Sức hút bất động sản Hà Đông: Điểm nhấn quy hoạch giao thông

Theo Thanh Trần/nhadautu.vn

Khu vực phía Tây, đặc biệt quận Hà Đông, đang là "thỏi nam châm" của thị trường bất động sản Thủ đô Hà Nội, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, bởi lợi thế cơ sở hạ tầng giao thông, xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.

Mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại thúc đẩy thị trường bất động sản Hà Đông.  Ảnh: Báo Nhân dân.
Mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại thúc đẩy thị trường bất động sản Hà Đông. Ảnh: Báo Nhân dân.

Dù chỉ mới được thành lập từ năm 2009 nhưng Hà Đông lại được đánh giá là một trong những khu vực có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội hàng đầu Hà Nội.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: "Hà Đông hiện là cửa ngõ quan trọng của TP. Hà Nội.

Khu vực này đang có được nhiều lợi thế do nằm trong quy hoạch đồng bộ hạ tầng giao thông của TP. Hà Nội. Việc mở rộng và đưa vào hoạt động tuyến BRT hay các tuyến đường huyết mạch Trần Phú – Nguyễn Trãi, Tố Hữu – Lê Văn Lương, quốc lộ 6A, hầm chui Thanh Xuân, và tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc giúp Hà Đông phát triển hơn nữa, và trở thành một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Thủ đô".

Đối với thị trường bất động sản Hà Đông, Phó Tổng thư ký VNRea nhấn mạnh rằng, "triển vọng trong thời gian sắp tới là rất tiềm năng".

Theo ông Đính, thị trường bất động sản Hà Đông vốn đã phát triển mạnh mẽ, nhưng sẽ sớm "bứt phá" trong thời gian tới nhờ sự đầu tư về hạ tầng, đặc biệt là sau khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành cũng như vành đai 4 được triển khai.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành

Vào đầu tháng 5, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã chính thức hoàn thành công tác đầu tư xây dựng và đã được Ban Quản lý dự án đường sắt (theo ủy quyền của Bộ GTVT) nghiệm thu hoàn thành tuân thủ theo hồ sơ thiết kế được duyệt; kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, chạy thử… đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

Hiện Bộ GTVT đã lên kế hoạch tổ chức lễ bàn giao cho UBND TP. Hà Nội. Dự kiến, buổi lễ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng ra thông báo chấp thuận. Theo một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội, đây sẽ là 'ga cuối' của tiến trình xây dựng công trình kéo dài gần 10 năm.

Có tổng chiều dài là 13,5 km với 12 ga trên cao, nối Yên Nghĩa, Hà Đông tới trung tâm Hà Nội, tuyến đường vốn gây thất vọng cho người dân Thủ đô một thập kỷ qua nay lại đang mang tới những hy vọng mới cho giới đầu tư địa ốc.

Thời gian gần đây, tỷ lệ thuận với tốc độ hoàn thiện của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là độ nóng của các dự án bất động sản phía Tây Hà Nội, đặc biệt là những dự án dọc tuyến đường này.

Phó Tổng thư ký VNRea khẳng định rằng, khi tiện ích và hạ tầng đồng bộ, nghĩa là nhiều tuyến đường bộ mở rộng, đường sắt trên cao đi vào hoạt động thì giá bất động sản xung quanh khu vực đó sẽ tiếp tục tăng cao.

Do đó, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động sẽ mở ra những cơ hội bất động sản mới, khuyến khích nhiều chủ đầu tư tham gia vào các dự án có quy mô lớn trên toàn thành phố thay vì chỉ tập trung ở một số khu vực trung tâm như trước đây. Chính vì vậy, Hà Đông sẽ nhanh chóng trở thành điểm đầu tư mới được thị trường quan tâm.

Kỳ vọng từ tuyến đường vành đai 4

Đường vành đai 4.  Ảnh: Tạ Lư/Vnexpress.  
Đường vành đai 4.  Ảnh: Tạ Lư/Vnexpress.  

Bên cạnh đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, thị trường bất động sản Hà Đông cũng sẽ được hưởng lợi từ dự án đường vành đai 4. Vào tháng 5/2021, TP. Hà Nội cùng Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh liên quan đã khởi động triển khai kế hoạch phát triển  đường vành đai 4.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và đại diện lãnh đạo TP. Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang... đã đồng tình với sự cần thiết của dự án và thể hiện quyết tâm sớm trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Tuyến đường này sẽ kết nối đồng bộ, tăng cường năng lực, giải phóng ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, khai thác các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng Thủ đô.

Theo quy hoạch, đối với tuyến đường vành đai 4, dự kiến tổng chiều dài tuyến khoảng 98km, đi qua 3 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Chiều dài đi qua Hà Nội khoảng 54km, đi qua 7 quận, huyện gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Hà Đông.

