Thị trường chứng khoán Việt Nam ở đâu trong cơn bão khủng hoảng nợ châu Âu?

Theo Phạm Đỗ Chí (ĐTCK)

Khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp đã làm dấy lên làn sóng sợ hãi rằng, khủng hoảng nợ tương tự có thể xảy ra tại một số nước khác như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cũng như những hậu quả nghiêm trọng của nó đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính thế giới.

Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa phải nâng gói cứu trợ cho Hy Lạp lên gần 1.000 tỷ USD.

Cuộc khủng hoảng kinh tế mới so với khủng hoảng của châu Á

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Hy Lạp khiến nhiều người nhớ lại khủng hoảng châu Á diễn ra vào năm 1997 - 1998, bắt nguồn từ Thái Lan, sau đó lan sang Hàn Quốc và Indonesia. Tuy nhiên, sự giống nhau chỉ giới hạn ở bản chất của sự lây lan và các khoản nợ bên ngoài. Còn ngoài ra, có nhiều điểm khác nhau như:

°Các khoản nợ từ cuộc khủng hoảng châu Á hầu như là nợ tư, ngắn hạn, trong khi các khoản nợ hiện nay của châu Âu là các khoản nợ công, trung và dài hạn, với quy mô lớn hơn rất nhiều.

°Tổng các khoản nợ trong cuộc khủng hoảng châu Á là 40 tỷ USD, trong khi đó, ước tính ban đầu đối với các khoản nợ tại 3 nước châu Âu lên tới 400 - 450 tỷ USD, gấp hơn 10 lần.

°Những nỗ lực cứu chữa cuộc khủng hoảng châu Á được khởi động nhanh chóng từ các chương trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và được sự đồng tình, chấp thuận từ các nước tham gia.

Trong khi đó, chương trình cứu trợ của EU - IMF thực hiện dưới sự "phản kháng" từ phía người dân Hy Lạp, điều này dấy lên nỗi lo lắng về tính khả thi của lập trình chính sách chữa trị. Sự chi tiêu bừa bãi, cũng như sự nhập nhằng trong số liệu tài chính và nợ công, nhằm vội vã thực hiện đủ tiêu chí gia nhập vào cộng đồng châu Âu của Hy Lạp được coi là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng như hiện nay.

°Điều phi lý là chỉ trong thời gian ngắn trước đó, khó tin được là một số nước châu Âu sẽ có ngày chấp nhận các biện pháp cứu trợ "hà khắc" của IMF. Sự hy sinh và gian khổ cần có khó có thể được chấp nhận từ phía người dân châu Âu. Do vậy, sự cứu trợ chắc chắn sẽ dài hơn, khó khăn hơn và cần huy động vốn nhiều hơn.

- Trong khi gói cứu trợ các nước châu Á chỉ đến từ IMF, thì cuộc khủng hoảng tại châu Âu hiện nay lớn hơn rất nhiều và cần sự hỗ trợ to lớn từ phía các nước châu Âu giàu có khác như Đức, Pháp, nếu muốn duy trì cộng đồng này và đồng tiền chung Euro.

Ảnh hưởng tới nền kinh tế và tài chính thế giới

°Trước tiên, sự phục hồi kinh tế ở khu vực châu Âu sẽ chậm hơn và khá khiêm tốn khi mà Đức và Pháp sẽ phải chia sẻ gánh nặng lớn từ gói cứu trợ những thành viên khó khăn trong cộng đồng, do vậy nguồn lực cho những chính sách tài khoá trong nước họ sẽ ít hơn.

°Sự hồi phục kinh tế Mỹ cũng không chắc chắn, đặc biệt khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trở lại gần mức 2 con số (9,9% trong tháng 4, từ mức 9,7% trong tháng 3).

°TTCK sẽ trải qua những rối ren mới do sự thiếu tin tưởng từ phía NĐT, bởi cuộc khủng hoảng sâu rộng này ít ai tiên đoán được tầm hậu quả.

°USD, đặc biệt là đồng Yên sẽ tiếp tục đà tăng mạnh so với đồng Euro, do tính an toàn từ phía các đồng tiền này.

