Thị trường khách sạn sẽ đi về đâu?

Theo Minh Trang/thoibaokinhdoanh.vn

Thị trường khách sạn của hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh gần đây đang có tín hiệu hồi phục. Tuy nhiên, với việc dịch Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại, thị trường này dường như đang đứng ở "ngã ba đường".

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngay khi Đà Nẵng có 13 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nhiều chuyên gia khách sạn lo ngại, nguy cơ làn sóng dịch lần thứ 2 quay trở lại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và sự hồi phục của các khách sạn không chỉ tại thành phố này mà cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Khách nội địa là chủ lực

Thị trường khách sạn quý II/2020 chứng kiến hiệu suất thấp nhất bởi do lệnh giãn cách xã hội trong tháng 4 và sụt giảm khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Sự hồi phục đang diễn ra khi du khách nội địa bắt đầu du lịch trở lại. Tuy nhiên, với nguy cơ làn sóng thứ hai Covid-19 bùng phát, giới chuyên gia lo ngại sẽ khó có thể phục hồi ở giai đoạn ngắn hạn.

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc, Savills Hà Nội cho hay, tại Hà Nội nguồn cung thị trường khoảng 9.950 phòng. Do cách ly xã hội cùng với việc đóng cửa du lịch quốc tế đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của thị trường khách sạn trong quý II/2020. Hai khách sạn 4 sao và 8 khách sạn 3 sao, chủ yếu ở khu vực trung tâm Hà Nội vẫn tiếp tục đóng cửa. Giá phòng trung bình giảm -14% theo quý và -24% theo năm, xuống còn 85 USD/phòng/đêm.

Trong quý II, phân khúc khách sạn 5 sao dẫn đầu thị trường với công suất 25% và doanh thu phòng trung bình là 27 USD/phòng/đêm. Khách dài ngày và khách công tác tiếp tục là nguồn khách chính của phân khúc này. Tuy nhiên, doanh thu phòng tại khu vực trung tâm, nội thành và phía Tây đều giảm từ 50-84%

Mặc dù lượng khách du lịch quốc tế thấp, nhưng có những dấu hiệu tích cực, bởi khách du lịch tới Hà Nội hầu hết là khách nội địa và công tác. Lượng khách tới Hà Nội đã có sự tăng trưởng rõ rệt qua từng tháng trong quý II. Trong tháng 6, đã có 792.000 lượt khách tới Hà Nội, trong khi tháng 5 là 258.000 lượt và tháng 4 chỉ có 35.500 lượt.

Do thế giới chưa khống chế được dịch nên lượng khách sử dụng khách sạn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chủ yếu trong nội địa
Do thế giới chưa khống chế được dịch nên lượng khách sử dụng khách sạn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chủ yếu trong nội địa
 

Đối với thị trường khách sạn TP. Hồ Chí Minh, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc bộ phận Khách sạn Savills châu Á – Thái Bình Dương cho hay, các khách sạn phụ thuộc vào khách du lịch nước ngoài đang gặp khó khăn, điều đáng mừng là doanh thu dịch vụ ăn uống đã phục hồi trở lại. Khách nội địa đang mang lại lợi ích lớn đối với thị trường nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, nguồn cung giảm mạnh. Toàn thị trường hiện có 84 dự án cung cấp khoảng 12.400 phòng, giảm 23% theo quý và theo năm đến từ việc đóng cửa tạm thời ở tất cả các phân khúc. Nhằm giảm thiểu chi phí vận hành, InterContinental Asiana Saigon và Norfork đã giảm nguồn cung và một số dịch vụ. Các chuỗi như Alagon, Silverland, A&Em và Liberty đã đóng một số chi nhánh và hướng khách hàng đến các dự án tiêu biểu.

Ông Mauro Gasparotti cho biết, phân khúc 5 sao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc chủ yếu vào khách quốc tế. Theo Sở du lịch TP. Hồ Chí Minh, lượng khách quốc tế tại thành phố này trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 69% theo năm xuống 1,3 triệu lượt. Nguồn cung nội địa là nguồn cầu tiềm năng, hiện tại, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 8,1 triệu khách nội địa trong 6 tháng đầu năm, cao nhất cả nước.

Hồi phục chậm

Việc thị trường khách sạn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có phục hồi sớm được hay không phụ thuộc rất lớn vào khách du lịch nước ngoài. Theo dữ liệu của Cục Hàng không Việt Nam, để khắc phục tình trạng thiếu vắng khách du lịch lưu trú, Cục này đã cho phép Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo tăng cường các chuyến bay nội địa. Đây sẽ là nguồn khách chủ yếu của các khách sạn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.

Theo ông Matthew Powell, trong nửa cuối năm 2020, hai khách sạn 5 sao, một khách sạn 4 sao và một khách sạn 3 sao cung cấp hơn 800 phòng sẽ đi vào hoạt động. Từ năm 2021 đến năm 2022, 8 dự án mới sẽ đóng góp thêm 1.550 phòng.

Từ năm 2022 trở đi, 47 dự án cung cấp 8.500 phòng được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động. Phân khúc 5 sao sẽ chiếm ưu thế nguồn cung tương lai vớI hơn 7.200 phòng ở 27 dự án, hầu hết nằm ở khu vực nội thành.

Sự hồi phục của thị trường khách sạn chậm và theo nhận định đến giữa năm 2021 mới có thể hồi phục hoàn toàn được
Sự hồi phục của thị trường khách sạn chậm và theo nhận định đến giữa năm 2021 mới có thể hồi phục hoàn toàn được
 

Cho tới khi các chuyến bay quốc tế được mở cửa trở lại, khách du lịch Việt Nam sẽ chỉ có thể du lịch nội địa. Theo Google châu Á - Thái Bình Dương, lượt tìm kiếm các chuyến bay nội địa trong quý II đã tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách sạn 4-5 sao sẽ được hưởng lợi nhiều nhờ vào những chương trình quảng bá và ưu đãi nhằm thu hút khách du lịch nội địa với những trải nghiệm dịch vụ chất lượng.

Còn triển vọng thị trường TP. Hồ Chí Minh, ông Mauro Gasparotti cho rằng, tới tỷ lệ phòng trống của toàn thị trường luôn dao động quanh mức 30% trước khi đại dịch bùng phát, phân khúc khách sạn có thể tiếp tục gặp khó khăn trong giai đoạn tới.

Hơn 4.000 phòng từ các dự án tương lai và sự trở lại của các khách sạn đóng cửa tạm thời sẽ gây áp lực nguồn cung lớn trong 6 tháng cuối năm 2020.

Tuy nhiên, ông Mauro Gasparotti dự đoán, mô hình “bong bóng du lịch” đang được cân nhắc. Hai hoặc nhiều quốc gia đã kiểm soát thành công Covid-19 sẽ hình thành hành lang du lịch và thị trường châu Á dự kiến sẽ trở thành thị trường chính.

Trước đó, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận, thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi khoảng giữa năm 2021, còn thị trường quốc tế sẽ vào tầm cuối 2021. Điều này cho thấy, phải đến cuối năm 2021 khi thế giới kiểm soát được dịch, giao thương quốc tế mới được trở lại bình thường, thì lúc đó thị trường khách sạn mới có thể hồi phục hoàn toàn.

Rõ ràng, sự hồi phục của bất động sản nói chung và của phân khúc khách sạn nói riêng sớm hay muộn còn phải phụ thuộc vào việc khống chế dịch.