Gói 30.000 tỷ đồng, tăng thời hạn cho vay là chưa đủ

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Từng được kỳ vọng tạo “cú huých” thanh khoản cho thị trường bất động sản, nhưng việc giải ngân quá chậm gói tín dụng 30.000 tỷ đồng khiến Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phải tính đến chuyện điều chỉnh cơ chế giải ngân gói tín dụng này.

Gói 30.000 tỷ đồng, tăng thời hạn cho vay là chưa đủ
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phải tính đến chuyện điều chỉnh cơ chế giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Nguồn: internet
Ông Trần Xuân Châu, Vụ phó Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, quy định về thời hạn cho vay mua nhà đối với các cá nhân từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là bất hợp lý. Vì thế, đơn vị này sẽ đề xuất kéo dài thời hạn cho vay mua nhà từ 10 năm lên 15 năm. Việc kéo dài thời hạn cho vay được giải thích, nhằm tạo điều kiện cho người dân có thêm điều kiện để tích tụ vốn trả nợ, từ đó tự tin hơn khi đi vay mua nhà.

Trước đó, yêu cầu kéo dài thời hạn cho vay mua nhà từ gói 30.000 tỷ đồng cũng đã được nhiều đại diện khối doanh nghiệp, tổ chức kiến nghị. Thậm chí, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh còn đề xuất kéo dài thời hạn cho vay mua nhà đối với cá nhân lên đến 20 năm, nhưng không được chấp nhận. Điều này khiến gói vốn hỗ trợ trở nên mất tính hấp dẫn, bởi một số ngân hàng thương mại đã cho vay mua nhà với thời hạn lên đến 15 - 20 năm.

Việc quy định thời hạn cho vay quá ngắn, cộng với các điều kiện cho vay ngặt nghèo khiến việc giải ngân cho vay mua nhà từ gói tín dụng hỗ trợ bất động sản trên thực tế rất thấp.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến giữa tháng 12/2013, việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng chỉ đạt 555 tỷ đồng (trong đó, khách hàng là doanh nghiệp đã được vay 205 tỷ đồng, khách hàng cá nhân được vay 350 tỷ đồng), chưa đạt 2%. Đến ngày 10/2/2014, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, mới giải ngân được khoảng 2,8%, trong đó khách hàng là doanh nghiệp được giải ngân trên 308 tỷ đồng, khách hàng cá nhân đã giải ngân gần 482 tỷ đồng. Do việc triển khai quá chậm nên gói tín dụng đã không có nhiều tác động tích cực đến thị trường bất động sản như kỳ vọng của các chủ đầu tư và người mua nhà.

Bình luận về khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo dài thời hạn cho vay mua nhà từ gói tín dụng hỗ trợ, ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land cho rằng, việc kéo dài thời hạn cho vay mua nhà là một tín hiệu tích cực, nhưng vẫn khó có tác động đột biến đến thị trường bất động sản trong ngắn hạn.

Theo ông Hà, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chỉ có thể tạo cú huých rõ rệt khi đồng thời kéo dài thời hạn cho vay với việc đơn giản hóa thủ tục và lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm. “Bởi nếu vẫn giữ lãi suất 5% như hiện nay, cùng với điều kiện cho vay ngặt nghèo, tiến độ giải ngân gói tín dụng sẽ khó được cải thiện”, ông Hà nói.

Thừa nhận đề xuất kéo dài thời hạn cho vay gói 30.000 tỷ đồng là một nỗ lực của đơn vị liên quan trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ thị trường của Chính phủ, song ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội cũng cho rằng, việc này không giúp tăng lượng giải ngân gói hỗ trợ. Theo ông Trung, vấn đề cốt lõi của gói 30.000 tỷ đồng hiện nay là làm sao chuyển một chính sách chỉ mang màu sắc xã hội thành một công cụ thị trường. Bởi chính sách nếu quá thiên về yếu tố hỗ trợ sẽ tạo nên cơ chế xin - cho. Chỉ khi nghiêng về khía cạnh thị trường thì các bên mới cảm thấy có trách nhiệm và quyền lợi trong việc đẩy nhanh gói vốn tín dụng này.

Cũng cho rằng việc kéo dài thời hạn cho vay mua nhà từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là một nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan, nhưng ông Trương Chí Kiên, Phó tổng giám đốc CTCP Him Lam Thủ đô cho rằng, thị trường bất động sản sẽ không vì thế mà ấm lên, hay việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng sẽ tốt hơn.

Theo ông Kiên, để đẩy mạnh việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, ngoài việc kéo dài thời gian cho vay, cần tiếp tục mở mở rộng đối tượng vay, đơn giản hóa thủ tục. Đặc biệt, phải tăng nguồn cung sản phẩm đáp ứng đủ các tiêu chí vay gói tín dụng.

“Nếu kéo dài thời hạn vay, mở rộng đối tượng, nhưng người có nhu cầu mua nhà không có sản phẩm để lựa chọn, thì việc giải ngân gói tín dụng này cũng rất khó”, ông Kiên nói.

Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa có văn bản chỉ đạo Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp đã ban hành, gắn với Chiến lược nhà ở quốc gia và thực hiện Nghị định 188/2013 về nhà ở xã hội. Đối với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ những tháng đầu của năm 2014.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một số doanh nghiệp  cho rằng, nút thắt chính của gói 30.000 tỷ đồng là đối tượng vay vốn cũng như danh sách ngân hàng tham gia cho vay quá hẹp và quy trình thủ tục vay vốn khó khăn. Vì thế, một giải pháp đơn lẻ là kéo dài thời hạn cho vay dẫu là tin tốt, nhưng cần kết hợp với các giải pháp gỡ nút thắt khác thì mới có thể tạo nên lực đẩy đủ mạnh đối với gói hỗ trợ nói riêng và cả thị trường bất động sản nói chung.