Tín hiệu vui khi bất động sản Đà Nẵng... giảm “sốt”

Theo Hương Trương/thoibaonganhang.vn

Từ cuối tháng 4/2018, thị trường bất động sản (BĐS) tại TP. Đà Nẵng đã không còn những dấu hiệu “nóng”, lên “cơn sốt” như giai đoạn trước đó. Nhiều giao dịch đất nền, nhà phố đã đồng loạt chững lại. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây lại là những dấu hiệu đáng mừng cho thị trường BĐS Đà Nẵng. Vậy, lý do nằm ở đâu?

Từ cuối tháng 4/2018, thị trường bất động sản (BĐS) tại TP. Đà Nẵng đã không còn những dấu hiệu “nóng”. Nguồn: internet
Từ cuối tháng 4/2018, thị trường bất động sản (BĐS) tại TP. Đà Nẵng đã không còn những dấu hiệu “nóng”. Nguồn: internet

Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, bong bóng BĐS thường bắt nguồn từ những nguyên nhân chính như, tốc độ tăng trưởng GDP vượt trội, dẫn đến dư lượng tài chính lớn và BĐS trở thành kênh đầu tư hấp dẫn của nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó là việc xuất hiện các nhóm môi giới, kinh doanh BĐS thứ cấp, thường đầu tư theo kiểu “lướt sóng”, tạo nên hiện tượng tăng giá  “ảo” trên thị trường. 

Tuy nhiên, từ quý IV/2017, các NHTM đã tăng cường chính sách thắt chặt tín dụng đối với BĐS. Trước việc thắt chặt chính sách tín dụng, đòi hỏi chủ đầu tư phải đảm bảo đủ năng lực về tài chính, mới có thể phát triển được các dự án của mình.

Thực tế, tại thị trường Đà Nẵng, hầu hết các chủ đầu tư lớn như: Đất Xanh miền Trung, Công ty CP đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (DMT), Vn Đà Thành Group… đều thể hiện được năng lực nội tại, khi các dự án trên thị trường đều được triển khai và hoàn thiện đúng tiến độ. Bên cạnh đó, với việc thắt chặt tín dụng BĐS cũng đồng nghĩa với việc những khách hàng đầu tư chủ yếu dựa vào nguồn vốn nhàn rỗi. Chính điều này đã tạo nên một sự phát triển bền vững hơn cho thị trường BĐS tại Đà Nẵng cũng như tại nhiều địa phương khác trong cả nước.

Trên thị trường các giao dịch BĐS gần như chững lại đột ngột. Tuy nhiên, giá chỉ giảm nhẹ ở mức 30-50 triệu đồng/nền. Sự chững lại này xuất phát từ việc các nhà môi giới, nhà đầu tư lướt sóng đã quá quen và nhạy bén với thị trường. Bởi vậy, các nhà môi giới thường chọn giải pháp “phòng thủ” trong giai đoạn này.

Ngoài ra, do giá BĐS leo thang đột biến vào thời điểm trước đó tạo nên tâm lý lo ngại cho những khách hàng có nhu cầu thực. Hầu hết, các khách hàng này đều mong muốn chờ đến khi thị trường bình ổn mới thực hiện giao dịch. Việc rút lui của các nhóm môi giới, đầu tư lướt sóng không tác động nhiều đến giá BĐS. Do vậy, dù thị trường đang có những dấu hiệu trầm lắng, nhưng đó chính là động thái của sự bền vững và sẵn sàng cho quá trình phát triển vượt bậc theo đúng tiềm năng của nó.

Hiện, mật độ dân số TP.Đà Nẵng đang đứng thứ 13 trên toàn quốc. Trong khi, diện tích chỉ xếp thứ 59. Lượng dân nhập cư tại thành phố đang có xu hướng tăng cao. Trong khi, nguồn cung dự án đất nền, nhà phố trên thị trường không có dấu hiệu gia tăng trong năm 2018. Chưa kể đến nhóm khách hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh đang có xu hướng đầu tư mạnh mẽ vào thị trường BĐS địa phương. Bởi đây là thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, tiềm năng phát triển du lịch vượt trội và đặc biệt là sự chú trọng, đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương.

Năm 2018, cũng là năm tâm điểm thu hút đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng với hàng loạt các dự án nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế du lịch như: Dự án nâng cấp cảng Tiên Sa giai đoạn 2, dự án cảng Liên Chiểu, dự án công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, dự án nối thông đường Võ Chí Công liên kết khu vực biển Tân Trà... Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang triển khai các hợp đồng hợp tác chiến lược với các nhà đầu tư nước ngoài như Singapore, Mỹ trong việc hỗ trợ thành phố điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố.

Điều này cho thấy, Đà Nẵng là thành phố rất tiềm năng và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài... Nhìn về tương lai, với sự chênh lệch cung -  cầu BĐS trên thị trường, cộng hưởng với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, càng khiến cho sự khan hiếm BĐS, đặc biệt là đất nền và nhà phố trở nên mạnh mẽ. Bởi vậy, tương lai của thị trường BĐS tại TP. Đà Nẵng sẽ vẫn rất lạc quan.