Chờ... giá đất thị trường!?

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Nút thắt lớn nhất trong Luật Đất đai hiện nay là xác định giá đất thị trường. Khi vấn đề này chưa được giải quyết thì tình trạng đất công được giao cho tư nhân thuê với giá bèo nhưng khi ra ngoài thị trường xuất hiện "đất sốt", giá bị đẩy lên cao, tăng ảo nhiều lần, gây thiệt hại cho nguồn thu ngân sách.

Chính phủ muốn xin lùi thời gian thông qua Luật Đất đai để cho việc sửa đổi thật "chín"
Chính phủ muốn xin lùi thời gian thông qua Luật Đất đai để cho việc sửa đổi thật "chín"

Việc Chính phủ xin lùi thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai sang kỳ họp thứ 9 nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu và có nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho rằng cần sớm được sửa đổi để giải quyết các vấn đề nóng trong thực tiễn. Một số ý kiến khác khẳng định cần có thời gian để "sản xuất" ra "chiếc áo" vừa vặn hơn.

Chính sách, pháp luật về đất đai ngày càng được hoàn thiện, quyền sử dụng đất được mở rộng, thị trường bất động sản được hình thành, nhưng quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn nhiều hạn chế.

Thu hẹp khoảng cách hai giá đất

Các đại biểu Quốc hội cho rằng khá nhiều vấn đề phải sửa đổi trong Luật này, trong đó đang tồn tại "chế độ hai giá đất" chênh lệch rất cao giữa giá do Nhà nước quy định và giá thị trường, dẫn đến khiếu kiện đất đai liên tục xảy ra trong thời gian qua.

Cùng với đó, còn nhiều kẽ hở trong việc lập các thủ tục pháp lý về giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất đai, tạo vỏ bọc cho các giao dịch ngầm như hạ giá nhà đất để né thuế; găm thủ tục chuyển nhượng, trước bạ sang tên để tiếp tục mua bán, sang tay nhằm trốn thuế, gây thất thu ngân sách.

Từ những phân tích trên, một số đại biểu cho rằng cần sớm sửa đổi Luật Đất đai để giải quyết các vấn đề nóng trên.

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng khá nhiều vấn đề phải sửa đổi trong Luật này, trong đó có việc thu hồi đất vì mục đích quốc gia, công cộng, quốc phòng an ninh; vấn đề giá đất, bồi thường cho người dân khi thu hồi đất; giá đất khi thực hiện các dự án BT... "Cho đến nay, giá đất thị trường là giá nào cũng chưa có câu trả lời", ông Thân nói.

Do đó, đại biểu này cho cho rằng chỉ nên đồng ý cho Chính phủ lùi một năm, tức là lùi hai kỳ họp. Đầu năm 2020, Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua vào cuối năm để đáp ứng được yêu cầu quản lý đất đai trong thời gian tới.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho rằng Luật Đất đai đã có những quy định tiến bộ, đó là đền bù đất theo giá thị trường, song như thế nào là giá thị trường lại chưa được làm rõ, gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Do đó, cần sớm sửa đổi Luật Đất đai để thu hẹp khoảng cách hai giá đất như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) - Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội cũng không tán thành việc lùi thời gian trình một số dự án luật có tính cấp bách như Luật Đất đai.

Theo bà Thúy, để phát triển kinh tế, ổn định xã hội, Quốc hội cần tập trung rà soát, sửa đổi ngay những vấn đề bức thiết trong thực tiễn, đơn cử như tình trạng người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; đất xây dựng khu du lịch tâm linh tới gần 1.500 ha, lớn hơn diện tích xây dựng sân bay Long Thành.

Sớm may lại "chiếc áo đã chật"

Không đồng tình với những quan điểm trên, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng đất đai đang là vấn đề nóng bỏng, thời sự và được dư luận xã hội quan tâm, nhưng không vì còn đang thiếu hoặc chưa đầy đủ dữ liệu mà vội vàng đưa ra khi khâu chuẩn bị chưa chu đáo.

"Lùi thời hạn sửa Luật Đất đai là cần thiết để có được một bức tranh cụ thể và toàn diện hơn", đại biểu Như Khuê nêu quan điểm.

Ông dẫn ví dụ, TP. Hồ Chí Minh đang trong quá trình chuyển động rất mạnh mẽ về các dự án đầu tư liên quan đến hình thành các khu đô thị mới. Trong đó, còn nhiều mặt bằng, nhà xưởng, kho bãi của các cơ quan trung ương và các bộ ngành khác nằm trên mặt phố nhưng đưa vào sử dụng không đúng mục đích.

Do đó, cần có thêm cuộc giám sát nữa để có bức tranh toàn diện hơn, sâu hơn và dựa trên cơ sở đó, nhìn nhận ra điểm nghẽn cần hoàn thiện cho những điều khoản trong Luật Đất đai, chứ không phải đang có chính sách gì hay thế nào nên lùi lại.

Việc sử dụng đất đai tại các DNNN đang cổ phần hóa thời gian qua cũng đã gây thiệt hại và thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước về đất đai, từ việc cổ phần hóa chưa được xem xét đầy đủ.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nêu quan điểm: "Nếu quá khó khăn, phức tạp, tôi đề nghị Quốc hội có thể xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại 3 kỳ họp, nhưng với tâm thế quyết tâm làm trong nhiệm kỳ này".

Trong khi đó, một số ý kiến của đại biểu đề nghị bổ sung Nghị quyết thực hiện thí điểm một số nội dung về đất đai vào chương trình các dự án.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là nội dung khá phức tạp, liên quan chặt chẽ đến việc sửa đổi Luật Đất đai.

Theo dự kiến, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Do đó, không cần thiết phải thực hiện thí điểm một số nội dung về đất đai, mà Chính phủ cần tập trung chỉ đạo việc tổng kết thi hành Luật Đất đai hiện hành, đánh giá tác động các chính sách cần sửa đổi để xây dựng dự án luật trình Quốc hội.