Trung Quốc tìm sức mạnh cho đồng nhân dân tệ

Theo Lê Phan/doanhnhansaigon.vn

Đồng nhân dân tệ (CNY) có thể trở thành loại tiền tệ lớn thứ ba toàn cầu, chỉ sau đồng USD và đồng euro, đó là dự báo của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley. Thực tế đồng CNY cũng đã tăng giá đáng kể từ đầu năm đến nay, khi mà Bắc Kinh có chính sách tỷ giá hối đoái mạnh mẽ hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đẩy mạnh sức ảnh hưởng của CNY

Năm 2016, nhân dân tệ được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế SDR của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau nhiều năm chờ đợi, khi mà tính đến cuối năm 2019, kho dự trữ của 70 ngân hàng trung ương đã xuất hiện đồng CNY, trong khi năm 2018, chỉ có 60 ngân hàng.

Theo số liệu của IMF, trong quý đầu tiên của năm 2020, tỷ trọng USD trong dự trữ thế giới đạt 61,9%, tỷ trọng của euro là 20,05%, tỷ trọng của đồng yên là 5,7%, tỷ trọng của đồng bảng Anh 4,43%, trong khi tổng tỷ trọng của CNY trong dự trữ ngoại hối thế giới chưa bao giờ vượt quá 2%. Tuy nhiên, Ngân hàng Morgan Stanley dự báo tỷ trọng này sẽ tăng lên 5% trong viễn cảnh xấu nhất và 10% trong viễn cảnh tốt nhất.

Hiện tại, yếu tố quyết định tính quốc tế của đồng CNY là mức độ tự do hóa tài khoản vãng lai, khi mà cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa mở cửa hoàn toàn. Dù vậy, với mức thâm hụt tài khoản vãng lai của Trung Quốc được dự báo là -1,2% GDP vào năm 2030, theo Morgan Stanley, để cân đối khoản thâm hụt này từ năm 2025-2030, Trung Quốc cần dòng vốn nước ngoài ít nhất 180 tỷ USD mỗi năm.

Giới phân tích gần đây cũng chỉ ra xu hướng các nhà đầu tư toàn cầu tăng dần việc nắm giữ chứng khoán Trung Quốc. Trong tháng 7, dòng vốn nước ngoài đổ vào trái phiếu Trung Quốc đạt 21,3 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2014. Tổng giá trị trái phiếu từ nhà đầu tư nước ngoài đạt 360 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm ngoái.

Đáng lưu ý là chiến lược ưu tiên tỷ giá hối đoái yếu để giúp các nhà xuất khẩu và kích thích tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sắp kết thúc. Giới phân tích tin rằng, các nhà lãnh đạo nước này dường như đang chuyển sang chính sách tỷ giá hối đoái mạnh mẽ hơn để phát triển thị trường tiêu thụ nội địa trong những năm tới, trong khi lĩnh vực xuất khẩu có thể sẽ đóng vai trò thứ yếu trong bối cảnh bất đồng Mỹ - Trung leo thang.

Động cơ phía sau

Nếu như xuất khẩu đã đóng vai trò hàng đầu trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hàng chục năm qua, trong đó có sự góp sức đáng kể từ vị thế một đồng tiền yếu, thì những năm gần đây nước này chuyển dịch động lực tăng trưởng kinh tế, trong đó xuất khẩu không còn giữ vị trí quan trọng nhất. Nhân dân tệ hiện nay vẫn được định giá quá thấp nên các nhà hoạch định chính sách còn khá nhiều dư địa để gia tăng sức mạnh cho đồng tiền này.

Trung Quốc tìm sức mạnh cho đồng nhân dân tệ - Ảnh 1
 

Trong khi  đó, sau giai đoạn sụt giảm thị phần xuất khẩu toàn cầu, việc phá giá đồng CNY vào tháng 8/2015 càng giúp tăng thêm khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Trung Quốc. Hệ quả là bất chấp cuộc chiến thương mại với Mỹ, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc đã bắt đầu tăng trở lại. Tháng 8 vừa qua xuất khẩu của nước này bất ngờ tăng 9,5% so với cùng kỳ 2019, cao hơn mức tăng 7,2% trong tháng 7 và là mức tăng hằng tháng thứ ba liên tiếp.

Với mục tiêu kích thích thị trường tiêu dùng nội địa, việc gia tăng sức mạnh đồng nhân dân tệ sẽ giúp giảm giá hàng nhập khẩu, tạo cơ hội cho người dân Trung Quốc tiếp cận sản phẩm nhập khẩu với giá tương đối rẻ hơn. Chính sách này cũng sẽ giúp làm dịu áp lực lạm phát trong nước, vốn chịu tác động mạnh từ các chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay.

Chiến lược gia tăng sức mạnh cho đồng nhân dân tệ cũng có thể nhằm cạnh tranh với Mỹ và sẽ giúp phổ biến việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế nhằm đối phó với việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các cá nhân và công ty Trung Quốc, và có thể cắt họ khỏi hệ thống thanh toán bằng USD. Đáng lưu ý là gần đây Bắc Kinh đã tung ra đồng tiền số, mà một số chuyên gia cho rằng nhằm mục tiêu cạnh tranh với đồng USD trong tương lai.

Chính vì vậy, xu hướng mạnh lên của đồng nhân dân tệ có thể sẽ chưa sớm dừng lại, ít nhất là trong 12 tháng tới, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế. Tính từ đầu năm đến nay, đồng CNY đã tăng giá gần 3% so với USD, còn nếu tính từ cuối tháng 5 đến nay, mức tăng giá lên tới hơn 5%. Hiện tại cặp tỷ giá USD/CNY đang ở quanh vùng 6,76, thấp nhất trong vòng một năm qua. Điểm cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là sức ép từ Washington khiến Bắc Kinh khó có thể tiếp tục tìm cách làm suy yếu đồng tiền. Mới đây Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo Trung Quốc không nên có động thái phá giá đồng nội tệ để cạnh tranh trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa hai nước. Ông Mnuchin cũng mong muốn đưa vấn đề tiền tệ vào nội dung các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.