Thị trường sụt giảm mạnh về quy mô dự án

Theo Hồng Hạnh/thoibaonganhang.vn

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có “Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản giai đoạn 2016-2020 và kiến nghị các giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững”.

Còn nhiều việc phải làm để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững. Nguồn: internet
Còn nhiều việc phải làm để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững. Nguồn: internet

Lệch pha cung-cầu ngày càng rõ nét

Trong 5 năm qua, rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Còn theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2015-2020, cả nước đã thực hiện 248 dự án nhà ở xã hội, với khoảng 100.000 căn hộ, chỉ đạt 41,4% kế hoạch. Đồng thời, đã xuất hiện dấu hiệu “lệch pha cung-cầu” trên thị trường bất động sản, đi đôi với dấu hiệu thừa nguồn cung sản phẩm nhà ở cao cấp, sản phẩm lưu trú du lịch (condotel) như Bộ Xây dựng và hiệp hội đã cảnh báo. 

Theo HoREA, tại TP. Hồ Chí Minh, căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) chỉ có 28.295 căn, chiếm tỷ lệ 21,81% rất thấp trong tổng số nhà ở dự án. Căn hộ trung cấp (giá từ 25-40 triệu đồng/m2) chỉ có 57.545 căn, chiếm tỷ lệ 44,37% trong tổng số nhà ở dự án. Căn hộ cao cấp (giá trên 40 triệu đồng/m2) có 43.886 căn, chiếm tỷ lệ 33,82% cao nhất trong tổng số nhà ở dự án. Trên thị trường, giá nhà khoảng 35-40 triệu đồng/m2 đã được xếp vào loại nhà cao cấp. Giả định phân nửa số lượng căn hộ trung cấp (nêu trên) được tính vào thống kê căn hộ cao cấp, thì số lượng căn hộ cao cấp sẽ khoảng 72.658 căn, chiếm đến tỷ lệ 56%, áp đảo trên thị trường. Với cơ cấu sản phẩm nhà ở như trên là biểu hiện rõ rệt của tình trạng “lệch pha cung-cầu”, phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững, do rất thiếu loại nhà ở vừa túi tiền và có dấu hiệu thừa cung nhà ở cao cấp như Bộ Xây dựng và hiệp hội đã cảnh báo.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho hay, hiệp hội đã nhiều lần khuyến nghị các doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, là phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản, dù tỷ suất lợi nhuận thấp nhưng có tính thanh khoản cao, ít rủi ro, do đáp ứng nhu cầu thực mua để ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, giới trẻ, người nhập cư.  

Ngoài ra, theo HoREA, hiện có tình trạng gần như “thả nổi” hoạt động đầu tư kinh doanh cho thuê phòng trọ, nhà trọ cho công nhân lao động và người nhập cư. Hiện nay, phần lớn các khu nhà trọ, phòng trọ của hộ gia đình, cá nhân là nhà lụp xụp, thiếu các tiện ích, dịch vụ, thiếu an toàn, an ninh.

“Do vậy, rất cần các doanh nghiệp đầu tư nhà trọ, phòng trọ, góp phần tăng nguồn cung loại phòng trọ có chất lượng tốt hơn, có nhiều tiện ích, dịch vụ phục vụ công nhân, lao động và người nhập cư, và tạo sự cạnh tranh, tạo áp lực để các hộ gia đình, cá nhân phải cải tạo, nâng cấp chất lượng phòng trọ, nhà trọ tốt hơn. Đồng thời, cũng phù hợp với chủ trương khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp”, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ. 

Doanh nghiệp bất động sản bị giải thể tăng cao

Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản giai đoạn 2016-2020 của HoREA cho thấy, trong giai đoạn 2018-2020, thị trường bất động sản bị sụt giảm rất lớn cả về quy mô, về số lượng dự án, số lượng sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường và số lượng giao dịch. Trong 3 năm qua, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư bị thua thiệt nhiều nhất vì bị giảm cơ hội tạo lập nhà. Nhiều doanh nghiệp bất động sản “vừa và nhỏ”, đã “yếu thế” lại càng thêm “yếu thế” hơn, so với các tập đoàn và doanh nghiệp lớn. Nguồn thu ngân sách nhà nước từ thị trường bất động sản bị sụt giảm liên tục trong 3 năm qua. 

Trong 5 năm qua, đã xuất hiện một số đợt “sốt ảo” giá đất nông nghiệp, giá đất nền và gia tăng tình trạng phân lô bán nền, huy động vốn trái pháp luật ở khu vực quận ven, huyện ngoại thành các thành phố lớn, hoặc tại các khu vực dự kiến quy hoạch đặc khu kinh tế, hoặc ăn theo các “đại dự án” của tập đoàn kinh tế lớn. Đồng thời do chưa có đầy đủ các quy định pháp luật để điều chỉnh hoạt động của thị trường căn hộ du lịch (condotel), farmstay, nên các nhà đầu tư thứ cấp chưa được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi đầu tư.  

Ông Lê Hoàng Châu cho hay, kể từ đầu tháng 3/2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực rất lớn đến kinh tế, xã hội của cả nước và làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc thị trường bất động sản cho thuê (nhà phố, căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ… cho thuê); phân khúc bất động sản du lịch (khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch - condotel)… Trong 8 tháng đầu năm 2020, có đến 923 doanh nghiệp bất động sản bị giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch Covid-19, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác.

Ông Nguyễn Văn Đính-Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản gặp khó khăn từ khoảng giữa năm 2018. Tiếp đó, đến cuối năm 2019, thị trường càng khó khăn  hơn do không có nhiều dự án mới. Năm 2020 thị trường bất động sản tiếp tục gặp nhiều thách thức do dịch bệnh. Một số doanh nghiệp bất động sản buộc phải cầm cự chờ diễn biến dịch Covid-19 rồi mới bung hàng. Trước tình trạng khó khăn chung của thị trường, các doanh nghiệp bất động sản cần nghiên cứu để tìm ra phương án tái cấu trúc lại bộ máy theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa, chuyên nghiệp. 

Theo ông Lê Hoàng Châu, kể từ ngày 01/01/2021, Luật Đầu tư và Luật Xây dựng (sửa đổi) có hiệu lực sẽ tháo gỡ được một số điểm nghẽn của thị trường bất động sản. Đồng thời, theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, thì năm 2021 sẽ sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và xem xét Đề án sửa đổi Luật Đất đai.

Cùng với đó, Chính phủ đang xem xét ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định thi hành Luật Đất đai”(đang dự thảo) sẽ tiếp tục tháo gỡ nốt các vướng mắc còn lại, để thị trường bất động sản thực sự phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững.