Nếu gói 30.000 tỷ đồng bị thu hồi...

Theo motthegioi.vn

(Tài chính) Dù đây chỉ là phát biểu từ một đại biểu Quốc hội, nhưng thông tin có thể thu hồi gói 30.000 tỷ đồng khiến không nhiều người bất ngờ. Bởi thực tế, từ ngày ngày triển khai gói này đến nay, tốc độ giải ngân còn quá chậm và nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói này.

 Nếu gói 30.000 tỷ đồng bị thu hồi...
Thông tin có thể thu hồi gói 30.000 tỷ đồng khiến không nhiều người bất ngờ. Nguồn: internet

Do đó, theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, gói này có bị thu hồi cũng chẳng có gì là lạ. Có chăng, thay vì thu hồi thì nên chăng, nới rộng đối tượng được vay gói này.

Ông Nguyễn Văn Đực: Không nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Trao đổi với phóng viên, Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh, Phó giám đốc công ty Đất Lành cho rằng nếu gói 30.000 tỷ đồng có bị thu hồi như đề nghị của một số người thì cũng không ảnh hưởng đến thị trường là bao. Bởi thực tế, chỉ có vài doanh nghiệp được hỗ trợ cho vay gói 30.000 tỷ đồng. Khách quan mà nói, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng có mục đích rất tốt. Nó không chỉ giúp người dân có cơ hội mua được căn hộ giá tốt, giúp nhiều dự án được hồi sinh và giúp cả các doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được đăng ký gói này khi có nhà ở xã hội. Và thực tế, số lượng nhà ở xã hội (tức nguồn cung) cho gói hỗ trợ này không đủ. Do đó, thay vì cứ khăng khăng cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội thì có thể mở rộng đối tượng đối tượng doanh nghiệp được xét hỗ trợ gói này thì tác dụng sẽ nhiều hơn.

Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh nhiều doanh nghiệp xin chuyển đổi từ nhà diện tích lớn sang diện tích nhỏ, nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội rất khó khăn dù nhiều dự án đã chứng minh được dự án không tăng diện tích xây dựng, không làm tăng dân số quá 50%. Thực tế tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay số lượng dự án được chấp thuận chuyển sang nhà ở xã hội chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tin rằng, nếu gói này thành công thì cả người dân và doanh nghiệp đều có lợi.

Ông Lê Hoàng Châu: Nên chuyển một số dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội

Dù cho rằng thông tin thu hồi gói 30.000 tỷ đồng là không có cơ sở, nhưng Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu vẫn cho rằng cần có những thay đổi kịp thời để tăng tốc độ giải ngân gói này.

Theo ông Lê Hoàng Châu, các dự án nhà ở thương mại đang xây dựng dở dang có quy mô căn hộ nhỏ hơn hoặc bằng 70m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 cũng nên được tạo điều kiện để được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng góp phần giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sớm có sản phẩm cung ứng cho thị trường và góp phần giải quyết hàng tồn kho.

Qua đó, ông Châu cũng cho rằng UBND thành phố cần chỉ đạo giải quyết nhu cầu của các doanh nghiệp xin chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, dịch vụ, cơ cấu lại căn hộ lớn thành căn hộ quy mô vừa và nhỏ để cơ cấu lại sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và giải quyết hàng tồn kho.

“Đề nghị UBND thành phố công bố khu vực không cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, không cho phép cơ cấu lại căn hộ để các doanh nghiệp chủ động tìm giải pháp để giải quyết khó khăn của mình. Ngoài các khu vực trên, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các Sở sớm giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp. Trước hết là 6 dự án xin chuyển đổi thành nhà ở xã hội, 10 dự án xin cơ cấu căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ đã được Sở Xây dựng trình UBND thành phố, trong đó có dự án Chung cư 961 Hậu Giang, Quận 6 của Công ty Cổ phần An Phú, Chung cư của Intresco và Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai – Khu dân cư 6B xã Bình Hưng”… ông Châu cho biết.

Theo thông tin mới đây nhất từ Ngân hàng nhà nước. Tính đến ngày 28.2, gói 30.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 4%. Cụ thể, các ngân hàng cam kết cho vay khách hàng cá nhân với số tiền 1.013 tỷ đồng; giải ngân theo tiến độ cho 2.661 khách hàng với dư nợ 640 tỷ đồng.

Về phía doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam được ký hợp đồng tín dụng với 17 doanh nghiệp (19 dự án) trên cả nước với tổng số tiền cam kết giải ngân 1.701 tỷ đồng, trong đó, đã giải ngân cho 12 doanh nghiệp (13 dự án) với số tiền 566,5 tỷ đồng.

Với tốc độ giải ngân chậm như trên, xem ra đề đề xuất của các doanh nghiệp để tăng tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng có vẻ không phải là thừa.