Doanh nghiệp nội cần cẩn trọng với "bẫy" M&A

Theo Phạm Minh/thoibaokinhdoanh.vn

Việc vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian gần đây liên tiếp gia tăng năm sau cao hơn năm trước và các hoạt động này chủ yếu diễn ra dưới hình thức mua bán – sáp nhập (M&A) khiến một số chuyên gia lo ngại về việc doanh nghiệp nội dễ bề bị thôn tính.

 "Bẫy" M&A. Nguồn: Internet.
"Bẫy" M&A. Nguồn: Internet.

Thị trường bất động sản đang có những điểm sáng. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/6/2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản là 1,32 tỷ USD. Trong số các ngành, vốn vào bất động sản vẫn chiếm vị trí thứ hai với tỷ trọng 7,2%.

Mua bán sôi động

Tại cuộc họp báo về M&A mới diễn ra gần đây, nhóm nghiên cứu nhận định hoạt động M&A tính đến cuối năm nay đạt 6,7 tỷ USD. Thị trường bất động sản dù hạ nhiệt trong 6 tháng đầu năm nhưng vẫn chứng kiến nhiều thương vụ M&A lớn, đặc biệt là bốn thương vụ đình đám được thực hiện nửa đầu năm nay bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Mới đây, tập đoàn Keppel Land thông qua công ty thành viên Monestine Pte. Ltd. đã ký kết thoả thuận với công ty CP Địa ốc Phú Long để mua 60% cổ phần trong ba lô đất có tổng diện tích 6,2ha ở huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.

Một liên doanh giữa tập đoàn FLC và công ty Lotte Land (công ty con của tập đoàn Lotte, Hàn Quốc) cũng được thành lập vào đầu tháng trước với mục đích kinh doanh bất động sản. Công ty cổ phần Lotte FLC có vốn điều lệ 556,5 tỷ đồng; trong đó, Lotte Land nắm giữ 60% cổ phần và các công ty của FLC nắm giữ 40% cổ phần còn lại.

Liên doanh này sẽ thực hiện dự án trên khu đất 6,4ha tại Đại Mỗ, thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đây là khu đất tập đoàn FLC trúng đấu giá 860 tỷ đồng vào năm 2017.

Trong tháng 1/2019, công ty Lotte E&C một thành viên của tập đoàn Lotte), đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư cùng công ty Hưng Lộc Phát nhằm rót vốn cho một dự án bất động sản ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh.

Thương vụ lớn duy nhất được điểm tên do bên mua là doanh nghiệp thực hiện là việc công ty CP Đầu tư Nam Long công bố đầu tư 2.300 tỷ đồng để mua lại 70% cổ phần của công ty Portsville Pte. Ltd. (thuộc Keppel Corporation Limited của Singapore) trong công ty TNHH Thành phố Waterfont Dong Nai.

Một số đánh giá cho rằng trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thắt chặt tín dụng, vốn FDI sẽ tạo ra bệ đỡ sôi động cho thị trường. Chưa kể sự đổ bộ của các doanh nghiệp nước ngoài góp phần làm gia tăng tính cạnh tranh và sự thanh lọc thị trường.

Vốn FDI vào bất động sản vẫn chiếm vị trí thứ hai
Vốn FDI vào bất động sản vẫn chiếm vị trí thứ hai
 

Kêu gọi đầu tư vào bất động sản?

Nhận định về cơ hội mà vốn FDI mang lại, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng vốn FDI không chỉ trở thành nguồn vốn hỗ trợ, bổ sung cho lĩnh vực bất động sản mà còn tạo ra nhiều cơ hội và giá trị cho các doanh nghiệp địa ốc.

Đánh giá về câu chuyện đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch & Đầu tư), cho rằng làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng gia tăng.

Các ngành nghề khác, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, rất cần thiết thu hút vốn và công nghệ từ nước ngoài. Nhưng đối với thị trường bất động sản, ông Thắng đặt ra vấn đề: “có cần thiết kêu gọi đầu tư nước ngoài nữa hay không, nếu có thì kêu gọi vào lĩnh vực nào, lĩnh vực nào đã làm được, lĩnh vực nào chưa làm được và cần tập trung kêu gọi đầu tư”.

Liên quan đến thu hút vốn vào thị trường bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, cho rằng thị trường bất động sản giai đoạn 2018 – 2019 bắt đầu cân bằng. Sau 2019, cầu sẽ tăng hơn cung. Sau giai đoạn này, cần hết sức cảnh giác trước tình trạng bong bóng bất động sản.

Điều mà TS. Lê Xuân Nghĩa lo ngại hoàn toàn đúng. Theo số liệu của các công ty nghiên cứu, tư vấn bất động sản, cuối năm 2019, đầu 2020, riêng Hà Nội sẽ có 33.000 căn hộ hoàn thiện đưa ra thị trường. Dự kiến nguồn cung thị trường bất động sản giai đoạn này sẽ tăng trên cả nước.

Trong khi đó, theo Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh, hiện con số tồn kho lên tới hơn 200.000 sản phẩm của 65 doanh nghiệp bất động sản lên sàn chứng khoán.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng vốn ngoại đổ vào bất động sản trong bối cảnh kinh tế số phát triển mạnh mẽ, đặt ra những lo ngại cho doanh nghiệp Việt, nhất là khi các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới “nhảy” vào thị trường Việt Nam. Họ chờ doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, khó “sống” nổi, hoặc họ chờ bong bóng bất động sản vỡ để chớp lấy cơ hội, tiến hành thâu tóm.

Trong bối cảnh trên, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng chúng ta cần cảnh giác trước một số khuynh hướng như thị trường tài chính toàn cầu mong manh; phần lớn là vốn vay ngân hàng, thủ tục làm chậm nên rất dễ “bày cỗ” cho doanh nghiệp nước ngoài.

“Do đó, các doanh nghiệp cần thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư, kiến nghị những vướng mắc”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam nhận định những thông tin mà TS. Lê Xuân Nghĩa cung cấp đều là thông tin quan trọng trong việc hoạch định các chiến lược phát triển lâu dài cho doanh nghiệp. Có thể thấy đây là giai đoạn “phòng thủ”, không phải giai đoạn “tiến công”.

“Việc TS. Lê Xuân Nghĩa dự báo các quỹ đầu tư tràn vào tận dụng cơ hội là điều tất yếu, trong khi đo về trung và dài hạn, thị trường Việt Nam dân số đông, trung bình mỗi năm tăng 800 đến 1 triệu dân,… nhu cầu dự báo sẽ rất lớn” ông Nam lo ngại.