Trung Quốc sẽ thống trị thế giới trong tương lai?

Theo Thái Bảo/doanhnhansaigon.vn

Trung Quốc đã có bốn thập kỷ phát triển ngoạn mục. Nhiều người tin rằng quốc gia này sẽ nhanh chóng thống thị thế giới trong tương lai. Financial Times cho rằng chúng ta không thể kết luận một Trung Quốc như hiện nay sẽ thống trị thế giới trong vài thập kỷ tới.

Trung Quốc đã có bốn thập kỷ phát triển ngoạn mục. Nguồn: internet
Trung Quốc đã có bốn thập kỷ phát triển ngoạn mục. Nguồn: internet

Nhưng đó chỉ là một viễn cảnh khả thi, chứ không hề chắc chắn.

Niềm tin đối với Trung Quốc hiện tại từng có tiền lệ trong lịch sử, như đối với trường hợp của Nhật Bản và Liên Xô. Thế nhưng, những tiên đoán này đều là sai lầm.

Câu chuyện của Nhật Bản và Liên Xô được cho là phản ánh ba sai lầm lớn. Đó là con người thường ngoại suy từ những dữ kiện trong quá khứ, kết luận vội vã rằng một giai đoạn phát triển kinh tế nhanh chóng chắc chắn sẽ bền vững. Cuối cùng, chúng ta hiện đang phóng đại những lợi ích của một định hướng tập trung so với cạnh tranh kinh tế và chính trị.

Ngày nay, sự cạnh tranh kinh tế - chính trị gay gắt nhất là sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Góc nhìn bảo thủ cho rằng đến 2040, kinh tế Trung Quốc sẽ lớn mạnh hơn hẳn Mỹ.

Tuy nhiên, Capital Economics lại cho rằng cách nhìn đó là sai lầm.  Hãng nghiên cứu này cho rằng giai đoạn phát triển ngoạn mục của Trung Quốc đang tiến gần đến hồi kết, với tốc độ khá nhanh.

Giống như trường hợp của Nhật những năm 1980, một chuỗi chính sách đầu tư khủng và tích lũy nợ nhanh chóng đã giúp Trung Quốc tăng trưởng thần tốc sau khủng hoảng tài chính 2008. Cùng lúc đó, những chính sách ấy cũng khiến quốc gia này dễ rơi vào sự tuột dốc cũng nhanh không kém.

Trên thực tế, tỉ lệ đầu tư ở mức 44% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2017 của Trung Quốc vốn không hề bền vững. Tỉ lệ đầu tư lớn này đã duy trì được sự tăng trưởng của cung và cầu sau khủng hoảng 2008. Tuy vậy, cổ phiếu vốn công cộng trên đầu người của Trung Quốc đã lớn hơn Nhật Bản, ở một mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Sự hình thành các hộ dân cư ở đô thị đang chậm lại chứng tỏ nhu cầu xây dựng nhà ở ngày càng giảm.

Hệ quả là, không đáng ngạc nhiên, nguồn lợi nhuận thu về từ đầu tư hoàn toàn đổ sập. Nói ngắn gọn, sự tăng trưởng nhờ đầu tư chắc chắn sẽ kết thúc nhanh chóng.

Với chính kích thước của mình, Trung Quốc đã thu nhiều lợi lộc từ việc tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Thu nhập theo đầu người của quốc gia này thấp hơn hẳn so với các nền kinh tế tăng trưởng cao ở Đông Á.

Chính cuộc chiến thương mại với Mỹ đã làm lộ rõ mặt trái của kiểu tăng trưởng trên.

Nguồn lao động đang già đi của Trung Quốc cũng sụt giảm nhanh chóng. Trong bối cảnh nợ ngày càng tăng, việc duy trì tăng trưởng thần tốc là điều cực kì khó.

Năm 2017, tiêu dùng tư nhân chỉ chiếm 39% GDP. Để khắc phục, tỉ lệ tiết kiệm phải giảm và tỉ lệ thu nhập hộ gia đình trong GDP phải tăng vọt. Cả hai điều này đều rất khó để thực hiện.

Hiện nay, tín dụng tại Trung Quốc vẫn được ưu tiên phân bổ cho công ty quốc doanh, trong khi sự kiểm soát của chính quyền đối với khối tư nhân ngày càng tăng. Diễn biến này đang dần làm méo mó sự phân bổ nguồn lực, cũng như kiềm hãm quá trình đổi mới và tăng trưởng kinh tế, ngay cả khi một cuộc khủng hoảng tài chính chính thức bị ngăn chặn.