Hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm: An toàn là trên hết

Phùng Tuấn

TCTC Online - Lâu nay, các doanh nghiệp bảo hiểm thường đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: tiền gửi, trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản, góp vốn tại các doanh nghiệp nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn vốn và mang đến giá trị cho khách hàng. Bối cảnh khó khăn của nền kinh tế và hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đòi hỏi các do­anh nghiệp bảo hiểm phải có chiến lược đầu tư dựa trên nguyên tắc: đảm bảo hoạt động đầu tư an toàn, hiệu quả nhằm bảo toàn và phát triển vốn của cổ đông và khách hàng.

Từ điểm sáng của Tập đoàn Bảo Việt…

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 của Tập đoàn Bảo Việt cho thấy: Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.027 tỷ đồng, tăng trưởng 54,4%; Tổng doanh thu hợp nhất đạt 7.720 tỷ đồng, tăng trưởng 10,2% so với 6 tháng đầu năm 2011. Đây là kết quả rất ấn tượng của toàn Tập đoàn trong cảnh khó khăn của toàn thị trường. Tuy nhiên, điều khiến nhiều chuyên gia tài chính đánh giá cao và coi đó là “điểm sáng” của Tập đoàn Bảo Việt, đó là: Dù trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế và cạnh tranh khốc liệt của các DN ngoại, ngoài việc tiếp tục đạt tăng trưởng vững chắc và hiệu quả trong lĩnh vực bảo hiểm, thì các lĩnh vực kinh doanh khác của Tập đoàn này như hoạt động đầu tư đều đạt kết quả khả quan. Cụ thể, báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của Tập đoàn Bảo Việt cho thấy: Lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính đạt 1.112 tỷ đồng, tăng 450 tỷ đồng so với 6 tháng năm 2011, tương đương với tỷ lệ tăng trưởng 67,9%. Trong khi đó, xét trên khía cạnh lĩnh vực, cơ cấu lợi nhuận trước thuế hợp nhất của dịch vụ tài chính và hoạt động khác (thu nhập từ hoạt động đầu tư, hoạt động quản lý quỹ và kinh doanh chứng khoán) đạt 321 tỷ đồng tương đương với tỷ lệ đóng góp 31,2%.

Lý giải về thành công ấn tượng này, ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc Quản lý hoạt động của Tập đoàn Bảo Việt chia sẻ: Trong những năm gần đây, nhận thức được những rủi ro có thể phát sinh trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, Tập đoàn Bảo Việt đã tập trung đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, rà soát và cơ cấu lại danh mục đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và tối ưu hóa lợi nhuận cho cổ đông. Mục tiêu định hướng hoạt động đầu tư năm 2012 cũng như trong những năm tới là đảm bảo hoạt động đầu tư an toàn, hiệu quả nhằm bảo toàn và phát triển vốn của cổ đông và khách hàng thông qua hoàn thiện qui trình, qui định về quản lý đầu tư; tăng cường công tác quản lý rủi ro và kiện toàn tổ chức bộ máy của hoạt động đầu tư; áp dụng công nghệ tin học để cảnh báo rủi ro tích tụ và quản lý, giám sát vốn đầu tư của Tập đoàn trong toàn hệ thống.

Hiệu quả đầu tư: An toàn là trên hết

Trên thế giới, ngoài nguồn thu từ kinh doanh bảo hiểm đơn thuần, lợi nhuận của nhiều tập đoàn bảo hiểm lớn chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư sang các lĩnh vực khác. Ở Việt Nam, những năm gần đây, một số DN bảo hiểm cũng đã xác định mở rộng đầu tư sang một số lĩnh vực nhằm đem lại hiệu quả hoạt động cao hơn. Hơn nữa, dưới áp lực cạnh tranh ngày càng cao, phí bảo hiểm giảm, trong khi chi phí bồi thường có xu hướng tăng, kinh doanh bảo hiểm khó khăn thì hoạt động đầu tư trở thành nguồn thu chính cho hầu hết DN bảo hiểm.

