Khan hiếm nguồn cung, giá nhà ở tiếp tục tăng

Theo Nguyên Hà/reatimes.vn

Nguồn cung nhà ở vẫn tập trung ở phân khúc trung - cao cấp, tuy nhiên, nguồn cung mới hạn chế khiến giá các dự án cũ tiếp tục tăng mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đây là thông tin vừa mới được Bộ Xây dựng công bố trong Báo cáo thị trường bất động sản quý II/2021.

Theo Bộ Xây dựng, trong quý II/2021, trên cả nước có 69 dự án với 27.462 căn được cấp phép (số lượng dự án bằng 73% so với quý trước và chỉ bằng khoảng 21% so với cùng kỳ năm 2020).

Các dự án đang triển khai xây dựng là 119 dự án với 352.575 căn, bằng 81% so với quý trước và bằng khoảng 79% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, có 34 dự án với 2.801 căn hoàn thành (số lượng dự án bằng khoảng 83% so với quý trước và chỉ bằng khoảng 47% so với cùng kỳ năm 2020).

Bộ Xây dựng nhìn nhận, nguồn cung nhà ở quý II vẫn tập trung ở phân khúc trung cấp và cao cấp, nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp còn rất hạn chế. Trong đó, nguồn cung nhà ở sơ cấp từ các dự án mở bán tiếp tục giảm so với năm 2020.

Tuy nhiên, giá căn hộ chung cư bình quân, đặc biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng khoảng 5 - 7% so với quý I. Đơn cử như một số dự án tại Hà Nội: Dự án Sunshine Garden tăng khoảng 5,9%, Xuân Mai Complex tăng khoảng 4,5%, Hòa Bình Green City tăng khoảng 5,1%, Stellar Garden tăng khoảng 6,4%, Seasons Avenue tăng khoảng 5%, Xuân Mai Complex tăng khoảng 5,4%. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, dự án Cantavil An Phú - Cantavil Premier tăng khoảng 7,1%, Opal Riverside tăng khoảng 6,3%, New City Thủ Thiêm tăng khoảng 5,2%, Sunview Town tăng khoảng 5,5%; tại Bình Dương là các dự án Opal Boulevard tăng khoảng 4,2%, Stown Phúc An tăng khoảng 5,7%.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng cho biết, dù giá tăng nhưng lượng giao dịch căn hộ chung cư không giảm, khoảng 100 - 105% so với thời điểm cuối năm 2020.

Cũng theo Bộ Xây dựng, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm như các quận/huyện như tại Hà Nội, dự án Le Grand tại quận Long Biên giá khoảng 28 triệu đồng/m2, dự án Vinhomes Ocean Park tại huyện Gia Lâm giá khoảng 28 triệu đồng/m2, dự án XPHomestar tại huyện Đan Phượng có giá khoảng 20 triệu đồng/m2; tại TP. Hồ Chí Minh, dự án The East Gate tại TP. Thủ Đức có giá khoảng 27 triệu đồng/m2, dự án Tecco Town tại quận Bình Tân có giá khoảng 24 triệu đồng/m2; tại Bình Dương, dự án Lavita tại TP. Thuận An có giá khoảng 26 triệu đồng/m2. Nguồn cung loại căn hộ này ngày một hạn chế trong khi nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều dẫn đến giá bán tiếp tục tăng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dù bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng thị trường bất động sản tại Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, thậm chí, một số phân khúc vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực, nhất là tại thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... Theo đó, các nhà đầu tư sẽ phát triển nhiều loại hình bất động sản mới nhằm cạnh tranh hơn như secondhome, farmhome, homestay. Nhờ đó, người mua được tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao hơn, phong phú hơn. Vị trí, cơ sở hạ tầng quanh dự án cũng như sự phát triển của thành phố nói chung sẽ được người mua quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là tại các dự án ở khu vực ngoại thành, bởi không phải ai cũng có khả năng chi trả cho một căn hộ nội đô chất lượng cao.

Tuy nhiên, tại một số tỉnh/thành phố (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…) xuất hiện hiện tượng trên các trang thông tin về bất động sản, rất nhiều đơn vị môi giới bất động sản đã mạo danh Chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc nhà ở xã hội. Các dự án bất động sản bỏ hoang còn tồn tại rất nhiều tại hầu hết các địa phương, gây lãng phí tài nguyên đất đai và làm mất mỹ quan đô thị.

Bộ Xây dựng đề xuất, các Bộ, ngành cần tiếp tục khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định 117/2015/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; nghiên cứu, trình ban hành và triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, ổn định và cân đối cung cầu nhà ở góp phần ổn định thị trường bất động sản.