Dự thảo Luật Nhà ở: Chú trọng phát triển nhà ở xã hội

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Bàn về luật Nhà ở sửa đổi, đại biểu Nguyễn Minh Quang (đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật cần đưa ra cơ chế, chính sách ưu đãi để các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tự bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội hiện nay ở nước ta.

Dự thảo Luật Nhà ở: Chú trọng phát triển nhà ở xã hội
Những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm đóng góp ý kiến. Nguồn: internet

Trong 10 nhóm nội dung cần sửa đổi, bổ sung, nhằm khắc phục những vấn đề bất cập tồn tại của Luật Nhà ở hiện hành, thì những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm đóng góp ý kiến và đánh giá là điểm sáng của Luật nhà ở (sửa đổi).

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Thực tế trong thời gian qua do Luật nhà ở hiện hành chưa quy định cụ thể về việc phát triển nhà ở xã hội nên một số địa phương đã vận dụng một số cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, người khó khăn có cơ hội về nhà ở nên đã xảy ra nhiều quan điểm khác nhau chưa thống nhất dẫn đến một số địa phương bị xử lý sai phạm.

Dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) đã dành một chương riêng với những nội dung quy định khá cụ thể đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, về nguyên tắc thực hiện và các chính sách để phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, đây là cơ hội cho người thu nhập thấp, người khó khăn về nhà ở như đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên mới ra trường, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp được tiếp cận nhà ở.

Theo bà Thủy, phát triển nhà ở xã hội là một chính sách đúng đắn mang tính nhân văn, nên nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội. Thực tế hiện nay giá bán nhà ở xã hội vẫn ở mức cao so với thu nhập của đại đa số người dân. Vì doanh nghiệp hoạt động đều phải tính đến lợi nhuận, chỉ nhiều hay ít.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Minh Quang (đoàn Hà Nội) một thực tế hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì không thực sự hào hứng với nhà ở xã hội. Bởi lẽ lợi nhuận và khả năng thu hồi vốn thấp hơn rất nhiều so với kinh doanh nhà ở thương mại.

Để khắc phục tình trạng này, ĐB Quang góp ý dự thảo luật cần đưa ra những cơ chế, chính sách ưu đãi để các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tự bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội hiện nay ở nước ta.

Theo đại biểu Lê Hiệp Hòa  (đoàn Thanh Hóa), qua thực tế triển khai các dự án nhà ở xã hội, vấn đề khó khăn, bức xúc hiện nay là vấn đề vay vốn và giải ngân dòng tiền. Bởi trên thực tế người thu nhập thấp, kể cả người thu nhập trung bình cũng khó có điều kiện thanh toán khi mua nhà ở theo quy định hiện hành.

Trong khi đó, các thủ tục vay vốn phải đảm bảo theo quy định như tài sản thế chấp, khả năng trả nợ, thời gian vay ngắn hạn, vv.. nên người thu nhập thấp, người nghèo có nhu cầu về nhà ở khó tiếp cận được nguồn vốn vay.

Do vậy, Đại biểu Hòa đề nghị trong Luật nhà ở (sửa đổi) lần này, Chính phủ cần có quy định cụ thể về các chính sách ưu đãi về tín dụng đối với mức lãi suất, hỗ trợ lãi suất ưu đãi, thời gian vay có thể kéo dài từ 20 đến 30 năm. Có như vậy các đối tượng nghèo thu nhập thấp mới có khả năng tiếp cận được nguồn vốn vay để có chỗ ở cho bản thân và gia đình.

Khó áp dụng vào thực tế?

Bên cạnh những băn khoăn về vốn, thì nhiều đại biểu quốc hội cũng  nhiều quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần tính đến cho phù hợp với thực tế trước khi luật được ban hành.

Đại biểu Mai Lan (đoàn Cao Bằng) cho rằng, những quy định cụ thể trong luật rất khó áp dụng vào thực tế, bằng cách nào bảo đảm được mục tiêu phát triển nhà bằng ngân sách nhà nước, trong khi nguồn ngân sách và quỹ đất quá hạn hẹp so với số đối tượng có nhu cầu.

“Làm sao thu hút được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong khi lợi nhuận không cao mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình. Làm thế nào hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn, miền núi, hải đảo khi chưa xác định đối tượng và mức hỗ trợ rõ ràng” – bà Lan băn khoăn.

Vì vậy, Đại biểu Lan đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ tính khả thi của các quy định từ đó lược bỏ những quy định mang tính hình thức, những quy định mang tính cào bằng, chung chung, nhấn mạnh hơn trách nhiệm, vai trò của nhà nước cũng như trách nhiệm của các nhà đầu tư thương mại trong đầu tư nhà ở xã hội.

Đồng thời đề ra cơ chế áp dụng nghiêm túc, nếu không nhà ở xã hội sẽ chỉ là một chế định cho các nhà đầu tư và các đối tượng trung gian tìm kiếm ưu đãi trong khi người thực sự có nhu cầu lại không có cơ hội.