Thị trường bất động sản 2016: Ổn định và chuyên nghiệp hơn

Theo daibieunhandan.vn

Tiếp tục đà tăng của một số phân khúc bất động sản cuối năm 2015, theo dự báo của một số chuyên gia, năm 2016, thị trường bất động sản sẽ có những chuyển biến tích cực và chuyên nghiệp hơn. Với việc hoàn thành nhiều dự án dở dang, phân khúc nhà ở thương mại tiếp tục sẽ có những điều chỉnh về giá cả và các chính sách bán hàng phù hợp, hứa hẹn là phân khúc đi lên với xu hướng tương đối ổn định.

Theo dự báo của một số chuyên gia, năm 2016, thị trường bất động sản sẽ có những chuyển biến tích cực và chuyên nghiệp hơn.
Theo dự báo của một số chuyên gia, năm 2016, thị trường bất động sản sẽ có những chuyển biến tích cực và chuyên nghiệp hơn.

Nhiều dấu hiệu tích cực

Theo Báo cáo của Công ty Tư vấn bất động sản (BĐS) CBRE Việt Nam, chu kỳ phát triển của thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu tích cực hơn trong năm 2016. Điều này được nhận định từ tín hiệu của hai quý III và quý IV.2015, đối với các phân khúc nhà ở, ngay cả các căn hộ thuộc phân khúc cao cấp tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong số căn mở bán. Thị trường sẽ chuyển biến tích cực, thúc đẩy lượng tiền đổ vào từ người mua nhà. Khoảng hơn 6.800 căn ước tính được giao dịch trong quý III đã đưa mức tăng lên hơn 150% so với cùng kỳ. Tiếp tục xu hướng từ quý trước, căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ tăng dần trong số căn hộ được giao dịch. Giá bình quân cũng tiếp tục tăng, với mức 5 - 7% so với cùng kỳ năm trước ở những dự án tốt.

Sau thời gian nghỉ Tết, thị trường đã bắt nhịp sớm hơn so với các năm trước. Nguồn cung thị trường ngày càng tăng mạnh với hàng loạt các dự án BĐS mở bán là cơ hội cho khách hàng được thêm quyền lựa chọn. Những dự án có vị trí tốt, hạ tầng đầy đủ tiếp tục trở thành tâm điểm của thị trường. Các chuyên gia nhận định, theo chu kỳ thì thị trường càng về cuối năm càng có nhiều diễn biến tích cực, nhưng rõ ràng, xu hướng của thị trường được chuyển động mạnh hơn ngay từ đầu năm 2016.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra thống kê, trong năm 2015, BĐS đứng thứ 3 trong số các kênh thu hút vốn FDI. Cụ thể, 10 tháng của năm 2015, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm từ kênh bất động sản là 2,13 tỷ USD, chiếm 11,1% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực đã cho phép Việt kiều được mua, sở hữu nhà như người trong nước và cho người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua và sở hữu nhà tại các dự án nhà ở thương mại cũng sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường BĐS theo hướng ngày càng cạnh tranh, minh bạch và bền vững.

Kênh đầu tư nổi trội

Nếu so sánh với thời điểm trước, năm 2016, BĐS được đánh giá là kênh đầu tư nổi trội. Cụ thể, so với các kênh đầu tư khác, BĐS đang có nhiều lợi thế. Trong bối cảnh thị trường vàng dò đáy, đô la vẫn lặng sóng, lãi suất ngân hàng ở mức thấp, thì bất động sản với lượng giao dịch vẫn tăng.

Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý nữa là xu hướng “đánh sóng” của một số nhà tư vấn đầu tư trong lĩnh vực này cần được đặc biệt lưu ý. Bởi không phải dự án nào cũng mang lại cơ hội như những chương trình quảng bá rầm rộ. Theo nhận định, BĐS đi vào xu hướng ổn định hơn, nhất là giá cả trong năm 2016, năm 2017, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Rensco Sông Hồng Vũ Điệp cho rằng, năm 2016, 2017 giá BĐS không có nhiều thay đổi. Vì thị trường đang phát triển và vật liệu cho xây dựng như xi măng, sắt, thép đang rất thịnh. Yếu tố cấu thành giá là các vật tư nguyên liệu như vậy nên việc tăng giá là khó mà thị trường sẽ phát triển ổn định và lành mạnh hơn.

Đánh giá cụ thể hơn về xu hướng giá của các phân khúc BĐS trong năm 2016, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu khẳng định, thị trường BĐS Việt Nam năm 2016 có thể và nên được nhìn nhận lạc quan là điều chắc chắn. Ngoài xu thế khởi sắc mạnh mẽ và tích cực sẽ được thị trường tiếp nối từ năm qua, các yếu tố đang hỗ trợ cho thị trường rất lớn.

Về mặt vĩ mô và có tác động lâu dài, chắc chắn phải kể đến xu thế đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại. Nhất là sau Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết. Điều này dự báo sẽ có sự chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam và dịch chuyển đến thành phố đông dân, có tốc độ phát triển lớn nhất nước là TP Hồ Chí Minh. Từ đó sẽ thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường BĐS, trước hết là phân khúc thị trường BĐS nhà xưởng, công nghiệp, phân khúc căn hộ cho thuê, văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ.

Hơn nữa, các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS cũng hoạt động ngày một chuyên nghiệp, kể cả trong lĩnh vực kinh doanh, xây dựng, môi giới BĐS ở Việt Nam và được đánh giá là có mức chuyên nghiệp tương đương nước ngoài.Trong khi đó, nhu cầu xã hội cũng sẽ ổn định hơn, cùng với chiến lược nhà ở quốc gia, vấn đề quản lý nhà nước mang tính kiểm soát tốt hơn đối với từng phân khúc. Thị trường nhờ đó cũng phát triển theo định hướng và dòng tiền vào thị trường cũng theo định hướng.

Vì vậy, cùng với chính sách tốt hơn đối với nhà ở xã hội, thương mại, nhà ở cao cấp, sinh thái, nhà vườn sẽ có phát triển vì rõ ràng BĐS là xương sống của nền kinh tế và khi mà Nhà nước có những chính sách thúc đẩy phát triển thì sẽ là cơ hội và ở góc độ các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt cơ hội này để phát triển trong năm 2016.

CBRE Việt Nam vừa công bố báo cáo triển vọng thị trường BĐS 2016. Thị trường BĐS nhà ở và thương mại của Việt Nam đang dần hồi phục một cách rõ nét, các hoạt động thuê tiếp tục đà tăng trưởng, tốc độ tăng giá và tỷ lệ lấp đầy ghi nhận mức tăng trưởng ổn định xuyên suốt các mảng thị trường. Năm 2016, bất động sản văn phòng sẽ tiếp tục là mục tiêu chính. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn là thị trường nhận được nhiều sự quan tâm, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài mới khi TTP có hiệu lực. Thị trường BĐS nghỉ dưỡng vẫn sẽ sôi động, BĐS công nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi các tập đoàn quốc gia mở rộng các cơ sở sản xuất ở Việt Nam.