Nhiều dự án địa ốc từ chối giảm giá

Tú Ân (Báo Đầu tư)

Làn sóng giảm giá đã lan rộng ra khắp thị trường bất động sản (BĐS) trên cả nước, nhưng vẫn có không ít chủ đầu tư dự án nhất quyết không giảm giá.

 Nhiều dự án địa ốc từ chối giảm giá
Keppel Land Ltd., thuộc Tập đoàn Keppel Corporation (Singapore) đang có 18 dự án BĐS được cấp phép tại Việt Nam, trong đó, 8 dự án như Villa Riviera, Riviera Cove, The Estella… đã hoàn tất hoặc đang trong giai đoạn hoàn thiện. Điểm đặc biệt của các dự án này là không bị cuốn vào làn sóng giảm giá, mà vẫn giữ nguyên giá bán.

Ông Linson Lim, Chủ tịch Keppel Land Việt Nam cho biết, quan điểm nhất quán của Công ty là hướng đến cung cấp sản phẩm chất lượng tốt, theo đúng cam kết, hướng đến việc gia tăng tiện ích cho khách hàng, chứ không chạy theo xu hướng giảm giá. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Kepple Land có thể hỗ trợ khách hàng mở rộng dịch vụ cho thuê căn hộ… Ngoài ra, Kepple Land sẽ làm việc với các đối tác tài chính cung cấp chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho khách hàng.

Dự án Flamingo Đại Lải cũng “trung thành” với chiến lược của mình. Sau nhiều lần mở bán các gói sản phẩm khác nhau, Dự án vẫn giữ nguyên giá bán. Chủ đầu tư Dự án chỉ điều chỉnh các gói sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu và lựa chọn của khách hàng.

Ông Phạm Vũ Hải Anh, Giám đốc Kinh doanh Dự án Flamingo Đại Lải phân tích, trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, mỗi chủ đầu tư đều có lối đi riêng của mình. Có không ít chủ đầu tư không giảm giá bán, mà áp dụng các chiến lược bán hàng, tăng tiện ích, dịch vụ.

“Nếu một doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại chỉ nhắm đến việc giảm giá BĐS để tồn tại thì họ sẽ gặp những hệ lụy không nhỏ về sau. Vì vậy, thay vì giảm giá bán, nhiều chủ đầu tư đã tự nâng sức cạnh tranh của mình về chất lượng sản phẩm, dịch vụ... Đó mới là chiến lược lâu dài, bền vững”, ông Hải nói.

Giá công bố các dự án như chung cư Dương Nội, Lê Văn Lương, Cổ Nhuế... của Tập đoàn Nam Cường cũng không hề giảm trong 2 năm qua, cho dù giá bán trên thị trường thứ cấp liên tục giảm.

Đại diện Tập đoàn Nam Cường cho hay, việc giảm giá là điều tối kỵ và chỉ xảy ra với những nhà đầu tư thiếu vốn. “Thị trường BĐS khó khăn hiện nay là do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, trong đó có một phần tâm lý chờ đợi, nghe ngóng của khách hàng. Còn về lâu dài, nhu cầu mua nhà của người dân, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn lớn. Đó chính là động lực lớn và tiềm năng đối với những nhà đầu tư BĐS có năng lực thực sự”, vị này nói.

Ông Lê Hùng, Tổng giám đốc CTCP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) nhận xét, trong bối cảnh thị trường BĐS  đầy rẫy khó khăn như hiện nay, thì việc giảm giá bán căn hộ để tìm lối thoát có thể là một hướng đi, song nếu giảm giá không đúng thời điểm, không có chính sách phù hợp đi kèm sẽ dễ tạo ra tác dụng ngược. Hậu quả là, dự án lại rơi vào tình trạng sa lầy.

Ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Công ty Savills Hà Nội cho rằng, hiện các chủ đầu tư đã biết lắng nghe, xem người mua cần gì và trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều sản phẩm phù hợp với năng lực tài chính của người sử dụng cuối cùng. “Tuy nhiên, chúng ta không nên trông chờ vào việc giá nhà sẽ tiếp tục giảm sâu, bởi mọi thứ đều có giới hạn”, ông Trung nhận định.