“Băng rôn” bức xúc ở chung cư!

Theo Nguyễn Hoàng Linh/baoxaydung.com.vn

Có thể phân “văn hóa chung cư” ở nước ta làm hai thời kỳ, đấy là thời kỳ chung cư bao cấp và thời kỳ chung cư thị trường.

Pháp luật không cấm người dân bày tỏ nguyện vọng của mình bằng “băng rôn”. Nguồn: Internet
Pháp luật không cấm người dân bày tỏ nguyện vọng của mình bằng “băng rôn”. Nguồn: Internet

Hồi chung cư bao cấp, ai được phân nhà tập thể là như một giấc mơ, phấn khích còn không hết, cớ chi bức xúc. Mà đôi khi có những trục trặc về vệ sinh, về điện, về cấp thoát nước thì cũng không xuất hiện “văn hóa băng rôn”. Cuộc sống tuy có khó khăn nhưng có vẻ yên bình hơn.

Sang đến thời kỳ chung cư thị trường, rau có mớ, cá có con, tiền nào của nấy, cứ ngỡ là cuộc sống chung cư sẽ minh bạch hơn, sòng phẳng hơn, vậy mà lại xuất hiện ngày càng nhiều “văn hóa băng rôn”, mà hầu hết lại ở những chung cư khá cao cấp, đôi khi đỏ rực cả một tòa nhà.

Pháp luật không cấm người dân bày tỏ nguyện vọng của mình bằng “băng rôn”. Có bức xúc thì phải có nơi giải tỏa, cốt là không phương hại đến cộng đồng và lợi ích của người khác...

...Nguyên nhân chủ yếu của các cuộc giải tỏa bức xúc bằng băng rôn này chủ yếu từ các trung tâm “quyền lực”, thí dụ như chủ đầu tư đã chiếm dụng, chiếm đoạt diện tích chung, quỹ bảo trì của dự án…; cơ quan Nhà nước địa phương không làm tròn bổn phận trong việc thực thi pháp luật, bảo kê, dung dưỡng cho những hành vi sai trái…

Nhưng, có điều đáng lo ngại hiện đang xuất hiện tại một số tòa chung cư là hình thành một số nhóm “kích động chuyên nghiệp” nhằm gây nhiễu thông tin, rối loạn thị trường để trục lợi.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây của Tạp chí Reatimes, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, đã bày tỏ sự lo ngại về trào lưu này và khuyên các cư dân hãy cảnh giác trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình. Bởi một khi sự việc bị đẩy quá xa, giá các căn hộ trong tòa nhà bị giảm thậm chí 10 -15%, khi ấy kẻ trục lợi mới nhảy vào thôn tính. Và vô hình trung, tài sản của mỗi hộ cư dân đang sống trong tòa nhà cũng giảm theo tương ứng.

Còn theo bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc CBRE Hà Nội, mâu thuẫn chung cư thường liên quan đến người sử dụng chung cư, nhất là những người lần đầu tiên sống ở chung cư. Rất nhiều trong số đó chưa có kinh nghiệm, chưa có kiến thức sử dụng cũng như hiểu về vai trò trách nhiệm của mình với nơi mình sống.

Do vậy, chỉ khi thị trường phát triển chuyên nghiệp hơn, người dùng chuyên nghiệp hơn, có pháp lý rõ ràng mới có thể giải quyết được những tranh chấp này.