Cần đa dạng dòng vốn vào thị trường bất động sản

Theo Đầu tư Chứng khoán

Dòng vốn cho thị trường bất động sản (BĐS) không nên chỉ trông chờ vào ngân hàng, mà nên đa dạng hóa từ các quỹ tín thác hay chứng khoán hóa BĐS.

 Cần đa dạng dòng vốn vào thị trường bất động sản
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chỉ hỗ trợ một số đối tượng, chứ không hỗ trợ đại trà. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

    Tại buổi Tọa đàm “Khả năng hồi phục của thị trường BĐS” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 9/5, các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS cho rằng, yếu tố chính có thể giúp thị trường hồi phục là tháo gỡ về mặt chính sách và dòng vốn cho thị trường.

    Gói 30.000 tỷ đồng chỉ nhằm tạo ra sự lan tỏa

    TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, vấn đề lớn của thị trường BĐS Việt Nam hiện nay là tín dụng cho BĐS đã được xây dựng hợp lý hay chưa? Theo TS. Hiếu, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm trong 3 năm đầu mà Ngân hàng Nhà nước dự kiến đưa ra còn nhiều điểm cần phải xem xét, bổ sung nếu muốn nó có tác dụng thực tế trong việc kích cầu, bởi ở Mỹ các ngân hàng cho vay mua nhà với lãi suất chỉ 3,75%/năm cố định trong 30 năm.

    “Để gia tăng sức mua, các ngân hàng cần xây dựng gói tín dụng hợp lý cho người tiêu dùng, bởi giá BĐS dù có xuống thấp, thì so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam hiện nay, cũng khó ai có thể mua được”, TS. Hiếu đánh giá và cho rằng, cần duy trì lãi suất cho vay mua nhà thấp, mức 6% hoặc 5%/năm trong vòng 15 năm, 20 năm, thậm chí là 30 năm. Khi đó, chắc chắn sức mua sẽ tăng lên và hàng tồn kho sẽ được giải quyết, thị trường mới hồi phục.

    Về gói tín dụng này, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thông tư hướng dẫn về gói tín dụng này sẽ được ban hành trong vài ngày tới. Theo đó, các đối tượng sẽ được vay với lãi suất 6%/năm với thời hạn dài (10 năm đối với cá nhân, hộ gia đình và 5 năm với doanh nghiệp). Tuy nhiên, gói hỗ trợ này chỉ hỗ trợ một số đối tượng để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội cũng như là các doanh nghiệp xây dựng các loại nhà ở này, chứ không hỗ trợ đại trà.

    Ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng cho biết thêm, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cũng sẽ sớm ban hành thông tư hướng dẫn các đối tượng được tiếp cận nguồn vốn này. Hiện nay, thông tư này đã ở trên bàn Bộ trưởng Bộ Xây dựng và sẽ được ban hành sớm.

    Các doanh nghiệp cho biết, nếu gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chỉ hỗ trợ cho đối tượng nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, thì không thể giải quyết được những khó khăn hiện tại của thị trường BĐS. Nếu chỉ hỗ trợ các đối tượng này, thì phải đợi 2 hoặc 3 năm nữa mới có thể đánh giá được hiệu quả, khi đó, các doanh nghiệp BĐS đã kiệt sức hết.

    Tuy nhiên, ông Mạnh cho biết, chính sách về nhà ở của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước không nhằm mục đích “giải cứu” thị trường BĐS, mà chỉ nhằm tạo ra sự lan tỏa để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh và tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh.

    Hướng vào dòng vốn dài hạn

    TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, không nên cho phép các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư BĐS huy động vốn từ người dân, mà Nhà nước, Quốc hội nên xem xét cho thành lập các quỹ tín thác đầu tư BĐS, hoặc công ty, tổ chức tương tự Fannie Mae và Freddie Mac của Mỹ để duy trì thị trường cho vay thế chấp bằng cách mua lại các khoản vay từ các ngân hàng rồi sử dụng nghiệp vụ chứng khoán hóa, biến các khoản vay này thành trái phiếu và bán cho các nhà đầu tư với đảm bảo rằng các nhà đầu tư sẽ được thanh toán. Ngoài ra, ông Hiếu cũng kiến nghị các ngân hàng nên xây dựng gói tín dụng BĐS hợp lý cho người mua.

    Đồng tình với quan điểm này, TS. Đặng Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách phát triển cũng cho biết, phải có các quỹ tín thác BĐS để hỗ trợ vốn cho thị trường này. Tuy các quỹ này đã có trong quy định pháp luật về chứng khoán như Nghị định 58 năm 2012, tuy nhiên, cần có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn, chuyên biệt hơn cho loại quỹ này ra đời, hoạt động hiệu quả để hỗ trợ vốn cho thị trường BĐS.