Nguồn cung sụt thê thảm, kỳ vọng nào cho thị trường bất động sản nửa cuối 2019?

Theo Nhật Minh/reatimes.vn

Thống kê về sự sụt giảm của nguồn cung bất động sản thê thảm đã đặt ra những e ngại về tình hình bất động sản nửa cuối năm 2019 sẽ là gam màu trầm.

Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh có sự sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Nguồn: internet
Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh có sự sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Nguồn: internet

Nguồn cung sụt giảm mạnh

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2019 của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản thành phố có sự sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở.

Trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư và 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai.

Sự sụt giảm thê thảm này đã khiến dư luận đặt ra nhiều e ngại và lo lắng bởi TP. Hồ Chí Minh vốn là một thị trường truyền thống. Sự chững lại của thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh có khả năng dẫn tới sự đóng băng toàn thị trường nói chung.

Trước đó, kết thúc quý I/2019, báo cáo từ các tổ chức nghiên cứu bất động sản cũng cho rằng, thị trường đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng và đặc biệt là tình trạng tồn đọng hàng. Điển hình nhất là trong dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, khi hành lang pháp lý còn chưa khơi thông thì bài toán tồn hang đang là một vấn đề tác động mạnh đến doanh nghiệp và thị trường.

Chưa kể, sự bất ổn từ việc xuất hiện hàng loạt các dự án bất động sản "ma", tình trạng bát nháo trong đầu tư và phân phối sản phẩm đã khiến thị trường mất đi tính minh bạch và yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững.

Bối cảnh đó khiến giới chuyên cho rằng, bất động sản không phải là một kênh đầu tư mang tính bền vững mà đơn thuần là đầu tư lướt sóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Rủi ro tồn đọng vốn do tính thời vụ, rủi ro về mặt pháp lý thiếu đảm bảo, rủi ro về những cơn sóng bất ngờ trên thị trường.

Còn kỳ vọng cho thị trường bất động sản nửa cuối 2019?

Dù hiện tại, thị trường bất động sản vẫn đang được đánh giá là còn nhiều rủi ro song ở góc độ lạc quan vẫn còn nhiều cơ hội lớn. Tại "Diễn đàn đầu tư bất động sản 2019: Rủi ro và cơ hội", ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, chỉ số tiêu dùng Việt Nam tương đối tốt và dường như người Việt Nam đang có thu nhập tốt hơn, sức mua bất động sản của người dân vẫn lớn. Đặc biệt, nhu cầu của những nhà đầu tư mua nhà cho thuê, mua nhà để tích luỹ tài sản là rất lớn. Nhận định này cho thấy, lực cầu trên thị trường bất động sản Việt sẽ là chìa khóa để tạo ra gam màu sáng cho bức tranh nói chung.

Những tín hiệu vĩ mô đang trở thành một động lực để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển nhanh. Tăng trưởng GDP tốt và ổn định, vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh, trong đó, tỷ trọng đầu tư vào bất động sản rất lớn là những bệ phóng cho thị trường bất động sản.

- TS. Trần Đình Thiên -

Một lực đỡ khác cho thị trường bất động sản Việt nửa cuối năm 2019 đến từ bức tranh kinh tế vĩ mô. Trả lời PV báo chí, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng cho rằng: “Những tín hiệu vĩ mô đang trở thành một động lực để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển nhanh. Tăng trưởng GDP tốt và ổn định, vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh, trong đó, tỷ trọng đầu tư vào bất động sản rất lớn là những bệ phóng cho thị trường bất động sản”.

Báo cáo mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, đà tăng trưởng của Việt Nam chậm lại kể từ đầu năm, nhưng triển vọng vẫn tích cực. WB nhận định ngành dịch vụ đạt kết quả tốt - dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước và đặc biệt là tiêu dùng tư nhân vẫn tăng bền vững. Tỷ lệ nợ trên GDP giảm từ mức đỉnh 63,7% năm 2016 xuống còn khoảng 58,4% năm 2018. Và mục tiêu tăng trưởng đạt mức 6,6 - 6,9% trong năm 2019 đã đặt ra là khả thi đối với Việt Nam. Những nhận định về các chỉ sổ kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục đặt ra kỳ vọng về bức tranh sáng cho thị trường bất động sản.

Chưa kể, giới quan sát cũng nhận định, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam nhiều cũng hỗ trợ không nhỏ cho khả năng thanh toán cho các sản phẩm bất động sản. Chính sách cho người nước ngoài mua bất động sản ở Việt Nam được cho là nhân tố có những tác động tích cực đến thị trường. Trong khi đó, việc dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây cũng tác động tốt đến thị trường bất động sản. 

Thế nên, dù còn nhiều thách thức song thị trường bất động sản Việt Nam nửa cuối năm 2019 vẫn đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những dấu hiệu tích cực.