Bất động sản qua một năm nhiều biến cố

Theo Khổng Chiêm - Thủy Tiên/ndh.vn

2019 là năm thị trường bất động sản đối mặt với nhiều vấn đề như "vỡ trận" Cocobay Đà Nẵng, bùng phát dự án "ma", nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố, tạm giam...

2019 là năm thị trường bất động sản đối mặt với nhiều vấn đề.
2019 là năm thị trường bất động sản đối mặt với nhiều vấn đề.

Vào tháng 6, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hồ Chí Minh thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền tạm ứng hơn 26.315 tỷ đồng vào ngân sách, trả nợ các khoản vay đầu tư trên 4.286 tỷ đồng.

Thanh tra cũng yêu cầu làm rõ, báo cáo Thủ tướng khoản lãi trên số tiền tạm ứng khoảng 10.503 tỷ đồng; xem xét, kiến nghị xử lý đối với 17.042 tỷ đồng do xác định, trình và phê duyệt chi phí đầu tư bình quân.

Đến tháng 10, Thanh tra Chính phủ cũng ban hành kết luận việc quản lý, sử dụng đất đai tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) sau gần 2 năm thanh tra. Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng chưa phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà; 7 dự án được giao đất, cho thuê đất vi phạm về an ninh quốc phòng. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng vi phạm trong thẩm định, giao đất; cấp giấy tờ vi phạm Luật Đất đai.

Bất động sản qua một năm nhiều biến cố - Ảnh 1

Vào tháng 7, Viện kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Bemes thuộc Tập đoàn Mường Thanh. Ông Thản bị khởi tố về hành vi “lừa dối khách hàng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6), phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội. 

Bất động sản qua một năm nhiều biến cố - Ảnh 2

 

Theo xác định ban đầu của cơ quan chức năng, nhiều dự án xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh vướng vào 2 sai phạm là xây dựng vượt tầng - phá vỡ quy hoạch được duyệt và có các sai phạm trong quá trình chuyển nhượng, thâu tóm dự án. Hàng nghìn người dân đã mua căn hộ tại các dự án xảy ra sai phạm không được cấp sổ đỏ vì doanh nghiệp chưa khắc phục triệt để các sai phạm được cơ quan thanh tra chỉ ra.

Sau khi ông Thản bị khởi tố, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội còn khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với các ông Nguyễn Duy Uyển - Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông; Vương Đăng Quân - nguyên Phó Chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông và Mai Quang Bài - cán bộ Đội quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông. Cả 3 bị can bị khởi tố để điều tra về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Bất động sản qua một năm nhiều biến cố - Ảnh 3

Bất động sản qua một năm nhiều biến cố - Ảnh 4

Sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông, vấn đề di dời nhà máy khỏi nội đô lại "nóng" trở lại. Ảnh: Zing.vn 

Vào cuối tháng 8, kho chứa hàng khoảng 6.000 m2 thuộc Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông xảy ra hỏa hoạn. Vụ cháy ngoài thiệt hại kinh tế còn gây ô nhiễm môi trường, nhất là nằm sát khu dân cư nội thành Hà Nội. 

Sau vụ cháy, vấn đề di dời các nhà máy sản xuất ra ngoại thành được nhiều người đề cập, thậm chí "nóng" của nghị trường Quốc hội. UBND TP. Hà Nội vào tháng 11 ra thông báo lộ trình di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành, trong đó Rạng Đông cùng 22 doanh nghiệp không phải di dời trước 2020.

Theo danh sách TP. Hà Nội công bố, trên địa bàn có 117 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc diện phải di dời khỏi nội đô. Danh sách này có những doanh nghiệp “vang bóng một thời” nhu CTCP Xây lắp và Cơ khí Cầu đường (460 Trần Quý Cáp) rộng hơn 13.000 m2; Công ty Cơ khí ôtô 3-2 (18 Giải Phóng) rộng hơn 14.000m2 (quận Đống Đa); CTCP Bánh kẹo Hải Hà (25 Trương Định); Công ty TNHH Một thành viên Dệt kim Đông Xuân; Nhà máy Dệt Minh Khai (quận Hai Bà Trưng); Nhà máy Bia Hà Nội (Ba Đình) với diện tích 50.000 m2...

Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội mới chuyển được 4 trên tổng số 117 nhà máy thuộc diện di dời. Tại các quận nội thành có 7 nhà máy quy mô trên 1 ha vẫn chưa được di dời. 4 dự án khu đô thị, cao ốc đã và đang mọc lên sau khi các khu công xưởng chuyển đi.

Bất động sản qua một năm nhiều biến cố - Ảnh 5

Vào tháng 9, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Kiên Giang tiếp tục lập Quy hoạch chung xây dựng kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc và lập mới Quy hoạch Phú Quốc thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (thường được gọi là đặc khu) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc khu kinh tế trước đó từng được dự kiến triển khai tại 3 khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được xây dựng. 

Bất động sản qua một năm nhiều biến cố - Ảnh 6

Sức hút từ các dự án du lịch khiến bất động sản Phú Quốc nóng lên những năm gần đây. Ảnh: Báo Lao Động.

Dự án luật này được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017) và dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 6/2018. Sau đó các đại biểu Quốc hội thống nhất lùi thời hạn thông qua, hiện dự án luật này tiếp tục được chỉnh lý.

