Không thu hút đầu tư bằng mọi giá

Theo Kỳ Anh/Báo Hậu Giang

Vài năm trở lại đây, Hậu Giang được ví như “miền đất hứa” của các nhà đầu tư bất động sản nhờ hội tụ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Để tạo “cú hích”, tỉnh xác định phải biết lựa chọn nhà đầu tư để mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội.

Hiệu quả chưa cao

Ông Võ Công Khanh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang cho rằng: Hiện nay, hầu hết các dự án khu đô thị, khu dân cư thương mại làm thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đấu thầu đa phần sau khi nhà đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, chỉ xây dựng nhà ở với tỷ lệ rất thấp hoặc không có xây dựng nhà ở.

Điều này không tạo được quỹ nhà ở với quy mô, kiến trúc đồng bộ góp phần xây dựng đô thị hiện đại. Ngoài ra, công trình thương mại - dịch vụ và các công trình hạ tầng xã hội trong dự án, sau khi nhà đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án thì chỉ tập trung vào khai thác phần diện tích đất ở và nhà ở.

Trước tình trạng trên, ông Trần Thanh Lâm - Chánh Thanh tra tỉnh Hậu Giang cho biết, không nên thu hút, kêu gọi đầu tư bằng mọi giá. Công trình nhà ở xã hội đối với dự án dân cư thương mại thực tế một số dự án có dấu hiệu nhà đầu tư “dụ” người mua. Cam kết với chính quyền mà không được rà soát, kiểm tra kỹ, yêu cầu để từ đó kéo dài sau đó nhà đầu tư bán hết nền, không đầu tư hoặc chậm đầu tư.

“Từng dự án một phải yêu cầu hoặc đề nghị nhà đầu tư cam kết, lộ trình đầu tư như thế nào, trên cơ sở đó kiểm tra nếu nhà đầu tư không làm đúng cam kết, đúng yêu cầu thì không nghiệm thu hạ tầng và không nghiệm thu đủ điều kiện để chuyển nhượng. Nhiều dự án có dấu hiệu này, thậm chí có thời gian một số dự án nhà đầu tư xin điều chỉnh cơ cấu gì đó các thứ theo hướng không làm hạng mục này luôn”, ông Trần Thanh Lâm đề xuất.

Ông Đồng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng phải xem lại qua quá trình kêu gọi đầu tư, rồi quá trình các nhà đầu tư đến Hậu Giang, đến giờ tỉnh được gì và không được gì? hiệu quả về kinh tế, chính trị, xã hội.

Tại cuộc họp với các sở, ngành mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh chỉ ra rõ: Về nông nghiệp, đầu tư còn hạn chế, chưa hiệu quả. Tỉnh Hậu Giang có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang với tổng diện tích là 5.200ha. Qua mời gọi chỉ được khoảng 4 nhà đầu tư vào nhưng hiệu quả khu này chưa có, sử dụng trồng các loại cây nhưng cũng không hiệu quả. Gần đây, có những nhà đầu tư mới, nhưng đầu tư với diện tích nhỏ (trồng dưa lưới, chế biến phân sinh học).

Đối với lĩnh vực công nghiệp, có khoảng 48 nhà đầu tư vào khu công nghiệp nhưng chỉ dừng lại ở chỗ giải quyết việc làm, còn đóng góp cho ngân sách địa phương thì không nhiều. Và tiềm tàng là vấn đề môi trường, nếu quản lý không chặt thì việc ô nhiễm môi trường có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào.

Đối với các dự án về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đến thời điểm này có khoảng 96 dự án. Các dự án này đang thực hiện đếm trên đầu ngón tay, số còn lại mới lựa chọn được nhà đầu tư khoảng 15 dự án, còn 75 dự án đang trong quá trình lập quy hoạch.

Thực tế cho thấy, số lượng đăng ký vào nhiều nhưng triển khai thực hiện rất chậm. Thậm chí, có những đơn vị đăng ký vào diện tích rất lớn, gần 100ha, mới nhất có đơn vị xin làm hơn 200ha. Ngoài hiệu quả về mặt kinh tế còn về mặt quy định pháp luật đó là quy định về giữ diện tích đất lúa. Do đó, không phải cứ nhà đầu tư vào là “lấy đất lúa giao cho nhà đầu tư”.

