kinh đã thắt chặt giới hạn chi tiêu nước ngoài cũng là một trong những nguyên nhân tác động đáng kể. Các ngành công nghiệp và các bang đang hưởng vốn đầu tư lớn có thể chịu thiệt hại vì đang phụ thuộc và dòng tiền từ quốc gia châu Á. Một số bang như Michigan và các bang nông nghiệp đã có thêm nhiều nhà máy và việc làm nhờ vốn từ Trung Quốc. 

Hay một loạt các ngành công nghiệp bao gồm các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, thị trường bất động sản Manhattan và chính quyền các bang đã dành nhiều năm để đầu tư vào Trung Quốc cũng chịu những hệ quả tiêu cực.

Lượng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc sẽ không quay trở lại và thúc đẩy các doanh nghiệp rời khỏi Mỹ. Có thể thấy rằng, sự ra đi của dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đã cho thấy tác hại trực tiếp đến nền kinh tế nội địa Mỹ mà đổi lại không có lợi ích tương xứng nào.

"Đây cũng là một biểu tượng cho mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi như thế nào. Người Mỹ không tin vào người Hoa, và người Trung Quốc không tin vào người Mỹ", ông Steve Mitchins nhấn mạnh.

Ngay cả khi hai nước đạt được thỏa thuận thương mại, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc dự kiến sẽ rất khó quay trở lại. Chính quyền Mỹ vẫn không ngừng đưa ra các rào cản mới, bao gồm kiểm soát các loại công nghệ Mỹ có thể bán ra nước ngoài và đưa các công ty Trung Quốc như Huawei vào danh sách "đen" của chính phủ.

Mặc dù vậy, đầu tư của Trung Quốc giảm cũng không thể gây ra tác động quá lớn đến nền kinh tế Mỹ, vì quốc gia này chỉ là một phần nhỏ so với dòng vốn từ Anh, Canada, Nhật Bản và Đức. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn được đánh giá là quốc gia có tiềm lực mạnh, và trong dài hạn, nguồn vốn từ Trung Quốc vẫn mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Mỹ hơn là từ các nước khác.