Phú Quốc trong những năm gần đây được xem là "điểm nóng" về bất động sản, sốt đất kéo dài từ cuối năm 2017 đến 2018 do xu hướng đón đầu đặc khu kinh tế. Lượng giao dịch tăng đột biến kéo theo tình trạng chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng, tự ý phân lô, tách thửa, tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất, san lấp, xây dựng trái phép. Do đó, từng có thời kỳ, tỉnh Kiên Giang phải ra thông báo yêu cầu tạm dừng cho phép các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất tại Phú Quốc. Hồi đầu năm, khi thị trường rộ lên thông tin Phú Quốc lên thành phố, giá đất nền địa phương này lại được nhà đầu tư tìm kiếm gấp 3 lần bình thường chỉ trong 3 tháng.

Bất động sản qua một năm nhiều biến cố - Ảnh 7

Theo Bộ Xây dựng, trong quý III, TP. Hồ Chí Minh chỉ có 8 dự án mới đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, trong khi Hà Nội là 22. Theo một số đơn vị nghiên cứu thị trường, nguồn cung căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh giảm 74% cùng kỳ năm trước và thấp nhất trong 3 năm gần đây. Nguồn cung dự án căn hộ bình dân tiếp tục khan hiếm, không có sản phẩm. Tình trạng này kéo dài từ cuối năm 2018 đến nay.

Bất động sản qua một năm nhiều biến cố - Ảnh 8

Nguyên nhân sụt giảm nguồn cung thị trường được nhận định là ảnh hưởng bởi quá trình phê duyệt pháp lý dự án, phần khác do thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Đáng chú ý trong năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã cho phép 124 dự án tạm dừng để rà soát, thanh kiểm tra, điều tra trong tổng số hơn 160 dự án được triển khai trở lại. Tuy nhiên, 124 dự án này chưa được công khai danh tính.

Bất động sản qua một năm nhiều biến cố - Ảnh 9

Bất động sản qua một năm nhiều biến cố - Ảnh 10

Người mua dự án Cocobay Đà Nẵng tập trung tại trụ sở CTCP Thành Đô sau tuyên bố từ chủ đầu tư này về cam kết lợi nhuận. Ảnh: T. Tiên. 

Cuối tháng 11, CTCP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) thông báo ngừng chính sách cam kết lợi nhuận 12%/năm trong 8 năm do khó khăn về dòng tiền. Empire Group đề xuất các giải pháp hợp tác tiếp theo thay thế phương án cam kết lợi nhuận như tiếp tục hợp tác, thanh lý hợp đồng tự kinh doanh, thanh lý hợp đồng hoàn lại tiền hoặc tự đề xuất giải pháp khác. Chủ đầu tư sẽ chốt danh sách đăng ký chuyển 50% condotel thành chung cư trước ngày 20/12.

Cocobay Đà Nẵng "vỡ trận" khiến các chuyên gia cảnh báo cần cẩn trọng với "quả bom hẹn giờ" condotel để tránh sự đổ vỡ của thị trường cũng như dẫn tới khủng hoảng. Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan cần phải tính toán những giải pháp cần thiết để lường đoán và ứng phó với các tình huống không mong đợi có thể xảy ra.

Bất động sản qua một năm nhiều biến cố - Ảnh 11

Tháng 12, UBND TP. Hà Nội đề xuất xem xét mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 bình quân 15% so với giai đoạn 5 năm trước thay vì 30% như kiến nghị ban đầu. Theo Cục Thuế Hà Nội, bảng giá các loại đất điều chỉnh tăng sẽ làm tăng thu cho ngân sách đối với các loại thuế, phí, tiền thuê đất tương ứng khoảng 3.810 tỷ đồng.

Cùng thời gian này, TP. Hồ Chí Minh muốn ban hành bảng giá các loại đất bằng 41% giá thị trường sẽ được áp dụng trong giai đoạn 2020 - 2024. Giai đoạn 5 năm trước đó, bảng giá đất này chỉ bằng 15% giá thị trường, các loại đất phi nông nghiệp được xây dựng tương ứng 25% so với giá thị trường. Như vậy, bảng giá đất mới đã tăng gần gấp 3 so với ngưỡng cũ. Mức tăng của bảng giá đất tại TP. Hồ Chí Minh cũng thấp hơn một số tỉnh thành khác như Long An, Bình Dương, Đồng Nai đều trên 70% so với giá thị trường. 

Bất động sản qua một năm nhiều biến cố - Ảnh 12

Bất động sản qua một năm nhiều biến cố - Ảnh 13

Vụ gây rối của một số nhân viên Địa ốc Alibaba khiến câu chuyện về những dự án "ma" được chú ý. Ảnh: VTV

Trong năm 2019, dự án "ma" rầm rộ xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành, nhất là khu vực phía Nam như Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... Cá biệt, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có tới 113 dự án “ma” là đất nông nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân tự ý mở đường, phân lô bán trái phép. Nguyên nhân bùng phát được cho là hệ quả của tâm lý ưa chuộng đất nền hay quy định của pháp luật có những lỏng lẻo nhất định.

Cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam nhiều doanh nghiệp lừa đảo mua bán dự án "ma" như 3 anh em Nguyễn Thái Luyện - Nguyễn Thái Lĩnh - Nguyễn Thái Lực (cùng điều hành công ty Địa ốc Alibaba); Phạm Thị Tuyết Nhung (Giám đốc công ty Angel Lina) hay Trần Thị Hồng Hạnh (Giám đốc công ty Hoàng Kim Land).