Đầu tư bất động sản "dựa hơi" quy hoạch

Theo Mai An/batdongsan.enternews.vn

Các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư bất động sản (BĐS) cần phải chọn lọc thông tin để không phải “ôm hận” trước những thông tin quy hoạch không rõ ràng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, thông tin xây cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng hay thông tin Hà Nội đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố trong giai đoạn 2021-2025 thì một số nhà đầu tư, môi giới đã đổ xô đi gom đất “kích sóng” thị trường.

Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, thực tế những nhà đầu tư khi xuống tiền mua BĐS ở những khu vực này trước đó đều muốn có lãi, sản phẩm thanh khoản tốt nhưng sau đó khi sóng qua đi, không thanh khoản được, tìm cách “cắt lỗ” nên lâm vào tình cảnh khá thê thảm.

Do đó, khi có thông tin liên quan đến quy hoạch ở những khu vực này sẽ có một số đối tượng lợi dụng để “kích sóng” nhằm tạo “sóng mới” trong khi bản chất là thông tin cũ. Và chỉ có những nhà đầu tư lẻ tẻ, thiếu chuyên nghiệp, chưa bị va vấp bị dính vào.

Ông Đính chỉ rõ, việc tăng giá này chỉ mang tính nhất thời trong khi đó, về bản chất thông tin quy hoạch các thành phố vệ tinh hay quy hoạch mở rộng đô thị của Hà Nội không mới vì đã được thể hiện trong Đồ án quy hoạch Thủ đô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt để tạo ra những trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ, thành phố thông minh ở phía bên kia sông Hồng. Do đó những thông tin gần đây thực ra chỉ là hoạt động nhắc lại kế hoạch của chính quyền UBND và HĐND TP. Hà Nội để tập trung đẩy nhanh tiến độ.

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, mặc dù phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo vẫn chưa được thông qua, tuy nhiên không ít môi giới đã rầm rộ đẩy giá nhà đất xung quanh khu vực dự kiến có cầu đi qua.

Nhiều mảnh đất rao bán dựa hơi thông tin quy hoạch dù đây chỉ là thông tin cũ
Nhiều mảnh đất rao bán dựa hơi thông tin quy hoạch dù đây chỉ là thông tin cũ

Cụ thể là địa phận các quận Hoàn Kiếm (phường Phan Chu Trinh, Chương Dương Độ), Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng) và Long Biên (phường Long Biên, Bồ Đề, Gia Thụy).

Theo khảo sát của PV, tại khu vực Cổ Linh (quận Long Biên) quy hoạch đầu cầu Trần Hưng Đạo, miếng đất rộng 270m2 mặt tiền 40m với giá 75 tỷ đồng (trung bình gần 280 triệu đồng/m2 đang được rao bán. Người bán mời chào, ô đất nằm ở mặt phố mới, tương lai đẹp nhất quận Long Biên vì ngay điểm giao với đường dẫn lên cầu Trần Hưng Đạo.

Hay một mảnh đất có diện tích 835 m2 (mặt tiền 24m) được giới thiệu nằm giữa phố Hồng Tiến Lô góc, kinh doanh sầm uất, với hàng loạt những cây cầu sắp triển khai như: Cầu Trần Hưng Đạo, Vĩnh Tuy 2… hiện đang được rao bán với giá 250 tỷ (tương đương gần 300 triệu đồng/m2).

Hay từ khi có thông tin quy hoạch đô thị sông Hồng ghi nhận tại một dự án ở huyện Đông Anh, vài ngày nay, hàng trăm môi giới tụ họp về đây, tạo ra khung cảnh náo nhiệt không khác gì một hội chợ bất động sản. Theo giới đầu tư tại đây, giá đất tăng trung bình 15 - 20% so với thời điểm cách đây 1 năm. Cá biệt, có vị trí còn bị đẩy giá tăng gấp đôi.

Đánh giá về các điểm "nóng sốt" tại thị trường Hà Nội vừa qua, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cao cấp Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, việc có thêm một cây cầu nữa sẽ thúc đẩy thêm quá trình di dân, đồng thời hỗ trợ giao thông từ các khu vực khác, đặc biệt là khu vực nội đô. Qua các bước thẩm định, phê duyệt, thực tế là cầu còn cần thời gian để xây dựng. "Do đó, tại thời điểm hiện nay, mức độ ảnh hưởng của thông tin này đang chưa rõ nét hoặc nếu có cũng cần tùy thuộc vào tiến độ thực hiện của dự án" - bà Hằng chia sẻ.

Chuyên gia Savills Việt Nam cũng cho rằng, việc đón sóng đầu tư thường được các nhà đầu tư tính đến khi xuất hiện công trình hạ tầng quan trọng. Nhưng việc ra quyết định vào thời điểm nào còn tùy thuộc vào kỳ vọng cũng như tiềm lực tài chính của mỗi nhà đầu tư trong tương quan cạnh tranh với các khu vực khác cũng như tiến độ triển khai, xây dựng cầu trên nền mặt bằng giá bất động sản đã điều chỉnh tăng thời gian gần đây.

Bài học còn đó, ông Đính dẫn chứng khu vực Hoài Đức (Hà Nội) đã từng bùng lên “sốt đất" khi thông tin lên quận nhưng cuối cùng chỉ loanh quanh có mấy khu dân cư nhỏ chứ chưa tạo ra khu vực có giá trị sống cao theo đúng nghĩa thành phố hiện đại, thông minh. Hay Mê Linh chỉ có ít khu đất đã san nền cấy thêm vài con đường nhỏ, không có sự sống nên giá trị BĐS, giá giao dịch bị tụt xuống.

“Thực tế, bất động sản chỉ tạo ra giá trị thật khi có đầu tư thật, khi người dân về sinh sống ở thực nên các vùng ven, huyện ngoại thành muốn lên thành phố phải được đầu tư hệ thống đường sá, kỹ thuật, hạ tầng về văn hóa – xã hội, dịch vụ, thương mại, thể thao, vui chơi – giải trí,… lúc đó mới tạo ra giá trị BĐS thực, đô thị thực” – ông Đính chia sẻ.

Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất và đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng hồ sơ dự án Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2022 để trình Quốc hội thông qua trong năm 2023.

Đặc biệt quy định cụ thể các điều kiện tham gia đầu tư dự án BĐS, các điều kiện kinh doanh giao dịch BĐS, việc quản lý hoạt động của các nhà môi giới, các sàn giao dịch BĐS, nhất là việc yêu cầu các chủ đầu tư, các cấp chính quyền và cơ quan liên quan cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin liên quan đến quy hoạch, dự án BĐS cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm để hạn chế, khắc phục tình trạng thổi giá, tăng giá, gây sốt giá BĐS như thời gian vừa qua…

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà & Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng)