Nguồn cung nhà ở xã hội thiếu trầm trọng

Theo Minh Tuấn/saigondautu.com.vn

Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội (NoXH) để hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng có khó khăn, thu nhập thấp tại khu vực đô thị và nông thôn. Tuy vậy, theo Bộ Xây dựng, nguồn cung NoXH hiện chỉ đạt 33% so với mục tiêu đề ra do gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kết quả hạn chế

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu NoXH trong toàn quốc trong giai đoạn  2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh khoảng 134.000 căn; Hà Nội 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn…

Giá nhà ở các TP lớn vẫn quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, khiến người có thu nhập trung bình và những người trẻ tuổi còn nhiều hạn chế. Vì về lâu dài, người dân cần thay đổi quan điểm sở hữu nhà ở sang có chỗ ở (thuê nhà). Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới và đang dần phổ biến tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Trần Nam,
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam 

Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết tính đến nay cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 198 dự án, với quy mô xây dựng hơn 81.700 căn hộ, tương đương 4,1 triệu m2. Hiện Chương trình phát triển NoXH cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành 98 dự án với hơn 40.700 căn hộ.

Chương trình phát triển NoXH dành cho công nhân khu công nghiệp, tính đến tháng 12/2018, có 100 dự án hoàn thành với quy mô hơn 41.000 căn hộ. Nhà ở cho học sinh, sinh viên đến nay đã có 89 dự án nhà hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí cho khoảng gần 200.000 sinh viên. Có 6 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng sinh viên, học sinh được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân 82%.

Để đẩy mạnh phát triển NoXH, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý NoXH đã được ban hành, với các quy định cụ thể về hỗ trợ, ưu đãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư phát triển NoXH.

Đặc biệt, ngày 25/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển NoXH, trong đó nêu rõ: “Các bộ, ngành và tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định việc phát triển NoXH, nhất là nhà ở cho công nhân là nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển NoXH”.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, kết quả đầu tư NoXH chỉ mới đạt được 33% so với mục tiêu phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 hơn 12 triệu m2 NoXH. Nguyên nhân do nguồn vốn đầu tư hạn chế, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, nhất là việc bố trí đủ quỹ đất để phát triển NoXH.

Đồng thời, một số cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa mặn mà trong việc đầu tư các dự án NoXH. Mức thu nhập của người dân còn thấp nhưng vẫn giữ tâm lý muốn mua để có sở hữu, không thích thuê nhà ở.

Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh vừa thực hiện khảo sát mẫu trên địa bàn TP, có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu NoXH trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, 10.000 hộ cán bộ công chức có  nhu cầu về NoXH; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo có 39.000 hộ; lao động trong khu công nghiệp có 17.000 hộ. Đa số trong các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê mua NoXH chiếm tỷ lệ 65-94%.

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, nhìn nhận công tác phát triển NoXH tại TP. Hồ Chí Minh chậm do gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài, thậm chí không thực hiện được. Đối với các dự án nhà ở thương mại (NoTM) có quy mô trên 10ha, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng NoXH, nhưng chủ đầu tư không bồi thường giải phóng mặt bằng, không đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Quỹ đất xây dựng NoXH chưa xác định cụ thể trong một số quy hoạch.

Loại hình NoXH chưa đa dạng; các căn hộ diện tích nhỏ 25-30m2, giá bán 300-400 triệu đồng/căn và nhà ở cho thuê, thuê mua còn ít. Nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ cho chủ đầu tư vay thực hiện dự án, các đối tượng được hưởng chính sách vay vốn mua nhà chưa ổn định. Nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách NoXH đến nay chưa được bố trí. 

Theo ông Nguyễn Văn Danh, muốn đẩy nhanh phát triển NoXH cần ưu tiên sử dụng quỹ đất nhà nước trực tiếp quản lý. Phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được từ các dự án NoTM để đầu tư NoXH. Xem xét cân đối, bố trí nguồn nguồn vốn từ ngân sách để Ngân hàng Nhà nước triển khai cấp bù lãi suất theo Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015. Nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, thủ tục đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư NoXH cho thuê, NoTM giá thấp. 

Hiện nay pháp luật về đấu thầu chưa có quy định về tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án NoXH. Vì vậy, ông Danh kiến nghị cho phép địa phương tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án sử dụng quỹ đất công theo quy định của Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 99/2015, Nghị định 100/2015.

Đồng thời, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định quy định về tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án NoXH, giao Bộ Xây dựng ban hành bộ thủ tục hành chính lựa chọn chủ đầu tư các dự án NoXH sử dụng đất công.