4 lý do khiến gói 30.000 tỉ đồng triển khai chậm

Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng

(Tài chính) Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng gồm 2 phần: Cho doanh nghiệp (DN) vay 30% và cho người dân vay 70%. Để giải ngân được 70% cho người dân vay thì phải có hàng hóa, tức là phải đẩy mạnh nguồn cung trước tiên, cũng tức là phải đẩy mạnh cho DN vay trước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tuy nhiên, sau 6 tháng triển khai, kết quả giải ngân vẫn rất thấp, giá trị giải ngân đạt chưa đầy 2% của gói hỗ trợ, theo tôi có 4 nguyên nhân:

Thứ nhất, do chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới, lần đầu được triển khai thực hiện, vì vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu.

Thứ hai, có một thực tế là một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc giải quyết các trình tự, thủ tục về công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án nhà ở xã hội, cũng như việc xem xét, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với tiêu chí cho vay (căn hộ nhỏ dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2) theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Thứ ba, tôi cho cũng là hết sức quan trọng khiến gói 30.000 tỉ giải ngân không như mong muốn là một số ngân hàng thương mại (NHTM) được giao nhiệm vụ triển khai việc cho vay còn quá thận trọng, dẫn đến việc chậm trễ trong việc xét duyệt, thẩm định đối tượng cho vay vốn.

Theo phản ánh của các DN thì để được vay vốn ưu đãi thì sau khi có văn bản giới thiệu của Bộ Xây dựng, các DN ngoài việc thực hiện một số thủ tục như: Ký bản ghi nhớ với  ngân hàng cho vay về việc tài trợ vốn vay, cung cấp các hồ sơ pháp lý của DN và hồ sơ dự án để ngân hàng xem xét, đánh giá, thẩm định để xét duyệt hồ sơ vay vốn…, các NH còn đòi hỏi nhiều thủ tục khác không cần thiết gây kéo dài thời gian giải ngân.

Thứ tư, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc liên quan đến công chứng hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đối với nhà ở xã hội, xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai, thủ tục giao dịch bảo đảm trong việc cho vay vốn của các tổ chức tín dụng mà hiện nay chưa được điều chỉnh bởi pháp luật có liên quan.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ ngành đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt các dự án nhà ở xã hội, cho phép chuyển đổi hoặc điều chỉnh cơ cấu các dự án nhà ở thương mại theo đề xuất của chủ đầu tư để góp phần tăng nguồn cung về nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm.

Nhân đây, tôi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và có quy trình thống nhất để các NHTM nhà nước được giao nhiệm vụ, đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân cho cả dự án và người dân.

Đồng thời chúng ta cũng phải nhận thức rằng, đây không phải gói cứu trợ cho thị trường bất động sản mà là sự hỗ trợ của Nhà nước cho đối tượng khó khăn về nhà ở. Nó có thể có tác động lan tỏa tích cực tới thị trường bất động sản, nhưng giải pháp chính cho thị trường này - như Nghị quyết 02 đã chỉ rõ - là việc điều chỉnh cơ chế, chính sách và kiểm tra phân loại để xử lý phù hợp.