Sóng ngầm mua bán khách sạn

Theo Diệu Hoa/diendanbatdongsan.vn

Kiệt sức vì sự tàn phá của dịch bệnh khiến làn sóng mua bán khách sạn ngày càng sôi động, các đơn vị tư vấn M&A cũng ghi nhận sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chia sẻ với PV, ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch HĐQT Sohovietnam cho biết, hiện có khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng đặt hàng với đơn vị này đầu tư vào lĩnh vực khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam, tiêu chí đầu tư tập trung vào các tài sản đã xây xong, đang vận hành hoặc xây dựng dở dang, đất dự án.

Miếng mồi ngon cho “cá mập” 

Theo ghi nhận của phóng viên, loạt thông tin rao bán khách sạn ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… ngày càng nhiều. Trong đó, chỉ tính riêng trên trang rao bán Alonhadat.com, tại Nha Trang, nhiều khách sạn có vị trí đắc địa cũng được rao bán với mức giá từ 20 tỷ đồng đến 200-300 tỷ đồng.

Nhóm khách sạn được rao bán nhiều nhất dao động từ 30-70 tỷ đồng, có vị trí trên các tuyến phố trung tâm như Hùng Vương, Trần Phú, Trần Quang Khải, Dã Tượng, Phạm Văn Đồng.

Làn sóng rao bán khách sạn ngày một nhiều
Làn sóng rao bán khách sạn ngày một nhiều

Tại TP. Hồ Chí Minh, có tới gần 20 khách sạn trên các tuyến phố “kim cương” như Bùi Thị Xuân, Lê Thị Riêng, Bùi Viện, Lý Tự Trọng, Thi Sách đang được rao bán với giá từ hàng chục tới gần 1.000 tỷ đồng. Đây là điều rất hiếm khi xảy ra với các tuyến phố đắt đỏ này.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, sàn giao dịch bất động sản VRM cũng đang rao bán gần 170 khách sạn ở tất cả phân khúc, gồm cả khách sạn 5 sao, chủ yếu ở khu vực ven biển của Đà Nẵng. Đơn vị này cho biết, phần lớn các ông chủ rao bán khách sạn đều đầu tư từ tiền vay vốn ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, quản lý Sàn VRM, vì áp lực không trả nổi tiền lãi nên họ buộc lòng phải rao bán. Họ cũng thừa biết nếu rao bán trong thời điểm này thì không được giá hoặc có thể bị ép giá. Hiện tại, giá khách sạn ở Đà Nẵng phân khúc 1-2 sao khoảng 30 tỉ đồng, 3 sao có giá tầm trên 30-40 tỉ đồng… tùy vào vị trí và diện tích.

Chia sẻ về làn sóng trên, theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Sohovietnam, hết đợt dịch thứ 3, nhiều chủ khách sạn đều kỳ vọng ngành du lịch sẽ sôi động trở lại, nhất là sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, họ mong chờ khá nhiều vào dịp hè năm nay. Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ 4 kéo dài đã khiến nhiều chủ khách sạnbuộc phải rao bán vì không còn chịu đựng được nữa.

Tại các địa phương nổi tiếng về kinh doanh du lịch như Hội An, Nha Trang, Đà Nẵng đã ghi nhận những giao dịch thành công. “Giá bán trên toàn thị trường nhìn chung giảm 20-25% so với năm 2019. Nhiều trường hợp khách sạn có giá dưới 100 tỷ đồng phải giảm đến 30%”, ông Cần cho biết.

Trong khi đó, theo bà Meir Tlebalde, Phó giám đốc Bộ phận Tư vấn giao dịch và M&A, Công ty TNHH Tư vấn và Thuế KPMG, bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên với vị trí địa lý, cảnh quan, môi trường thiên nhiên và đặc biệt là nguồn cung khách sạn chất lượng cao còn hạn chế, đây vẫn là thị trường được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm do đây là lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Thị trường khách sạn sớm phục hồi

Theo dự báo của JLL Việt Nam, làn sóng M&A khách sạn hay khu du lịch có thể chứng kiến nhiều hơn các thương vụ muốn chuyển nhượng từ chủ đầu tư không chuyên ngành, cũng như từ những khách sạn có quy mô nhỏ và vừa trên cả nước.

Trong đó, nhà đầu tư năng động nhất có thể đến từ các tổ chức tài chính Hàn Quốc với khẩu vị ưa thích là mua lại những khách sạn tiềm năng, có vị trí đắc địa để kinh doanh, hoặc một số tập đoàn tư nhân hùng mạnh trong nước với đích nhắm là khách sạn cao cấp và hạng sang.

Ở góc nhìn dài hạn, theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, việc triển khai vaccine sẽ giúp du lịch quốc tế mở cửa, thị trường khách sạn sẽ sớm quay trở lại. Theo ông Matthew Powell, bên cạnh sự phục hồi của các khách sạn nội thì thị trường cũng đã ghi nhận đầu tư từ các khách sạn quốc tế có thương hiệu như Eastin, Grand Mercure, Fairmont, Four Seasons, Lotte, Dusit và Wink.

"Nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm tới phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn chất lượng cao, đối với cả các dự án đang hoạt động hoặc đang trong quá trình phát triển. Họ đánh giá cao về tiềm năng dài hạn và sự phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam sau dịch, khi tình hình được kiểm soát và các hoạt động phục vụ khách du lịch nội địa và quốc tế được mở cửa trở lại" - Ông Matthew Powell cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông Eric A. Baumgartner, sáng lập và CEO của Dome Hospitality cho biết, phần lớn các khách sạn đang được tìm mua có giá từ 20-100 triệu USD. Một số nhà đầu tư cũng tìm các tài sản lên đến 150-200 triệu USD. Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy khá sốc với mức giá bán thiếu hợp lý và lợi nhuận rất thấp khi vận hành của khách sạn tại Việt Nam. "Người bán cũng nên đặt mình vào vị trí của khách mua nếu thực sự muốn thanh lý tài sản của mình", ông Eric A. Baumgartner bình luận.

Chia sẻ với DĐDN, một chuyên gia cho biết, các chủ khách sạn sử dụng đòn bẩy tài chính cao nên cân nhắc đưa ra mức giá bán phù hợp dựa trên tình hình hiện tại (thay vì kỳ vọng giá quá cao như trước dịch) để có thể bán được tài sản với mức giá phù hợp trước khi việc kinh doanh trở nên khó khăn.

Đối với các chủ khách sạn có khả năng tài chính mạnh nên tận dụng lợi ích của giai đoạn đặc biệt này như một cơ hội tích cực, tạm thời đóng cửa để tiến hành tái cấu trúc tổ chức, nâng cấp đổi mới thiết kế và đào tạo đội ngũ, xem xét lại chiến lược tiếp thị, tối ưu hóa việc giảm chi phí và cải thiện vốn lưu động.