Bất động sản Hà Nội, phía Tây vẫn là tâm điểm

Theo Báo Đầu tư Bất động sản

Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, cùng sự phát triển của hạ tầng xã hội và các tiện ích đang giúp phía Tây trở thành thâm điểm của thị trường bất động sản thủ đô và đà tăng trưởng của khu vực này được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì tốt trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chỉ trong thời gian ngắn gần lại đây, hàng loạt tuyến đường quan trọng như đường trên cao vành đai 3, đường Tố Hữu, đường 70, đường Vạn Phúc, Lê Trọng Tấn, Tố Hữu, hầm chui Thăng Long - Khuất Duy Tiến, đường Lê Trọng Tấn - Văn Phú…, liên tục được hoàn thành, tạo sự thông suốt cho tam giác phía Tây Hà Nội là Hà Đông - Nam Từ Liêm - Cầu Giấy.

Bên cạnh đó, tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội, Hà Đông - Cát Linh, cùng các công trình hạ tầng khác đang đi vào hoàn thiện, đã tạo nên “cú huých”, giúp thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội thu hút đông đảo khách hàng có nhu cầu thực về chỗ ở, cũng như nhà đầu tư.

Đặc biệt, mới đây, thông tin đại gia bán lẻ Nhật Bản AEON sẽ xây dựng đại siêu thị AEON Mall thứ 2 tại Hà Đông, cũng khiến thị trường bất động sản khu vực này thêm phần sôi động.

Với sự phát triển của hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và các tiện ích, khu vực phía Tây Hà Nội đã thu hút nhiều ông lớn trong làng bất động sản Việt Nam rót tiền vào đầu tư, phát triển dự án như Vingroup, FLC, Bitexco, hay các tên tuổi cũ như Nam Cường, Hải Phát…

Đơn cử, năm 2016, Vingroup đã mở màn cho làn sóng sôi động tại phía Tây với hàng loạt dự án như Vinhomes Gardenia, Vinhomes Thăng Long và đặc biệt là dự án được coi là “bom tấn” của Vingroup tại phía Tây là Vinhomes Skylake.

FLC cũng ghi dấu ấn với Khu đô thị FLC Garden City, FLC Star Tower. Trong khi Hải Phát và Nam Cường gắn tên tuổi với trục đường Tố Hữu. Nếu như Nam Cường mới đây đã trở lại với dự án Anland Complex tại Khu đô thị Dương Nội, thì Hải Phát cũng không kém cạnh khi hoàn tất việc thâu tóm tòa 102 CT5 Usilk City và đổi tên thành HPC Landmark 105.

Cũng trên trục đường Tố Hữu còn xuất hiện dự án Ecolife Capitol, quy mô hơn 10 ha của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô. Di chuyển lên phía trung tâm quận Hà Đông có Khu đô thị Văn Phú, trong đó dự án La Casta của Công ty TNHH Hibrand Việt Nam thuộc khu đô thị này đang mở bán và dự kiến hoàn thành vào quý II/2018.

Theo Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, trong vòng 3 năm tới, có khoảng 25.000 căn hộ thuộc các dự án tại khu vực phía Tây Hà Nội tung ra thị trường. Dự báo tỷ lệ hấp thụ căn hộ cũng sẽ tiếp tục duy trì mức 70-80% tại các dự án thuộc khu vực này.

Lý do bất động sản phía Tây đang trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản Hà Nội là nhờ việc được định hướng trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Thủ đô, nên thời gian vừa qua được quy hoạch bài bản về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông quan trọng.

Ngoài ra, việc tập trung nhiều cơ quan hành chính đầu ngành, các trường học nổi tiếng như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm, Đại học Thương mại, Học viên Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Sân khấu điện ảnh, hay trường PTTH Hà Nội - Amsterdam, Marie Curie, Lê Quý Đôn, Việt - Úc và Olympia…, cùng các trung tâm thương mại sầm uất, kéo theo bất động sản khu vực này nóng lên thời gian vừa qua.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu CBRE đánh giá, thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội những tháng còn lại của năm 2017 sẽ tiếp tục duy trì xu hướng phát triển ổn định, bền vững. Khu vực này tiếp tục dẫn dắt thị trường, chiếm lĩnh số lượng căn hộ mở bán khi nguồn cung chiếm đến 37% nguồn cung toàn thị trường

Tuy nhiên, bà An cho biết, không phải dự án nào cũng có kết quả kinh doanh tốt, mà tùy thuộc vào vị trí, quy mô, uy tín chủ đầu tư. Số dự án lớn với đầy đủ hạ tầng tiện ích, môi trường sống biệt lập hoàn hảo của các chủ đầu tư uy tín, tiềm lực mạnh vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.