Hà Nội quyết thu hồi dự án treo

Theo Diệu Hoa/diendanbatdongsan.vn

UBND TP. Hà Nội vừa có Văn bản số 2622/UBND-ĐT, giao các sở ngành, địa phương kiên quyết thực hiện chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi đất do không đưa vào sử dụng.

Dự án Khu nhà vườn sinh thái Đồng Quang được giao đất hơn chục năm vẫn chỉ là cánh đồng lúa. Nguồn: diendanbatdongsan.vn
Dự án Khu nhà vườn sinh thái Đồng Quang được giao đất hơn chục năm vẫn chỉ là cánh đồng lúa. Nguồn: diendanbatdongsan.vn

Mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Văn bản số 2622/UBND-ĐT, thực hiện các nội dung kiến nghị của HĐND TP tại Báo cáo số 20/BC-HĐND ngày 28/7/2021 của HĐND Thành phố, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 8.

Theo đó, UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, Xây dựng, Cục Thuế TP. Hà Nội, căn cứ các nội dung kiến nghị của HĐND Thành phố, xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2023 việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố với các nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả; báo cáo UBND Thành phố trong tháng 8/2021 để xem xét, chỉ đạo.

UBND Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND, UBND Thành phố tại các văn bản liên quan để chủ động, tiếp tục thực hiện các giải pháp, biện pháp kiểm tra, đôn đốc, xử lý các vi phạm.

Trước đó, tại Báo cáo số 20/BC-HĐND ngày 28/7/2021, Thường trực HĐND Thành phố kết luận, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của HĐND Thành phố, gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND Thành phố và kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND Thành phố, kết quả đạt rất thấp mặc dù UBND Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các tồn tại, hạn chế trong xử lý vi phạm dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Cụ thể, theo báo cáo trên, nhóm 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt. Báo cáo cũng cho thấy, nhóm 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật đến thời điểm tháng 5/2021.

Điệp khúc bỏ hoang

Trong một văn bản hồi đáp ý kiến cử tri hồi giữa năm 2020, UBND TP. Hà Nội cho biết, tại Thủ đô có tới hơn 300 dự án “treo” rải rác khắp các địa bàn quận, huyện, khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, người dân sống trong vùng quy hoạch dự án, gặp khó khăn, đặc biệt là vấn đề lãng phí tài nguyên đất…

Không ít dự án được quy hoạch có tuổi đời từ 10 đến 20 năm vẫn nằm “đắp chiếu”, khiến quỹ đất hoang hóa ngày một gia tăng; đáng nói, ngoài việc đất bị bỏ hoang thì tại một số dự án cũng đang xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, chiếm dụng, gia tăng vấn đề mất trật tự, văn minh đô thị.

Lý giải về việc chậm thu hồi những dự án này, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho rằng thu hồi những dự án bê trễ kéo dài đã được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư, nhưng quá trình thực thi gặp nhiều khó khăn do quy trình quá cồng kềnh.

Việc xem xét kiến nghị chấm dứt hoạt động dự án cũng còn nhiều hạn chế, nhất là với những dự án đã thực hiện một số thủ tục ban đầu, đã bỏ kinh phí đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật…

Ngoài ra, một số dự án có hồ sơ pháp lý nhưng thực tế tình hình triển khai phức tạp, vẫn đang trong giai đoạn thanh tra, điều tra nên cần có thêm thời gian kết luận từ cơ quan có thẩm quyền.

“Pháp luật dành cho chủ đầu tư 24 tháng để thanh lý tài sản trên đất hoặc bán cho nhà đầu tư khác, nhưng lại không hướng dẫn có được triển khai tiếp hay lập dự án mới hay không khiến việc xử lý tài sàn đi vào ngõ cụt”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay.

Lãng phí nguồn thu của nhà nước

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS., KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, chậm thu hồi dự án bê trễ là hậu quả của sự thiếu kiểm soát và xử lý về việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án nên dẫn đến thực trạng hiện nay.

Trong khi đó, theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường việc các dự án chậm tiến độ còn vướng mắc ở chỗ khi nhận giao đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó đến nay thu hồi tài sản gắn liền với đất gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Võ, dù khung pháp lý có thể chưa hoàn thiện nhưng quy định của pháp luật về việc này đã có, hoàn toàn có thể tiến hành thu hồi đất ở những dự án chậm tiến độ, còn tài sản đầu tư trên đất có thể tính toán sau.

"Với đất đai, đặc biệt những khu “đất vàng” không thể để lãng phí, chậm thu hồi ngày nào là mất mát, lãng phí nguồn thu của nhà nước trên tài sản ngày đó, đồng thời tạo nên các tiêu cực. Việc thu hồi được hay không nằm rất nhiều ở ý chí kiên quyết thu hồi của chính quyền địa phương, không để chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở như xin điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian đắp chiếu dự án" - ông Võ nhấn mạnh.