Tỉnh Bạc Liêu:

Đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Theo Nguyễn Huy/Báo Bạc Liêu

Thực hiện Nghị quyết 21 và Kết luận 28 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thời gian qua, Bạc Liêu đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xem đây là một trong những đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và liên kết vùng.

Tuyến giao thông Cầu Sập - Ninh Quới được đầu tư mở rộng, góp phần phát triển giao thương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: KT
Tuyến giao thông Cầu Sập - Ninh Quới được đầu tư mở rộng, góp phần phát triển giao thương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: KT

Nhiếu thành tựu

Tái lập tỉnh Bạc Liêu từ năm 1997 nhưng đến năm 2002 hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Bạc Liêu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tổng chiều dài đường do địa phương quản lý gồm đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị chỉ vỏn vẹn có 161km đường kiên cố các loại. Trong đó, 44km đường láng nhựa, 68km đường đá dăm và đất đỏ, 24km đường đá cấp phối và 25km đường bê-tông xi-măng.

Để giải quyết những khó khăn và yếu kém về hạ tầng giao thông, từ năm 2003, Bạc Liêu đã kiến nghị Trung ương và tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ các bộ, ngành cho các chương trình phát triển giao thông; đồng thời huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển các dự án động lực, các tuyến đường ô tô về trung tâm xã, nâng cấp đường đô thị và các công trình giao thông khác theo quy hoạch được phê duyệt.

Qua đó, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã đầu tư đường tránh TP. Bạc Liêu, đường tránh Hộ Phòng, cầu Tôn Đức Thắng, cầu Phước Long 2, cầu Phó Sinh 2, đường Tôn Đức Thắng, đường Võ Văn Kiệt; đầu tư và đưa vào khai thác dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 1A đoạn cửa ngõ phía Bắc TP. Bạc Liêu và xử lý một số vị trí ngập nước trên Quốc lộ 1A theo hình thức hợp đồng BOT.

Cùng với đó, các tuyến đường huyết mạch của tỉnh được quan tâm đầu tư như: Giá Rai - Gành Hào (giai đoạn 2), Vĩnh Mỹ - Phước Long, Giồng Nhãn - Gành Hào, Bạc Liêu - Hưng Thành, Cầu  Sập -  Ninh Quới - Ngan Dừa, Phước Long - Ninh Quới, Hòa Bình - Minh Diệu, Hòa Bình - Vĩnh Hậu, Thuận Hòa - Xiêm Cán, Trần Phú nối dài, Cao Văn Lầu; thảm bê-tông nhựa nóng một số tuyến đường đô thị TP. Bạc Liêu, cầu Ngan Dừa, cầu Ninh Quới, cầu Nhà Mát và các tuyến đường ô tô về trung tâm xã…

Mạng lưới giao thông của tỉnh kết nối được với các tuyến quốc lộ, đường đê biển và trung tâm 64/64 xã, phường, thị trấn; các tuyến đường thủy địa phương kết nối với các tuyến đường thủy Trung ương và biển Đông… Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng với các trung tâm kinh tế lớn (TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh) và ngược lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu và vùng ĐBSCL.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và huy động nguồn lực Nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT) nên có 49/49 xã được công nhận là NTM, Phước Long được công nhận là huyện NTM, TP. Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và có 472/472 ấp có đường giao thông ấp liền ấp.

Xây dựng công trình giao thông đạt chuẩn theo quy hoạch

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian qua tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, hạ tầng giao thông có tốc độ phát triển khá nhanh nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: mặt đường hẹp, tải trọng thấp, đường thủy vướng đập ngăn mặn và thiếu bến cảng thủy nội địa…

Thêm vào đó, một số tuyến đường địa phương chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch, quy mô chưa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, các tuyến trục ngang chưa kết nối với các tuyến quốc lộ (như đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Hồ Chí Minh). Một số công trình động lực của tỉnh chưa cân đối được vốn để đầu tư xây dựng theo quy hoạch như: Cảng biển Bạc Liêu, các cầu lớn trên đường tỉnh, Bến xe tỉnh Bạc Liêu... nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 21 và Kết luận 28 của Bộ Chính trị về phát triển bền vững vùng ĐBSCL và thực hiện “một trong ba đột phá” về phát triển kết cấu hạ tầng đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI), Bạc Liêu đã đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045 là: Tập trung đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng, huyết mạch đạt chuẩn theo quy hoạch để phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội theo “5 trụ cột” đã xác định và đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường được giao quản lý. Đồng thời, chỉ đạo nâng cao năng lực vận tải hàng hóa và hành khách tăng bình quân hàng năm là 9% và thực hiện tốt công tác cải cách hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Theo đó, ngành Giao thông - Vận tải (GT-VT) sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Bạc Liêu tích hợp quy hoạch ngành GT-VT vào quy hoạch của tỉnh Bạc Liêu đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Rà soát, đánh giá về kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác và xác định danh mục công trình giao thông quan trọng, huyết mạch để tham mưu cho UBND tỉnh Bạc Liêu đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và tích hợp vào quy hoạch tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó, phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương để sớm triển khai xây dựng đường Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh Bạc Liêu khoảng 6km), mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A (đoạn Sóc Trăng - Bạc Liêu và Bạc Liêu - Cà Mau), xây dựng bờ kè chống ngập dọc Quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn huyện Hòa Bình, TX. Giá Rai), thảm bê-tông nhựa đường Nam sông Hậu và đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường liên kết vùng ĐBSCL (đường tỉnh ĐT.980 Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền nối với đường Hồ Chí Minh; đường cao tốc Bạc Liêu - Hà Tiên).

Phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu cho UBND tỉnh Bạc Liêu huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch nhằm giảm áp lực cho ngân sách. Ưu tiên kêu gọi đầu tư những công trình giao thông mang tính đột phá như: Cảng biển Bạc Liêu, các cầu lớn trên đường tỉnh, Phước Long - Ba Đình, đường từ cầu Tôn Đức Thắng đến Vườn nhãn, mở rộng nâng cấp đoạn Ninh Quới - Ngan Dừa, Bến xe tỉnh Bạc Liêu, bến xe khu vực Nhà Mát, bến xe khách ấp Năm Căn và bãi đỗ xe khu vực nhà thờ Tắc Sậy...