Tính toán của các địa phương cho thấy, nếu thực hiện đầu tư dự án theo phương án tuyến đi bằng, kinh phí xây dựng cần khoảng 105.000 tỷ đồng. Còn triển khai làm cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, kinh phí xây dựng khoảng 135.000 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án ước tính khoảng 25.000 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc Nghiên cứu CBRE Việt Nam, cho rằng trên thực tế, để tránh sự quá tải cho trung tâm thành phố, định hướng phát triển đô thị của Thủ đô là hướng Tây. Với hàng loạt tuyến đường mới được khởi công xây dựng, khu vực phía Tây của Hà Nội sẽ trở thành điểm nóng khi liên kết vùng giữa trung tâm Thủ đô và các khu đô thị mới phía Tây được kết nối.

Chính sự có mặt những tuyến đường huyết mạch sẽ tạo tiềm năng gia tăng giá trị bất động sản nhanh chóng, với mức lợi nhuận vô cùng hấp dẫn. Đây cũng là định hướng phát triển các dự án bất động sản tại các nước phát triển khi người dân có xu hướng dịch chuyển ra khỏi trung tâm nhưng sự thuận tiện trong kết nối giao thông vẫn phải được đảm bảo.

"Chắc chắn rằng, khi các tuyến đường vành đai nói trên hoàn thiện đi vào hoạt động, thị trường bất động sản phía Tây của Hà Nội sẽ càng gia tăng giá trị hơn nữa và là điểm đến của các nhà đầu tư trong, ngoài nước", bà An nói.

Cải tạo Quốc lộ 6, đường vành đai 3.5 và đường trục phía Nam Hà Nội

Tuyến đường vành đai 3.5 Hà Đông có chiều dài 6km, bắt đầu từ nút giao Xa La – Thanh Hà cắt qua các tuyến đường Quang Trung (Hà Đông) – Tố Hữu – Lê Quang Đạo kéo dài và kết thúc tại Đại Lộ Thăng Long. Tuyến đường này đi qua các khu đô thị lớn của phía Tây Hà Nội như: Xa La, Văn Phú, Dương Nội, Geleximco….

Tuyến đường vành đai 3.5 Hà Đông.  
Tuyến đường vành đai 3.5 Hà Đông.  

Ông Nguyễn Văn Đính cho biết, trong những năm qua, Hà Đông đã có sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển hiện đại đồng bộ. Có thể nói rằng, dự án đường vành đai 3.5 được triển khai không chỉ góp phần hệ thống giao thông đô thị mà còn đem tới nhiều lợi ích cho thị trường bất động sản nơi đây.

Tuy nhiên, sẽ là quá thiếu sót nếu không kể đến Quốc lộ 6, công trình trọng điểm thuộc nhóm A của thành phố, tuyến cửa ngõ phía Tây và là cung đường đi lại gần nhất giữa Hà Nội và Hòa Bình. Đáng chú ý, vào cuối tháng 3/2021, TP. Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ thành phố thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; xem xét, cân đối nguồn lực, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 quốc gia 4 dự án lĩnh vực giao thông với nhu cầu vốn 21.351 tỷ đồng giúp tăng cường khả năng kết nối, lan tỏa vùng, trong đó có dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai.

"Hòa Bình đang nổi lên như một điểm sáng về kinh tế và thu hút đầu tư. Trong khi đó, Hà Đông lại là một cửa ngõ đóng vai trò kết nối quan trọng. Sau khi Quốc lộ 6 được cải tạo và nâng cấp, chính sức nóng của các tỉnh khu vực phía Tây Bắc như Hòa Bình, sẽ khiến thị trường bất động sản Hà Đông được quan tâm nhiều hơn nữa, dần hoàn thiện hơn và tăng thêm phần hấp dẫn cho các nhà đầu tư", ông Đính nhận định. 

"Làn gió mới" đường trục phía Nam Hà Nội

Không chỉ án ngữ tuyến huyết mạch kết nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, Hà Đông còn sẽ là "trạm trung chuyển" giữa Thủ đô với các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình thông qua tuyến đường trục phía Nam Hà Nội.

Đường trục phía nam Hà Nội có tổng chiều dài toàn tuyến là 41,5km, quy mô 4 làn xe, đi xuyên qua quận Hà Đông, huyện Thanh Oai, huyện Ứng Hòa và huyện Phú Xuyên. Trong tầm nhìn dài hạn tuyến đường sẽ được nâng cấp thành tuyến quốc lộ Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính. 

Đường trục phía Nam Hà Nội. Ảnh: Báo Dân trí.
Đường trục phía Nam Hà Nội. Ảnh: Báo Dân trí.

Hiện tại, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với 19,9km đã được thông xe và đưa vào sử dụng. Điểm đầu tuyến đường giao đường Phúc La - Văn Phú (Kiến Hưng, Hà Đông), điểm cuối tiếp giao quốc lộ 1A - đoạn phía dưới Cầu Giẽ (Châu Can, Phú Xuyên).

"Ngoài hạ tầng giao thông mới mẻ, đồng bộ và hiện đại, Hà Đông hiện còn sở hữu một hệ thống tiện ích đa dạng, với các trung tâm mua sắm lớn, bệnh viện, trường học, qua đó phục vụ được đầy đủ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, với tiềm năng vốn có từ vị trí địa lý và làn sóng đổ bộ của các thương hiệu lớn, nơi đây chắc chắn sẽ trở thành một địa điểm hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khẳng định.