Tuần tâm điểm luận chính sách của các ngân hàng trung ương lớn

Theo Trần Thúy/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Cùng với những số liệu kinh tế quan trọng vừa được công bố, một số ngân hàng trung ương (NHTW) lớn trên thế giới cũng đang có các động thái đáng chú ý về chính sách tiền tệ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng của thế giới vừa được công bố

Tuần qua, hàng loạt các thông tin quan trọng của các nền kinh tế lớn trên thế giới đã lần lượt được công bố. Đầu tiên, cán cân thương mại Mỹ thâm hụt 67,1 tỷ USD trong tháng 10, nhỏ hơn mức thâm hụt 81,4 tỷ của tháng 9 song vẫn lớn hơn mức thâm hụt 66,9 tỷ theo dự báo. 

Tiếp theo, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này giảm xuống còn 184 nghìn đơn trong tuần kết thúc ngày 4/12 từ mức 222 nghìn đơn của tuần trước đó, đồng thời thấp hơn mức 189 nghìn đơn theo kỳ vọng. 

Trong tháng 10, nước Mỹ tạo ra 11,03 triệu cơ hội việc làm mới, cao hơn mức 10,6 triệu của tháng trước đó, đồng thời cao hơn mức 10,45 triệu theo dự báo. 

Về chỉ số giá tiêu dùng, CPI toàn phần và CPI lõi tại Mỹ lần lượt tăng 0,8% và 0,5% so với tháng trước trong tháng 11, nối tiếp đà tăng 0,9% và 0,6% của tháng 10, gần khớp với dự báo lần lượt tăng 0,7% và 0,5%. Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được điều chỉnh lên mức 70,4 điểm trong tháng 12, tích cực hơn mức 67,4 điểm theo kết quả khảo sát sơ bộ.

Khu vực Eurozone cũng ghi nhận một số chỉ báo quan trọng. Đầu tiên, GDP của khu vực này chính thức tăng 2,2% so với quý trước trong quý 3, không có sự điều chỉnh so với dữ liệu thống kê sơ bộ. Niềm tin kinh tế tại Eurozone do ZEW khảo sát được ở mức 26,8 điểm trong tháng 12, tăng lên từ mức 25,9 điểm của tháng trước và trái với dự báo giảm xuống còn 22,4 điểm. 

Tại nước Đức nói riêng, sản lượng công nghiệp tăng 2,8% so với tháng trước trong tháng 10 sau khi giảm 0,5% ở tháng trước đó, vượt khá mạnh so với kỳ vọng tăng 1,1%. Tuy nhiên, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại Đức giảm mạnh 6,9% trong tháng 10 sau khi tăng 1,8% ở tháng 9, sâu hơn nhiều so với mức giảm 0,2% theo dự báo. Cuối cùng, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi của nước Đức chính thức giảm nhẹ 0,2% m/m trong tháng 9, không thay đổi so với thống kê sơ bộ.

Đón chờ loạt quyết sách cuối cùng của năm

Cùng với những số liệu kinh tế quan trọng trên, một số NHTW lớn trên thế giới cũng đang có các động thái đáng chú ý về chính sách tiền tệ.

Cụ thể, ngày 6/12, NHTW Trung Quốc PBOC công bố hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm % đối với phần lớn các ngân hàng thương mại, có hiệu lực kể từ ngày 15/12. Điều này đồng nghĩa với việc PBOC sẽ giải phóng khoảng 1,2 nghìn tỷ CNY tương đương 188 tỷ USD vào nền kinh tế. 

PBOC giải thích động thái này nhằm hỗ trợ các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng trong bối cảnh tốc độ phục hồi có dấu hiệu bị thu hẹp. 

Tiếp theo, ngày 8/12, NHTW Úc RBA trong cuộc họp cuối năm đã thông báo giữ lãi suất cơ sở ở mức 0,1%, không thay đổi so với trước. Đồng thời, cơ quan này duy trì kế hoạch mua trái phiếu chính phủ ở mức 4 tỷ AUD/tuần, ít nhất kéo dài tới giữa tháng 2/2022. 

RBA nhắc lại mục tiêu đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát bền vững ở mức 2,0% – 3,0%. RBA cam kết không tăng lãi suất cơ sở cho tới khi đạt được mức lạm phát mục tiêu này, và dự kiến thời gian để đạt được mục tiêu là năm 2023. 

Bên cạnh đó, tâm điểm trong tuần này sẽ có ba NHTW lớn khác cùng đưa ra quyết sách là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), NHTW Châu Âu (ECB) và NHTW Anh (BOE) có các cuộc họp quan trọng.

Thị trường hiện đang chú ý tới kịch bản Fed sẽ đẩy nhanh quá trình thu hẹp gói nới lỏng định lượng, trong khi BOE có thể sẽ là NHTW lớn đầu tiên tăng lãi suất cơ sở trở lại. Kết quả cuộc họp của Fed và BOE cùng được công bố vào ngày 16/12 theo giờ Việt Nam.

Loạt cuộc họp của các NHTW nói trên cũng là kỳ định hướng chính sách cuối cùng của năm 2021.

Trong khi đó, tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ vẫn tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng trong giai đoạn hiện nay trong bối cảnh nền kinh tế chỉ mới ở giai đoạn đầu phục hồi, phần lớn các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vốn rất lớn để khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước khi có gói kích thích cụ thể được triển khai, NHNN mới đây cũng tiếp tục nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng tốt nhằm thúc đẩy cung ứng vốn ra nền kinh tế những tháng cuối năm.