Thời vốn tìm dự án

PV.

(Tài chính) Những nghịch lý xoay quanh gói tín dụng ưu đãi cho vay hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng vẫn tiếp diễn. Tới thời điểm này, cơ quan quản lý đang rất sốt ruột về tiến độ giải ngân và đã vào cuộc quyết liệt hơn…Tại Hà Nội, đã có những kiến nghị tăng thêm đối tượng được vay cũng như gia hạn thời gian vay nhằm khai thác tối ưu gói tín dụng nói trên.

Hiện số dự án nhà ở xã hội tại các thành phố lớn còn quá ít so với tiêu chí của gói tín dụng là nguyên nhân cản trở quá trình giải ngân nguồn vốn vay. Nguồn: internet
Hiện số dự án nhà ở xã hội tại các thành phố lớn còn quá ít so với tiêu chí của gói tín dụng là nguyên nhân cản trở quá trình giải ngân nguồn vốn vay. Nguồn: internet

Vẫn “bệnh” chậm giải ngân

Theo thống kê của Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/8/2013, tức là tròn hai tháng rưỡi kể từ khi gói cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP, trị giá 30.000 tỷ đồng chính thức có hiệu lực, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 219 khách hàng cá nhân với số tiền là 65,57 tỷ đồng. Trên thực tế, 213 khách hàng đã được duyệt vay với tổng dư nợ 50,22 tỷ đồng. Trong 5 ngân hàng thương mại được chọn tham gia chương trình cho vay nói trên, VietinBank là ngân hàng giải ngân tốt nhất với 82 khách hàng cùng dư nợ đạt 20,6 tỷ đồng.

Tính đến trung tuần tháng 8, Đà Nẵng là thành phố giải ngân gói tín dụng nói trên tốt nhất đối với khách hàng cá nhân (chiếm tỷ trọng 29,25% toàn quốc), tiếp theo là Hà Nội (28,58%), Vĩnh Phúc (11,85%), TP. Hồ Chí Minh (10,51%). Tất cả các tỉnh, thành còn lại của cả nước mới giải ngân được 19,81%.

Với nhóm khách hàng doanh nghiệp, nhìn vào giá trị vay, con số dĩ nhiên lớn hơn khối khách hàng cá nhân nhiều lần. Tuy nhiên, số chủ đầu tư dư án được vay vẫn còn rất hạn chế. Theo đăng ký của Ngân hàng cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng này đã ký kết hợp đồng tín dụng với 2 khách hàng doanh nghiệp, với tổng số tiền là 658 tỷ đồng và BIDV đã giải ngân cho 1 khách hàng với số tiền là 34,3 tỷ đồng. Cũng trong khuôn khổ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank) cũng đang làm thủ tục đăng ký để được xác nhận ký hợp đồng tín dụng với 1 khách hàng tại Cần Thơ với số tiền 50 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 12/8/2013, UBND TP. Hà Nội đã cùng một số sở ngành liên quan của Thủ đô đánh giá sơ bộ kết quả triển khai gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở trên địa bàn Thành phố. Tính đến ngày 6/8/2013, Hà Nội mới có 53 khách hàng, trong đó có 1 doanh nghiệp, đã đủ điều kiện để thực hiện ký cam kết vay vốn của gói tín dụng ưu đãi nói trên. Các ngân hàng đã giải ngân được 46,6 tỷ đồng/tổng hạn mức 130 tỷ đồng, trong đó khách hàng doanh nghiệp vay 34 tỷ đồng, còn lại thuộc về các khách hàng cá nhân.

Thêm những giải pháp…

Trước tiến độ giải ngân khá chậm kể trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có công văn thúc giục các địa phương chỉ đạo, đôn đốc chính quyền các cấp đẩy nhanh tiến độ giúp người dân tháo gỡ những thủ tục hành chính chậm trễ. Cụ thể, chính quyền tỉnh, thành phố và quận, huyện cần chỉ đạo sát sao các xã, phường tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở trong việc xác nhận về hộ khẩu, thực trạng nhà ở để được vay vốn ưu đãi. Vị “Tư lệnh” ngành Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát các dự án nhà ở, đô thị mới trên địa bàn để phân loại dự án, nắm vững thực tiễn để giúp đề xuất chuyển đổi các dự án đủ tiêu chí sang phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu của thị trường nhằm rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch.v.v…

Là một địa bàn trọng tâm thụ hưởng gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai là nguyên nhân chính gây nên sự chậm trễ kể trên. Bởi vậy, bên cạnh việc tập trung tháo gỡ, lãnh đạo Thành phố đã mạnh dạn đề xuất một số ý kiến nhằm tăng ưu đãi cho đối tượng thụ hưởng để tăng yếu tố hấp dẫn của gói tín dụng. Cụ thể, UBND Thành phố sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung đối tượng cá nhân được vay gói tín dụng trên là người đã ký hợp đồng mua nhà thu nhập thấp, nhà xã hội trước ngày 7/1/2013, hiện đang đóng tiền theo tiến độ dự án. Nếu điều này được chấp thuận, sẽ có hàng ngàn hộ gia đình đang theo các suất nhà ở xã hội được tiếp cận luôn với nguồn vốn rẻ này…UBND TP. Hà Nội cũng sẽ kiến nghị Chính phủ nới thời hạn cho vay tối thiểu lên 15 năm, thay vì quy định tối thiểu 10 năm như hiện nay. Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng giao Sở Xây dựng dự thảo văn bản để UBND Thành phố hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan thống nhất quy trình, thủ tục xác nhận tình trạng nhà ở, các thành viên trong gia đình để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng thẩm định điều kiện cho vay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong các tháng còn lại của năm 2013.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, đại diện Vụ Tín dụng cho biết cơ quan này đã quyết liệt đôn đốc 5 ngân hàng thương mại tích cực triển khai hướng dẫn tận tình khách hàng vay vốn, đẩy nhanh công tác thẩm định và quyết định cho vay đối với cá nhân và doanh nghiệp trong diện được vay. Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề nghị Bộ Tư pháp trước mắt chỉ đạo các văn phòng công chứng chấp thuận công chứng tài sản đảm bảo hình thức từ vốn vay, đặc biệt là nhà ở xã hội; Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Xây dựng rà soát lại các dự án nhà ở xã hội hiện không được phép thế chấp để tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng căn nhà mua làm tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng theo diện ưu đãi nói trên.

Dù các bộ, ngành liên quan đang quyết tâm đẩy mạnh tiến độ giải ngân nhưng còn một nguyên nhân căn bản, là “nút thắt” của tất cả là số lượng dự án nhà ở xã hội quá ít, làm bó hẹp phạm vi lựa chọn của khách hàng. Dù Bộ Xây dựng đã tập trung phát triển mạnh phân khúc này từ đầu năm đến nay nhưng hầu hết các dự án mới bắt đầu triển khai nên chưa có hàng hóa cho thị trường. Trong khi đó việc chuyển đổi căn hộ lớn sang nhỏ, căn hộ sang xuống bình dân phải qua nhiều quy trình, nhiều cấp, liên quan đến việc điều chỉnh nhiều yếu tố quy hoạch, thiết kế nên không thể một sớm, một chiều.

Mặc dù vậy, sự đồng thuận với quyết tâm khơi thông gói tín dụng ưu đãi, nhằm góp phần phá băng cho thị trường bất động sản, giải quyết nhu cầu chỗ ở thiết thực cho người dân, tin rằng những tháng cuối năm 2013, tình hình “vốn tìm dự án” sẽ được ít nhiều khắc phục, mang lại hiệu quả chính sách gần với điều mong muốn.