“Lỗ hổng pháp lý” gọi vốn cộng đồng bất động sản

Theo Lê Sáng/batdongsan.enternews.vn

Thời gian qua, bất chấp đại dịch COVID-19 mô hình kêu gọi vốn cộng đồng của một số doanh nghiệp bất động sản vẫn rộ lên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Liệu đây có thực sự là cơ hội kiếm tiền dễ dàng hay chỉ là “miếng pho mát trên bẫy chuột” đang chờ các nhà đầu tư. 

Khi gõ cụm từ “crowdfunding+bất động sản”, hệ thống tìm kiếm của google sẽ nhanh chóng trả về hơn 39.000 kết quả liên quan. Trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok… cũng nở rộ các thông tin về hình thức huy động vốn từ cộng đồng (crowdfunding) với những bức tranh lợi nhuận “như mơ”.

Nở rộ giữa mùa dịch

Khi những ồn ào liên quan đến việc Công ty BĐS M.Land kêu gọi góp vốn từ các nhà đầu tư cộng đồng với khả năng tăng đến 70 lần tài sản chỉ sau 4 năm rót vốn (thông qua việc tăng giá cổ phần của doanh nghiệp) chưa kịp lắng xuống thì mới đây thông tin về một doanh nghiệp đang muốn “bình dân hóa” đầu tư bất động sản là ứng dụng Phu Cuong Golden Land của Công ty Phú Cường lại nổi lên rầm rộ.

Theo quảng bá, ứng dụng của doanh nghiệp này, các dự án BĐS được chia thành nhiều phần để các nhà đầu tư cùng tham gia. Các gói đầu tư sẽ được đánh mã số hợp đồng riêng để đảm bảo loại bỏ khả năng đầu tư vượt giá trị tài sản. Các nhà đầu tư có thể góp vốn để cùng đầu tư vào một sản phẩm và nhận về cả gốc lẫn lợi nhuận trong vòng 24 tháng.

Với việc các thông tin được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các mô hình kêu gọi vốn theo hình thức crowdfunding đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Tuy nhiên thực tế, quy định pháp lý về mô hình đầu tư BĐS thông qua huy động vốn cộng đồng tại Việt Nam đang bỏ ngỏ.

Cần có chế tài

Theo TS. Nguyễn Thúy Anh, giảng viên bộ môn Quản trị tài chính doanh nghiệp, trường ĐH Ngoại Thương, crowdfunding là một trong những hình thức huy động vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, ngoài các hình thức huy động vốn truyền thống khác. Hiện có nhiều nền tảng trang web crowdfunding ra đời, phát triển và nhận được đông đảo sự quan tâm từ cộng đồng, như FirstStep, Comicola.

Về hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động crowdfunding, cho đến nay, Việt Nam chưa có quy định cụ thể. Thậm chí, căn cứ vào Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, các hoạt động huy động vốn từ công chúng chưa được cấp phép là không hợp pháp (Điều 8 Khoản 2).

Từ thực tiễn các mô hình huy động vốn cộng đồng của một số doanh nghiệp BĐS đã và đang xuất hiện tại Việt Nam, dường như đã có sự “chuyển biến” từ việc huy động vốn khởi nghiệp sang đầu tư tài chính.

Theo TS. Thúy Anh thì bản thân hình thức crowdfunding (gọi vốn cho khởi nghiệp) tại Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên liên quan như ai sẽ được phép thực hiện huy động vốn theo hình thức này; tiêu chuẩn để thực hiện hoạt động này ra sao…

"Các cơ quan liên quan cần sớm cân nhắc việc ban hành đồng bộ các văn bản pháp lý để hướng dẫn thực hiện hoặc trước mắt ban hành một văn bản dưới luật để điều chỉnh các hoạt động crowdfunding tại Việt Nam làm căn cứ bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi bất trắc xảy ra"- TS. Thuý An cho biết.