Đó là chưa kể tập trung cho phát triển công nghiệp, rồi đầu tư đất cho quốc phòng, hạ tầng giao thông, điện, nước, trường học, y tế… Giai đoạn này, tỉnh đầu tư rất nhiều tuyến đường để thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là 3 tuyến đường cao tốc đi qua tỉnh, riêng của tỉnh khoảng 5 đến 6 tuyến đường.

Cùng lúc, tập trung cho công nghiệp ở huyện Châu Thành, Châu Thành A nên thu hồi diện đất khá lớn, dự kiến khoảng 1.400ha đất lúa. Như vậy thì cộng lại những cái đầu tư như thế này thì diện tích đất lúa vào khoảng 8.000ha nên phải rà soát lại cái nào đầu tư được, đầu tư có hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, chính trị để tính toán đầu tư.

Cân nhắc rất kỹ

“Phải chuyển tư duy không phải cứ đến đầu tư là khoái, mà bây giờ đến đầu tư ở Hậu Giang là phải biết lựa chọn nhà đầu tư nào cho có hiệu quả chứ không phải xí phần cặm ranh đất rồi kiếm người khác bán lại lấy lời. Nếu mình ép quá thì làm cầm chừng, cứ hôm nay kiếm chuyện này, ngày mai kiếm chuyện khác để kéo dài thời gian thực hiện dự án. Đừng thấy đông mà khoái, khi triển khai các dự án ra mà không có ai vô ở trong dự án này nó sẽ tạo ra áp lực với chính quyền, với các cơ quan chuyên môn”, ông Đồng Văn Thanh khẳng định.

Để giải quyết tình trạng này, người đứng đầu UBND tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, tính toán lại kỹ giờ mở dân cư hay mở gì khác, quan trọng là làm cho hiệu quả. Bởi chỉ tính riêng thành phố Vị Thanh đã có hơn 20 dự án, có những dự án trên 200ha. Thực tế cho thấy, nhiều dự án khu dân cư số người dân vào cất nhà rất khiêm tốn. Tất nhiên, phải tính tới việc không những người dân địa phương phát triển dân số trong điều kiện bình thường, tăng dân số tự nhiên, mà còn những nơi tăng dân số cục bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết thêm: “Chúng ta tập trung vào huyện Châu Thành và Châu Thành A để phát triển công nghiệp, ở đó thì lượng công nhân sẽ về đó và chúng ta đầu tư các căn nhà ở xã hội, những căn nhà với giá cả phải chăng thì công nhân cũng sẵn sàng ở đó thôi. Mình bố trí các khu dân cư khác thì ở đâu có người về ở thì mình cũng tính toán, nghĩa là có điều kiện gì người ta mới về ở. Phải cân nhắc rất kỹ trong việc lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng, có năng lực để người ta đầu tư vào một khu dân cư thật là đẹp, chúng ta đầu tư có trọng tâm, chứ không phải đầu tư tràn lan về phát triển nhà ở”.

Trước mắt, tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu các ngành chức năng rà soát lại hết, làm cơ sở để phê duyệt kế hoạch quy hoạch sử dụng đất của giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030. Cùng với đó, xây dựng một số cơ chế riêng của tỉnh, dựa trên hướng dẫn của bộ, ngành như: quy định những tuyến đường nào, phải xây dựng như thế nào? Xác định rõ cái nào buộc nhà đầu tư làm thì đầu tư xong mới được bán, cái nào Nhà nước đầu tư thì trách nhiệm của Nhà nước, không lấy cái Nhà nước đầu tư ràng buộc cho doanh nghiệp.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: “Đối với các dự án nhà đầu tư được UBND tỉnh đã có công văn chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư tài trợ lập quy hoạch chi tiết, đến nay nhà đầu tư chưa có phương án quy hoạch được phê duyệt, nhiệm vụ quy hoạch đã quá hạn trong thời gian 9 tháng thì đề nghị thu hồi. Trên tinh thần cơ bản là rạn lại, nếu không được rút ngay, không để kéo dài”.