Đối với các DN bảo hiểm, đặc biệt là DN bảo hiểm nhân thọ, tính an toàn và thanh khoản phải được đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo khả năng chi trả cho khách hàng. Cơ cấu đầu tư của các DN luôn có tính an toàn cao, với khoảng 60% tổng tài sản đầu tư vào trái phiếu chính phủ, 15% tổng tài sản đầu tư vào tiền gửi ngân hàng. Chẳng hạn với Bảo Việt Nhân thọ, trong cơ cấu đầu tư (ứng với biến khả năng thanh toán tối thiểu cuối kỳ), tính đến tháng 6 năm 2012, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt 429,939 tỷ đồng (chiếm 42,58%), góp vốn vào các DN khác đạt 191,475 tỷ đồng (chiếm 18,96%), ủy thác đầu tư và đầu tư khác đạt 388,285 tỷ đồng (chiếm 38,46%). Cơ cấu đầu tư này có thể giúp Bảo Việt Nhân thọ yên tâm về thanh khoản, có một lượng tiền cố định để đảm bảo khả năng chi trả cho khách hàng. Hay như đầu tư trái phiếu chính phủ cũng mang đến lợi tức ổn định cho không ít DN bảo hiểm. Đầu tháng 4/2012, Prudential Việt Nam quyết định chi thưởng bảo tức trị giá 430 tỷ đồng cho khoảng 104.000 khách hàng của Công ty nhờ kết quả hoạt động đầu tư tốt hơn mong đợi, khi mục tiêu đầu tư đã đạt được lợi nhuận ổn định thông qua việc lựa chọn đầu tư vào các loại tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu chính phủ, trái phiếu đô thị, trái phiếu DN…

Một số ý kiến cho rằng, doanh thu từ hoạt động đầu tư của các DN bảo hiểm dù tăng nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Bên cạnh đó, nhìn vào danh mục đầu tư của các DN bảo hiểm thì có thể dễ dàng nhận thấy đây là những danh mục đầu tư luôn đem lại thu nhập ổn định, an toàn trong giai đoạn nền kinh tế bất ổn. Nhưng khi nền kinh tế phục hồi, thị trường tài chính được cải thiện, nếu cơ cấu đầu tư như vậy vẫn được duy trì sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn do tỷ suất lợi nhuận đem lại tương đối thấp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong mấy năm qua, bối cảnh chung của nền kinh tế không thuận lợi và đầy rủi ro, các hoạt động đầu tư của các DN bảo hiểm gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, chiến lược đầu tư năm 2012 cũng có nhiều thay đổi. Theo đó, các DN đều đặt mục tiêu giữ an toàn nguồn vốn, chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh ít rủi ro và thực sự sinh lời. Hiện các DN bảo hiểm đều hạn chế việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, cổ phiếu và tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao hiệu quả từ các công ty góp vốn, gửi vốn vào ngân hàng hoặc mua trái phiếu Chính phủ.

Chia sẻ quan điểm này, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng: Mặc dù có nhiều tín hiệu tốt của nền kinh tế, song thị trường chứng khoán vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng mang dấu hiệu bứt phá, thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn, lãi suất huy động ngân hàng giảm mạnh (hiện còn 9%/năm). Những dấu hiệu trên cho thấy việc đầu tư tài chính từ vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ của DN bảo hiểm đang gặp khó khăn về danh mục đầu tư, giữa rủi ro và an toàn cũng như đem lại lãi suất không cao. Nếu DN bảo hiểm nào còn trông cậy vào lấy lãi đầu tư tài chính để bù đắp cho lỗ nghiệp vụ bảo hiểm thì rất khó chi trả cổ tức dưới 9%/năm như đã cam kết với cổ đông và khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các DN cần hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như cổ phiếu, bất động sản... Đồng thời, các DN bảo hiểm phải luôn tuân thủ quy định về trích lập dự phòng nghiệp vụ và thận trọng trong việc sử dụng cơ sở kỹ thuật để tính toán dự phòng nghiệp vụ.