Quy hoạch nghỉ dưỡng biển để lại nhiều hệ lụy

Theo Phạm Minh/thoibaokinhdoanh.vn

Lợi thế biển là của tất cả người dân, nên nếu tập trung quy hoạch một loạt dãy cao ốc với mật độ cao sẽ giống như tạo nên một bức tường rào lớn ngăn cách thành phố với biển. Về lâu dài, những khư vực này có thể sẽ đối mặt với mâu thuẫn lợi ích của người dân và lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế.

Nếu tập trung quy hoạch một loạt dãy cao ốc với mật độ cao sẽ giống như tạo nên một bức tường rào lớn ngăn cách thành phố với biển. Nguồn: Internet.
Nếu tập trung quy hoạch một loạt dãy cao ốc với mật độ cao sẽ giống như tạo nên một bức tường rào lớn ngăn cách thành phố với biển. Nguồn: Internet.

Cùng với sự bùng nổ của condotel, số lượng khách sạn tại một số tỉnh ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… tăng đột biến. Nhiều công trình cao tầng chen chúc, tạo sự ngột ngạt, thiếu không gian xanh, như một bức tường rào bê tông ngăn cách thành phố với biển.

“Vỡ” quy hoạch thành phố biển

Hàng loạt cao ốc ven biển Đà Nẵng, Nha Trang mấy năm gần đây mọc lên với mật độ dày đặc, chiếm những vị trí đẹp nhất nhìn ra hướng biển.

Đặc biệt, tại thành phố biển Nha Trang, chỉ tính riêng đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng đã có hàng chục dự án condotel mọc lên, những tòa nhà cao 30 – 40 tầng xen dày đặc với những tòa 10 – 15 tầng. Theo tính toán, giai đoạn 2016 – 2018 đã có hơn 17.000 căn condotel được chào bán ra thị trường, phần lớn nằm ở dọc đường Trần Phú.

Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, năm 2018, tỉnh này đón gần 6,3 triệu lượt khách, tăng hơn 20% so với năm 2017. Nha Trang còn là nơi có nguồn cung khách sạn lớn nhất trong số các thành phố ven biển Việt Nam, với 12.000 phòng khách sạn 3 – 5 sao. Nếu tính toàn bộ các cơ sở lưu trú, tổng số phòng nghỉ tại Nha Trang lên tới gần 25.000 phòng. Việc xây dựng quá nhiều khách sạn cao tầng cũng khiến hạ tầng xã hội tại trung tâm Nha Trang ngày càng bị quá tải.

Điều dễ nhận thấy là rất hiếm không gian dành cho cây xanh và khu vui chơi công cộng tại khu vực trung tâm thành phố. Theo số liệu do Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa công bố, mật độ cây xanh ở Nha Trang trước kia là khoảng 5m2/ người nhưng hiện tại chỉ đạt 0,5 m2/người.

Thêm nữa, nhà cao tầng tăng nhưng diện tích dành cho giao thông không tăng nên tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng tại khu vực trung tâm Nha Trang.

Vừa qua, đảo Phú Quốc trải qua trận lụt lịch sử. Nhiều chuyên gia nhận định ngoài nguyên nhân thời tiết cực đoan, vấn đề còn có thể xuất phát từ tác động của con người. Phú Quốc hiện có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng với gần 300 dự án đầu tư, tổng số vốn khoảng 370.000 tỷ đồng.

Tại một cuộc họp tìm hiểu nguyên nhân về trận lụt này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần xem xem xét lại thiết kế hệ thống thoát nước, đồng thời cần xem xét lại các hoạt động của con người tại đảo đã không tính đến quy hoạch xây dựng, không tính toán hết khả năng thoát lũ.

Nhiều công trình cao tầng như một bức tường rào bê tông ngăn cách thành phố với biển
Nhiều công trình cao tầng như một bức tường rào bê tông ngăn cách thành phố với biển
 

Dễ mâu thuẫn lợi ích

Liên quan đến kiến trúc quy hoạch của TP. Nha Trang, kiến trúc sư Trần Minh Tùng, Trường Đại học Xây dựng, đánh giá từ câu chuyện này cho thấy Nha Trang đang mong muốn điều chỉnh quy hoạch để cho phép khu vực ven biển có thể phát triển mạnh mẽ hơn.

Nếu xét vào điều kiện thực tế của Nha Trang thì khu vực đề xuất điều chỉnh tương đối nhạy cảm, bởi từ xưa tới nay, đặc trưng lớn nhất của thành phố này là biển và kinh tế biển. Tương tự như Đà Nẵng, có lẽ các nhà làm đô thị cũng mong muốn tạo ra mặt đứng hướng biển hấp dẫn.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng cần chú ý lợi thế biển là của tất cả người dân, nên nếu tập trung một loạt dãy cao ốc với mật độ cao sẽ giống như tạo nên một bức tường rào lớn ngăn cách thành phố với biển.

“Tôi đang hình dung nếu không có sự kiểm soát, dần dần các dự án cao ốc ven biển sẽ tư hữu hóa các bãi biển. Bãi biển trở thành sở hữu riêng của các dự án thay vì sở hữu chung”, ông Tùng e ngại.

Bên cạnh đó, hiện nay dù mới có một số tòa cao ốc thì con đường đẹp nhất của TP. Nha Trang là đường Trần Phú đã luôn trong tình trạng quá tải. Nếu tiếp tục tập trung cao ốc về khu vực này sẽ phá vỡ sự cân bằng mật độ và hạ tầng đô thị.

Mặt khác, các tòa nhà cao tầng vô hình trung sẽ che chắn phần nào gió từ biển vào thành phố cũng như các điểm nhìn từ thành phố ra biển. Do đó, cần phải xem xét một cách cẩn trọng để tránh hình thành các rào chắn vật lý giữa thành phố và biển. Ông Tùng nhận định về lâu dài, Nha Trang có thể sẽ đối mặt với mâu thuẫn lợi ích của người dân và lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế.

TP. Nha Trang đang có một cơ hội quý giá là quỹ đất của sân bay Nha Trang cũ không còn sử dụng. Để tận dụng cơ hội, ông Tùng hiến kế:

Thứ nhất, nếu chấp nhận đánh đổi việc khai thác bờ biển cho mục đích tăng trưởng kinh tế đô thị thì nên dành phần diện tích này để hình thành không gian công cộng “bù lại” cho người dân thành phố.

Thứ hai, thành phố sẽ dành riêng khu vực này để đầu tư xây mới, biến thành một khu vực như một “tiểu đô thị nén” trong lòng đô thị, nơi mà các dự án được “tự do” phát triển.

Về trận lụt lịch sử của Phú Quốc vừa qua, nhiều chuyên gia cũng cho rằng nguyên nhân là do con người. Bởi quá trình đô thị hóa tại Phú Quốc diễn ra quá nhanh, trong khi hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được tốc độ đô thị hóa và sự bất thường của thời tiết.

Trước đó, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Kiên Giang vào cuối tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không đầu tư ở Phú Quốc một cách chộp giật, không nên tập trung quá lớn cho du lịch và bất động sản.

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh để du lịch phát triển bền vững cần giữ môi trường tự nhiên và xã hội an bình nơi đây. Phải thực hiện tốt quy hoạch, không được bê tông hóa Phú Quốc.