°Giá dầu giảm xuống còn 75 USD/thùng vào tuần trước và có thể giảm sâu hơn (sau khi đạt mốc 87 - 89 USD/thùng vài tuần trước đó), nhiều khả năng giảm xuống 60 - 62 USD/thùng, do tốc độc phục hồi kinh tế thế giới chậm hơn.

°Giá các hàng hoá khác, bao gồm các sản phẩm trong ngành công nghiệp và nông nghiệp, cũng theo đó giảm xuống. Chỉ có một ngoại lệ, đó là giá vàng, khi mà giá mặt hàng này đã nhảy vọt lên mức 1.200 USD/ounce. Điều này phản ánh nhu cầu về dự trữ an toàn hơn so với các đồng tiền giấy, sau khi nhiều cá nhân và tổ chức ở châu Âu và châu Á đua nhau mua vàng, bạch kim và bạc vào tuần trước.

Giá vàng tăng cùng với xu hướng tăng mạnh của đồng USD là điều hiếm khi xảy ra. Chỉ số đồng USD đã tăng lên mức 84, từ mức 75 chỉ trong vài tuần trước. Rất có thể giá vàng sẽ có xu hướng tăng tới một kỷ lục mới trong những tuần tới (trên mức 1.226 USD/ounce đã đạt được vào đầu tháng 12/2009).

Ảnh hưởng có thể xảy ra đối với Việt Nam

Khi tốc độ phục hồi kinh tế thế giới chậm lại, triển vọng đối với xuất khẩu của Việt Nam sẽ kém thuận lợi hơn so với dự kiến trong năm nay và có thể trong trung hạn.

Khủng hoảng nợ tại châu Âu sẽ làm thức tỉnh toàn thế giới về nhu cầu duy trì tính ổn định vĩ mô và tăng cường tính khắt khe trong hoạt động tài khoá. Việt Nam, mặc dù tỷ lệ nợ trên GDP hiện nay tương đối thấp, nhưng cũng không là trường hợp ngoại lệ trong hoạt động này.

Trường hợp đồng USD được coi là phương tiện dự trữ an toàn cao, đạt mức tỷ giá cao trên thế giới, trong khi thâm hụt thương mại và tài khoản vãng lai của Việt Nam vẫn ở mức cao, thì dự báo mới đây của một vài quan sát viên cho rằng, VND sắp lên giá so với USD trong phần còn lại của năm 2010, là hơi lạc quan. Giống như cùng dự báo sai vào tháng 10, tháng 11 năm ngoái về sự ổn định tỷ giá ở mức 17.000 đồng/USD cho năm 2010, ngay trước khi VND được điều chỉnh giảm 2 lần liên tiếp vào cuối tháng 11/2009 và sau đó là tháng 2/2010, đưa tỷ giá trên thị trường tự do có lúc lên đến gần 20.000 VND/ USD, do thâm hụt về cán cân thanh toán quốc tế năm ngoái. Những khó khăn về thanh toán quốc tế vẫn là một thực tại của năm 2010, tiếp tục cần đến các chính sách hiệu quả để duy trì VND ổn định.

Cùng với việc giữ nguyên chính sách tín dụng thắt chặt, xu hướng giảm giá của xăng dầu và các hàng hóa khác có thể làm giảm áp lực về lạm phát ở nước ta trong những tháng tới so với quý I. Theo đó, lãi suất ngân hàng có thể giảm theo.

Tuy nhiên, giá xuất khẩu đối với các mặt hàng nông nghiệp nhiều khả năng giảm và điều này sẽ là mối quan tâm đối với khu vực nông nghiệp. Do đó, những biện pháp đầy đủ nên được chuẩn bị để đối phó với vấn đề này.

Tương tự, TTCK trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, giống như nhiều TTCK trên thế giới đang suy giảm. Một phát biểu lạc quan về ảnh hưởng của "dòng tiền kép giúp TTCK bùng nổ trở lại" trong thời gian qua có lẽ nên được xem xét lại trong bối cảnh mới.