Cương quyết thu hồi dự án treo

Theo Phương Uyên/diendandoanhnghiep.vn

Phải cương quyết thu hồi những dự án treo, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất... gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Dự án Habico Tower vang bóng một thời giờ chỉ là khối bê tông làm xấu xí bộ mặt đô thị Hà Nội
Dự án Habico Tower vang bóng một thời giờ chỉ là khối bê tông làm xấu xí bộ mặt đô thị Hà Nội

Mới đây, phát biểu thảo luận ở hội trường về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho rằng, quy hoạch treo là nội dung “biết rồi, nói mãi nhưng không nói không được”.

Qua tiếp xúc cử tri, báo cáo của nhiều cơ quan cũng như sự thừa nhận của chính quyền các cấp về lãng phí nghiêm trọng trong quy hoạch treo.

"Trong khi hàng ngàn ha đất bỏ hoang, bỏ không do chưa triển khai được quy hoạch thì có hàng ngàn, chục ngàn hộ gia đình không có đất ở, phải ở tạm gầm cầu, ven sông, nơi không an toàn, luôn tiềm ẩn các rủi ro ngày đêm rình rập", ông Hận nêu.

Kiên quyết thu hồi 

Đại biểu tỉnh Cà Mau đề nghị các cấp chính quyền cần vào cuộc quyết liệt, có giải pháp, kiên quyết xử lý thu hồi các dự án 'đóng băng', chủ đầu tư cố tình kéo dài dự án. Bên cạnh đó, trong hoạch định cần bám sát thực tiễn, nhu cầu xã hội, nguồn lực đáp ứng, khả năng triển khai để có quy hoạch phù hợp, khả thi.

Còn đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) thừa nhận, chính sách pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập, trong đó có vấn đề về thị trường bất động sản, xác định giá, quyền sử dụng đất, về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng tách thửa phân lô, bán nền, đầu cơ đất đai, không đưa đất vào đúng mục đích sử dụng… gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Trong khi chờ đợi sửa đổi luật đất đai, đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể và hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng đất công. Cần có chính sách để hạn chế tình trạng đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài.

Đại biểu nhấn mạnh, phải cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch treo ở các địa phương, đặc biệt là các quỹ đất liên quan đến an ninh, quốc phòng nhiều năm bị lấn chiếm (20-30 năm) không đưa vào sử dụng nên thu hồi giao cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Trên thực tế, câu chuyện giải quyết dự án treo dù nói nhiều nhưng vẫn nóng. Dự án treo không chỉ ở một hay hai địa phương mà tồn tại nhiều năm qua tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, đáng lưu ý phải kể đến TP. Hà Nội với 383 dự án; TP. Hồ Chí Minh 126 dự án; tỉnh Hòa Bình 105 dự án; tỉnh Thái Nguyên 22 dự án... 

Các địa phương dù quyết tâm ra tay nhưng thực tế việc xử lý dự án treo vẫn “dậm chân tại chỗ”. Đơn cử như tại Hà Nội, gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND thành phố nhưng kết quả xử lý dự án treo đạt rất thấp. Báo cáo của HĐND TP. Hà Nội cũng cho thấy còn tình trạng tồn tại những dự án quy hoạch có tuổi đời từ 10 đến 20 năm vẫn nằm “đắp chiếu”.

Tăng cường kiểm tra, rà soát

Ông Đào Trung Chính, Tổng Cục phó Tổng cục Đất đai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ TN&MT) phân tích, Luật Đất đai năm 2003 quy định, việc xử lý đối với trường hợp đất đã được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án bị nhà nước thực hiện thu hồi đất. Trong đó, người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán trị giá đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất.

“Quy định là vậy nhưng thực hiện rất khó bởi doanh nghiệp tìm đủ mọi cách xin gia hạn để không bị thu hồi. Hơn nữa, việc thu hồi cũng không được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, kiên quyết”, vị này nói.

Theo PGS.,TS. Doãn Hồng Nhung - Phó Ban Pháp chế (Hiệp hội BĐS Việt Nam), bên cạnh thu hồi, trong nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung chế tài đối với hành vi: “nếu gây thiệt hại cho người dân khi chậm triển khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thì phải bồi thường cho người sử dụng đất”.

Đối với các quy hoạch và các dự án đang “bị treo”, Bộ Xây dựng cần tăng cường kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm với một hạn định rõ ràng, tránh việc chỉ đạo xong rồi để đấy.

Tham dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, hiện nay số lượng dự án tồn đọng cần xử lý ở các địa phương rất lớn. Các dự án treo, dự án sử dụng đất sai mục đích còn nhiều, trong đó nhiều dự án chiếm vị trí đất lợi thế, đắc địa nhưng hiện nay chưa tháo gỡ được.

"Năm 2022, Bộ TN&MT cần rà soát kỹ, phân nhóm dự án, dự án vi phạm pháp luật thì xử lý nghiêm minh đúng quy định, tránh tình trạng vụ việc kéo dài, khắc phục không được, khiến hàng ngàn ha đất ở các khu đô thị để chờ hàng chục năm, lãng phí rất lớn. Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ mà ngành tài nguyên và môi trường cần tham mưu xử lý để sớm đưa nguồn lực lớn này vào phục vụ phát triển”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quán triệt.

Hiện nay Bộ TN&MT đang đề xuất xây dựng “Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội” trình Chính phủ phê duyệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh việc đưa vào khai thác, sử dụng đối với diện tích đất của các dự án không triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí; quỹ đất của các nông, lâm trường không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả; quỹ đất chưa sử dụng; đất đã giao, cho thuê có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... trên phạm vi cả nước nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.