Gói tín dụng 50.000 tỷ và kỳ vọng triển khai trên thực tế

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) “Hào hứng” là trạng thái chung của nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản tại Hà Nội khi được hỏi về gói tín dụng trị giá 50.000 tỷ đồng.

Gói tín dụng 50.000 tỷ và kỳ vọng triển khai trên thực tế
“Hào hứng” là trạng thái chung của nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản tại Hà Nội khi được hỏi về gói tín dụng trị giá 50.000 tỷ đồng.

Khan hàng

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, lượng hàng bất động sản tồn kho tại Hà Nội đã giảm đáng kể từ đầu năm 2013 đến nay. Cụ thể, tính đến hết tháng 12/2013 đã giảm 20,94% so với tháng 3/2013, trong đó, tồn kho căn hộ giảm 1.998 căn, còn tồn 3.458 căn; nhà thấp tầng giảm 227 căn, còn tồn kho 3.122 căn.

Trong 2 tháng đầu năm 2014 (tính đến ngày 25/2/2014), tổng số tồn kho trên địa bàn Hà Nội tiếp tục giảm gần 369 tỷ đồng (giảm 2,8%); trong đó tồn kho căn hộ chung cư là 3.164 căn (giảm 294 căn); nhà thấp tầng là 3.096 căn (giảm 26 căn).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá, lượng tồn kho ở cả hai phân khúc trên chủ yếu tập trung ở những khu vực xa trung tâm Thành phố, chưa có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hoặc những căn hộ có diện tích lớn (trên 100 m2), giá bán cao.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thái Minh Quang cho biết, thị trường căn hộ chung cư Hà Nội hiện đang khan hàng, các sàn giao dịch chỉ có khoảng hơn 3.000 căn hộ để săn lùng và chào bán, nên cạnh tranh rất gắt gao. Ưu tiên số một của các sàn là lựa chọn các căn hộ đang hoàn thiện và có thể bàn giao cho khách hàng trong vòng 3 tháng, tiếp đến là các dự án đã xong móng, có tiến độ tốt.

Theo ông Giang, sau khi gói tín dụng 50.000 tỷ đồng ra mắt, nhiều chủ đầu tư tỏ ra rất hứng khởi đón nhận, nhất là các chủ đầu tư có dự án triển khai dở dang nhưng thiếu vốn.

“Nếu các dự án dở dang được vay vốn để tiếp tục triển khai ngay thì chỉ khoảng quý III hoặc quý IV/2014, thị trường sẽ có thêm nhiều sản phẩm để chào bán”, ông Giang nói và bày tỏ hy vọng thị trường bất động sản Hà Nội sẽ khởi sắc hơn khi lượng hàng phong phú lên.

Băn khoăn điều kiện vay

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư tỏ ra băn khoăn khi điều kiện để tham gia gói tín dụng này chưa được công bố rõ ràng.

Theo ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), gói tín dụng 50.000 tỷ đồng được triển khai theo mô hình chuỗi sản phẩm khép kín 4 nhà: “ngân hàng người mua - chủ đầu tư, nhà thầu - nhà tổ chức cung ứng, sản xuất vật liệu xây dựng - ngân hàng người bán” là một sản phẩm thương mại bình thường, nên công tác thẩm định và yêu cầu dự án phải tuân thủ theo nguyên tắc tín dụng thông thường, trong đó lãi suất được tính theo mặt bằng lãi suất thị trường. Một trong những đối tượng mà gói tín dụng tập trung hỗ trợ là những dự án đang thi công dở dang, giúp dự án có nguồn vốn triển khai tiếp để đưa sản phẩm ra thị trường, góp phần giảm tồn kho bất động sản.

Điểm mới của chuỗi liên kết này, theo ông Mai, nếu chủ đầu tư đang là con nợ ở một ngân hàng khác, khi tham gia dự án lại được mở tài khoản tại một trong các ngân hàng liên minh. Thông thường, khi có nguồn tiền chuyển về, ngân hàng chủ nợ sẽ cắt gốc và lãi xong rồi mới trả lại tiền cho công trình. Nhưng liên minh của Ngân hàng Xây dựng thống nhất, khi tham gia chuỗi cung ứng, nếu chủ đầu tư là con nợ ở Ngân hàng B, khi có nguồn tiền về, Ngân hàng B vẫn cho tiền chảy qua để hoàn thiện công trình và bán sản phẩm trong chuỗi sản phẩm 4 nhà đã được thẩm định và ký kết, cho đến khi chủ đầu tư có lợi nhuận sẽ trả lãi và gốc.

Chủ đầu tư một dự án lớn tại Hà Nội sau 2 năm tạm dừng xây dựng, đến nay đang tái khởi động lại, chia sẻ, đa phần các dự án dang dở đã phải thế chấp dự án để vay ngân hàng trước đây, nay muốn vay tiếp theo gói tín dụng này thì phải làm sao, khi không thể thế chấp dự án 2 lần ở 2 ngân hàng khác nhau? Ngân hàng đã thế chấp dự án để vay trước đây lại không nằm trong số các ngân hàng cam kết tham gia liên minh thì sao? Hay như việc chủ đầu tư phải có phương án trả nợ nhưng đã “trót” huy động vốn của khách hàng quá lớn, nay có hoàn thành dự án cũng chỉ để bàn giao cho khách, còn khoản tiền thu về không đủ trả ngân hàng cả lãi và gốc có được vay không? Khi vay từ gói tín dụng này nhưng không muốn mua vật liệu xây dựng từ Thiên Thanh có được không?...

Ông Mai cho rằng, thực ra mô hình liên kết 4 nhà không có gì mới. Điểm khác biệt của gói tín dụng này so với các gói cho vay trước đây là không cần tài sản đảm bảo, bởi cho vay trên hàng hóa cung ứng khi đầu ra dự án được đảm bảo dựa trên việc cam kết cấp tín dụng của một ngân hàng lớn hay một định chế tài chính lớn. Nghĩa là chủ đầu tư cung ứng hàng hóa đến đâu, ngân hàng sẽ định giá hàng hóa đó rồi cho vay trên tỷ lệ nhất định tới 70%. Các khoản vay mới cho chủ đầu tư đang có khoản vay ở ngân hàng khác được tính toán cân đối và an toàn trên khoản vay mới và độc lập với khoản vay cũ. Chính vì thế, các ngân hàng liên minh đồng thuận cũng là việc bình thường.