Thêm cơ hội tái cấu trúc cho các ngân hàng nhỏ

Theo Ama Linh(NHNN)

Mùa đại hội cổ đông năm nay đang trở thành cơ hội lớn nhất để các NHTMCP nhỏ tìm kiếm cho được giải pháp tăng vốn hữu hiệu cho mình.

Đó là đại hội cổ đông năm 2010. Thực tế của các NHTMCP nhỏ (chưa đạt mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng) hiện nay cho thấy, mặc dù hướng đi đã đúng, nhưng quy mô hoạt động còn chưa tương thích với đòi hỏi tồn tại và phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh đã ngày một khốc liệt hơn.

Điểm then chốt là vốn điều lệ cần và phải đạt mức pháp định. Cái hạn năm 2010 đã và đang đến từng ngày, khiến đại hội cổ đông năm nay trở thành cơ hội lớn nhất để các NHTMCP nhỏ tìm kiếm cho được giải pháp tăng vốn hữu hiệu cho mình.

Phải chăng, các NHTMCP nhỏ có thể lấy trường hợp của NHTMCP Phát triển nhà TP. Hồ Chí Minh (HDBank) làm một trải nghiệm cho việc điều chỉnh với nhiều khó khăn ấy?
 Ai cũng biết, HDBank ra đời năm 1990 cùng thời với đa số các NHTMCP hiện nay. Sau 15 năm phát triển, hệ thống NHTMCP Việt Nam tách tốp, nhưng số có quy mô vốn điều lệ dưới 1.000 tỷ đồng vẫn chiếm phần đông. 
 Vào năm 2006, mở đầu kế hoạch 5 năm (2006 - 2010) Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2006/NĐ-CP với yêu cầu tăng quy mô hoạt động đối với các NHTMCP cho phù hợp với trình độ phát triển mới của thị trường và của nền kinh tế. Theo Nghị định 141, hết năm 2008, các NHTMCP phải có vốn pháp định 1.000 tỷ đồng và hết năm 2010 là 3.000 tỷ đồng.

Người ta nhận thấy với Nghị định 141, Chính phủ đã đặt trước hệ thống NHTMCP thách thức tái cấu trúc như một đòi hỏi khách quan của tồn tại và phát triển. Cũng ngay từ năm 2006, ướm vào "lộ trình quy mô 141", HDBank bỗng thấy mình "vẫn cứ như là đứng yên tại chỗ". Đặc biệt là thời cơ tăng vốn điều lệ khi thị trường chứng khoán tăng bùng nổ vài năm trước đó đã qua mất.
 Câu hỏi, làm sao đủ vốn pháp định đã trở thành một thách thức tồn tại với HDBank. Ở đây, vấn đề then chốt là làm sao huy động được sức mạnh đồng thuận của cổ đông cũ và sự hấp dẫn đầu tư của cổ đông mới. Trong bối cảnh đó, tái cấu trúc hoạt động kinh doanh hướng đến mục tiêu tăng trưởng hiệu quả cả về lượng và chất đã được HDBank lựa chọn.

Cũng vào các năm 2007 và 2008, trong khi thực hiện bước một lộ trình tăng vốn, suy thoái kinh tế toàn cầu đã bùng nổ, khiến kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề.
 Ban lãnh đạo HDBank nhận thấy đó lại chính là thời cơ lớn cho công cuộc tái cấu trúc của HDBank chuyển sang bước gia tăng tiến độ và hoàn thiện các chỉ tiêu chất lượng. Bởi vì do suy thoái mà cạnh tranh kinh doanh trên thị trường tiền tệ tín dụng đã giảm hẳn. Trong cái "khoảng lặng mắt bão" đó, HDBank đã khẩn trương tiến hành cơ cấu lại bộ máy theo hướng hội nhập các chuẩn mực quốc tế.

Thành công của HDBank là đã tổ chức lại các phòng ban trước đây thành các khối chức năng, lấy khách hàng làm trọng tâm của mọi hoạt động kinh doanh. HDBank đã xây dựng thành công hệ thống xếp hạng tín dụng; hệ thống thông tin quản trị rủi ro; đầu tư khai thác hiệu quả công nghệ hiện đại Core Banking; xây dựng và tung ra thị trường nhiều sản phẩm chiến lược mới như: SMS Banking, Internet Banking, thẻ thông minh HDCard…

Sau một năm đổi mới quyết liệt, kết thúc kinh doanh năm 2007, lần đầu tiên HDBank đạt mức cổ tức 16%, tăng 33% so với cam kết. Năm 2008 HDBank được đà tiến thêm một bước mới thắng lợi lớn trong kinh doanh nhờ tái cấu trúc hiệu quả bộ máy hoạt động. Thành tựu lớn nhất là cuối năm 2008 vốn điều lệ đã được tăng lên mức 1.550 tỷ đồng. Kết thúc năm 2009, so với năm 2008, tổng tài sản tăng 100%, lợi nhuận tăng 217,5%, nợ xấu được khống chế ở mức 1,1%.
 Ngày 15/3 vừa qua, HDBank Đại hội cổ đông xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỷ đồng trong năm 2010 bằng biện pháp bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, cán bộ nhân viên và một số đối tác chiến lược trong và ngoài nước. Có thể thấy, huy động vốn từ cổ đông hiện hữu, trên cơ sở tái cấu trúc bộ máy đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn, là giải pháp chủ động phát huy nội lực mang đầy tính hiện thực khả thi của các NHTMCP nhỏ hiện nay.

Nhiều NHTMCP nhỏ đã và sẽ đưa ra đại hội cổ đông năm nay vấn đề trả cổ tức bằng cổ phiếu, cả trong năm 2009 và năm 1010, để động viên lợi nhuận vào vốn đầu tư, nhằm tăng trưởng quy mô kinh doanh. Người ta nhận thấy tình hình kinh tế và thị trường trong ngắn hạn chưa có nhiều thuận lợi cho phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu tăng vốn.
 Trong khi với các NHTMCP nhỏ hiện nay, các vấn đề đầu tư công nghệ hiện đại, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm tiện ích, mở rộng mạng lưới chiếm giữ thị phần… lại là những vấn đề lớn, có ý nghĩa sống, còn đòi hỏi phải tận dụng mọi cơ hội có thể tăng vốn tự có để thực hiện.
 Trước mắt, việc tăng đủ vốn pháp định, đồng thời với việc tái cấu trúc hoạt động kinh doanh hiệu quả. Còn về lâu dài, tái cấu trúc phải được coi là nguyên tắc điều chỉnh của chiến lược phát triển, một khi tiến trình ấy đứng trước một tình thế mới, khiến mô hình cũ tỏ ra không còn phù hợp nữa…