Giải tỏa khó khăn cho nhà ở xã hội

Theo Phạm Minh/thoibaokinhdoanh.vn

Một số chuyên gia cho rằng Nhà nước cần tăng cường khâu hậu kiểm để quản lý tình trạng mua bán trái phép nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo một số ý kiến khác, Nhà nước không nên “bao bọc” mãi, mà cần chuyển sang hình thức nhà ở thương mại giá rẻ.

 Nhu cầu về nhà ở xã hội vẫn còn rất lớn.
Nhu cầu về nhà ở xã hội vẫn còn rất lớn.

Hồi đầu năm 2019, tại Hà Nội đã rộ lên tình trạng mua bán chênh lệch nhà ở xã hội, có căn chênh lên tới 200 triệu đồng, khiến nhiều người có khó khăn về nhà ở bức xúc, chính quyền và cơ quan quản lý vào cuộc chấn chỉnh.

Mua đi, bán lại

Đến nay, dù tình trạng rao bán công khai nhà ở xã hội trên mạng xã hội, ở các sàn giao dịch bất động sản đã có chiều hướng giảm, nhưng qua những môi giới trực tiếp, khách hàng vẫn có thể mua được.

Chị N.L (quận Thanh Xuân) cho biết do có mối quan hệ với chủ đầu tư, nên hồi đầu năm 2019, chị đã mua trực tiếp được 1 căn diện tích hơn 60 m2. Đến tháng 5/2019 được nhận nhà, chị lập tức bán chênh được 150 triệu đồng.

Tương tự, anh P.X (quận Hà Đông) cũng mua được trực tiếp từ chủ đầu tư 1 căn 50m2, đến khi nhận nhà bán chênh được 100 triệu đồng. Điều đáng chú ý là khi mua trực tiếp từ chủ đầu tư, anh P.X và chị N.L đều không vào tên hợp đồng, chỉ đến khi bán chênh cho khách thì mới vào tên hợp đồng cho người mua.

Khác với hai trường hợp trên, chị H.T đã mua vào tên chính chủ, nhưng do gia đình có việc cần tiền đột xuất, chị bán cho một người khác với giấy viết tay và hẹn 5 năm sau mới sang tên hợp đồng, làm giấy tờ được.

Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, quy định của pháp luật về nhà ở xã hội thì người mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được bán hoặc thế chấp sau 5 năm kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội theo hợp đồng đã ký với bên bán…

Trường hợp trong thời hạn chưa đủ 5 năm thì chỉ được thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó, trường hợp bán lại thì chỉ được bán cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội hoặc đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định, với giá bán không được vượt quá giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán.

Thế nhưng, nhiều người bán căn hộ nhà ở xã hội cho biết khách hàng có nhu cầu mua với giá rẻ đồng nghĩa phải chấp nhận “lách” luật. Khi thực hiện giao dịch, trường hợp vào chính chủ hợp đồng thì người mua vẫn còn may mắn, chỉ trả tiền chênh, còn khi mua lại căn hộ đã vào tên chính chủ trước đó thì người mua sau phải chấp nhận rủi ro.

Thay bằng nhà thương mại giá rẻ?

Ngày 5/11 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định 25/2019/QĐ-UBND về quản lý bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội, trong đó quy định rõ tiêu chí thang 10 điểm ưu tiên.

Theo đó, người được khen thưởng Huân chương cao quý của Nhà nước, thân nhân liệt sĩ, Công dân Thủ đô ưu tú đạt thang điểm cao nhất (10 điểm); Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, vận động viên, văn nghệ sĩ đoạt Huy chương vàng hoặc giải Nhất tại các cuộc thi khu vực hoặc thế giới, công nhân có tay nghề bậc cao nhất của ngành được xét 8 điểm; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội được xét 6 điểm; người được nhận Bằng khen của UBND Thành phố, danh hiệu “Người tốt, việc tốt”… được xét 2 điểm.

UBND TP. Hà Nội cũng quy định các điều khoản, trách nhiệm cụ thể đối với chủ đầu tư, chính quyền địa phương trong việc giám sát, chuyển nhượng, trả lại, thu hồi nhà ở xã hội.

Đáng chú ý, nhằm thắt chặt quản lý việc bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đúng đối tượng, UBND TP. Hà Nội yêu cầu sau khi ký hợp đồng theo quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm lập đầy đủ danh sách các hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng tại dự án, có dán ảnh các thành viên trong hộ gia đình.

Một số luật sư cho rằng việc Hà Nội thay đổi quy định về quản lý bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội là góp phần quản lý chặt chẽ những người không đủ điều kiện hoặc những người đã có nhà ở nhưng vẫn đăng ký mua nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa chặt chẽ, bởi với mục đích đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, nhiều người thậm chí sẽ tìm cách chuyển hộ khẩu, hoặc giữ lại những ngôi nhà rất chật hẹp, sau đó xin xác nhận của UBND phường, cơ quan liên quan về điều kiện nhà không đủ ở theo đúng những tiêu chuẩn mà Nhà nước cho phép khi mua nhà ở xã hội.

Theo một số luật sư, với những trường hợp khi thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở xã hội mà chưa đủ 5 năm hoặc chưa trả hết tiền, mức giá có thể rẻ hơn giá thị trường, thậm chí người mua và người bán tìm cách “lách luật” bằng các hình thức sử dụng giấy tờ viết tay, thừa phát lại, lập vi bằng… sẽ không có giá trị pháp lý.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng xảy ra việc mua – bán nhà ở xã hội trái pháp luật là do chính sách nhà ở xã hội rẻ hơn nhà ở thương mại cùng phân khúc.

Ông Đính đặt vấn đề: Để ngăn chặn tình trạng này, Nhà nước có nên tiếp tục sử dụng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập, thuế đất và dùng “bầu sữa” ngân sách để xây nhà ở xã hội hay không? Nhà nước nên chuyển sang xây nhà thương mại giá rẻ để nhiều người dân có cơ hội tiếp cận với nhà ở.

“Nếu người thu nhập thấp sở hữu nhà thương mại giá rẻ, họ có thể bán lại khi cần tiền đầu tư hoặc có thể thế chấp ngân hàng vay vốn”, ông Đính nhấn mạnh.