Tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư có khả thi?

Theo Lê Sáng/batdongsan.enternews.vn

Việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án là hợp lý, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư tuy nhiên phải giải quyết triệt để bài toán về giá đất.

Giải phóng mặt bằng luôn là khâu kéo dài và phức tạp nhất trong công tác triển khai dự án
Giải phóng mặt bằng luôn là khâu kéo dài và phức tạp nhất trong công tác triển khai dự án

Mới đây, Thủ tướng đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng chỉ đạo xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Tổ trưởng Tổ công tác sẽ là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng các tổ phó gồm thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là tham mưu giúp Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, rà soát, tổng hợp các căn cứ, luận cứ, làm rõ sự cần thiết, đánh giá tác động chính sách. Tổ cũng sẽ kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư…

Trước đó tại phiên thảo luận của Quốc hội về đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và những giải pháp cho 6 tháng cuối năm, một số đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh các dự án đầu tư hiện nay bị chậm tiến độ phần nhiều do công tác giải phóng mặt bằng.

Các đại biểu kiến nghị Chính phủ tách riêng hợp phần giải phóng mặt bằng thành một dự án khác, qua đó tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý hiệu quả vấn đề để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, tạo dựng hạ tầng tốt cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.,TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam thừa nhận công tác giải phóng mặt bằng hiện vẫn đang là câu chuyện “đau đầu” với các doanh nghiệp khi triển khai dự án. Việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án là rất tốt để đảm bảo tiến độ triển khai của các dự án đầu tư tuy nhiên nếu không giải quyết được bài toán về giá đất thì có thể chính “dự án giải phóng mặt bằng” lại cũng bị tắc.

Theo đó, bà Nhung cho rằng điểm cốt yếu nhất để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng là việc xác định mức giá đền bù hợp lý vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi cũng như của chủ đầu tư dự án.

Chính tình trạng giá đất theo quy định trong bảng và khung giá đất do nhà nước ban hành chưa theo kịp giá đất giao dịch trên thị trường cũng như việc khung giá đất thường năm sau cao hơn năm trước cũng dẫn đến tình trạng người dân càng chây ì làm “tắc” công tác giải phóng mặt bằng.

Cũng theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung để “đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án” thực hiện được mục tiêu đề ra là tạo đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng thì Tổ Công tác cần giải quyết được một số vấn đề đặt ra như.

Thứ nhất, trong lần sửa đổi Luật đất đai tới các điều chỉnh để đưa ra được quy định và hình thức về bảng và khung giá đất hợp lý để xác định giá đất trong đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án. Nếu cần thiết có thể tính đến việc xây dựng một cơ quan định giá đất độc lập để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có đất bị thu hồi.

Thứ hai, cần tìm ra lời giải cho phương án dịch chuyển, vốn hóa đất đai phải quan tâm đến nguyên tắc chia sẻ lợi ích của bên nhận được đất và bên bị thu hồi đất. Làm sao để người dân cảm thấy được thu hồi đất chứ không phải là bị thu hồi đất, tức là giá đất của người đang sử dụng đất nhận được về phải khiến họ hài lòng, vui vẻ và đồng thuận với giá mà nhà nước thu hồi.

Thứ ba, cần tính toán đến các phương án hỗ trợ bổ sung như cam kết hỗ trợ việc làm, dạy nghề,… khi thu hồi đất để người dân yên tâm và đồng thuận khi chuyển giao mảnh đất của mình cho doanh nghiệp, nhà nước thực hiện dự án, để người dân có thể “li nông bất li hương”.