Vì sao đồng euro ngang giá đồng USD?

Theo Thanh Trần/nhadautu.vn

Trước áp lực từ cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát, đồng euro đang ngày càng mất giá và tiến sát hơn với mốc 1 USD.

 Trước áp lực từ cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát, đồng euro đang ngày càng mất giá và tiến sát hơn với mốc 1 USD.  Ảnh: Reuters.
Trước áp lực từ cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát, đồng euro đang ngày càng mất giá và tiến sát hơn với mốc 1 USD. Ảnh: Reuters.

Tính đến sáng 13/7, giá trị của 1 đồng euro đang ở mức 1,003 USD. Lần đầu tiên trong vòng 20 năm trở lại đây, tỷ giá hối đoái giữa đồng euro và đồng USD gần như ngang bằng nhau.

Đáng chú ý, vào chiều 12/7, đã có thời điểm 1 đồng euro chạm ngưỡng bằng 1 USD. Theo đó, đồng euro đã mất giá mạnh kể từ đầu tháng 2 - thời điểm mỗi euro còn tương đương 1,14 USD. Giới quan sát đang theo dõi liệu euro có tiếp tục xuống so với USD hay không. Lần cuối cùng euro có giá thấp hơn 1 USD là tháng 11/2002. Khi đó, mỗi euro đổi được 0,99 USD.

"Việc ngang giá chỉ là con số thôi. Nhưng các thị trường được tạo ra bởi con người, và họ quan tâm đến các mốc. Mốc ngang giá này có ý nghĩa lớn về tâm lý, khi 20 năm rồi mới xảy ra", Robin Brooks, kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết.

 Vì sao đồng euro ngang giá đồng USD?  - Ảnh 1

Có thể nhận thấy, nỗi lo xảy ra suy thoái kinh tế ở châu Âu (do lạm phát cao và khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh chiến tranh giữa Nga và Ukraine) được xem là một nguyên nhân quan trọng khiến đồng euro trượt giá.

Hiện tại, lạm phát trong Eurozone đang ở mức cao kỷ lục. Vào tháng 6/2022, giá tiêu dùng tại Eurozone đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Một số nhà hoạch định chính sách đã nhấn mạnh rằng, đồng euro thấp là một rủi ro đối với mục tiêu đưa lạm phát trở lại 2% trong trung hạn của ECB. Bối cảnh đó đặt ECB vào tình thế khó khăn khi vừa phải nỗ lực kiềm chế lạm phát, vừa phải nâng đỡ nền kinh tế đang trên đà giảm tốc, với kế hoạch tăng lãi suất đi vay lần đầu tiên kể từ năm 2011.

Ở thời điểm hiện tại, một số nhà phân tích nhận định rằng ECB đang chậm chân so với lạm phát, và một cuộc "hạ cánh cứng" của kinh tế Eurozone là điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thúc đẩy việc tăng lãi suất nhanh hơn nhiều so với Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Điều này làm cho lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cao hơn so với lợi suất trái phiếu của châu Âu, khiến các nhà đầu tư chuyển sang đồng USD và tránh xa đồng euro. Hơn nữa, "đồng bạc xanh" được hưởng lợi từ vị thế vốn có của nó như một "thiên đường trú ẩn an toàn", có nghĩa là khi xung đột và bất ổn càng kéo dài, nguy cơ suy thoái kinh tế càng trở nên rõ nét hơn, đồng euro sẽ tiếp tục trượt giá.

Không chỉ vậy, thời gian qua, Liên minh châu Âu đã và đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt Nga. Đến nay, đã có 12 quốc gia thuộc EU cắt một phần hoặc hoàn toàn nguồn cung khí đốt.

Song song đó, Nga cũng cắt nguồn cung khí đốt cho một số nước châu Âu và gần đây còn dừng hoạt động đường ống Nord Stream 1 tới Đức để bảo dưỡng. Tuy nhiên, giới chức Đức lo ngại đường ống này có thể không bao giờ hoạt động trở lại. Nếu Nga cắt cung cấp khí đốt cho Đức, nguy cơ suy thoái kinh tế châu Âu sẽ càng lớn hơn bao giờ hết.