TP. Hồ Chí Minh đề xuất giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp

Theo Diệu Hoa/batdongsan.enternews.vn

Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh có kiến nghị gửi Bộ Xây dựng về việc tổng hợp báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất; hỗ trợ, miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp địa ốc.

Doanh nghiệp địa ốc đối diện với các áp lực lớn về đồng tiền
Doanh nghiệp địa ốc đối diện với các áp lực lớn về đồng tiền

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trong quý III/2021, thị trường bất động sản tại đây phát triển chậm hơn so với quý II/2021 và chậm hơn so với cùng kỳ. Do đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, Thành phố đang trong giai đoạn giãn cách xã hội nên không có biến động về lượng và giá nhà ở trên diện rộng; nguồn cung nhà ở tại các dự án rất hạn chế và hầu như không có.

Bên cạnh đó, hệ thống các quy định pháp luật còn bất cập, thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong việc ngăn chặn và đề xuất giải pháp xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản, có thể hình thành những điểm nóng, phức tạp. Một số trường hợp thường xảy ra như một căn hộ bán cho nhiều người, dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã cho đặt cọc, giữ chỗ, hứa mua hứa bán.

Để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất; hỗ trợ, miễn, giảm thuế; xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc hoặc kéo dài thời hạn cho vay để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chịu sự tác động của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, cho phép chủ đầu tư đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng đã có quyết định giao đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, đối với toàn bộ dự án hoặc một phần dự án, đang thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được phép chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng.

Đồng thời, cho phép nhà đầu tư khi nhận chuyển nhượng dự án để đầu tư xây dựng và khai thác mà không cần phải có chức năng kinh doanh bất động sản đối với các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, trung tâm thương mại.

Bên cạnh đó, ban hành quy định về thuế suất giao dịch bất động sản và số lượng bất động sản sở hữu để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu từ giao dịch bất động sản và đảm bảo kinh doanh bất động sản minh bạch và lành mạnh.

Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, tình hình dịch bệnh kéo dài đang ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch kinh doanh, khả năng triển khai dự án và tạo áp lực về đồng tiền, khả năng trả nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản.

Các chủ đầu tư dự án bất động sản đã gặp phải những khó khăn, đối mặt với thách thức làm thế nào để tồn tại. Kế hoạch kinh doanh giảm từ 30% thậm chí cao hơn do các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ vì dịch bệnh. Doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động sẽ bị giảm sâu.

Không những vậy, kế hoạch triển khai thi công xây dựng bị đình trệ, hầu hết tiến độ thi công các công trình xây dựng đều bị ảnh hưởng tiến độ. Giá cả vật liệu xây dựng leo thang làm gia tăng chi phí đầu vào đáng kể cho các công trình xây dựng. Đại dịch cũng làm biến động nguồn lao động phục vụ cho công trường.

Đặc biệt, hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng và các hình thức huy động tài chính khác. Trong trạng thái bình thường khi dòng tiền ổn định thì khả năng trả nợ vay được đảm bảo. Tuy nhiên trong tình huống hiện nay khi doanh thu và đồng tiền sụt giảm nghiêm trọng thì áp lực tài chính lên các chủ đầu tư là vô cùng lớn và rủi ro cao. Chết trên đống tài sản là tình huống dễ dàng xảy ra trong giai đoạn này nếu không có giải pháp hỗ trợ từ phía ngân hàng và các bên liên quan.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương – Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết đối mặt với đại dịch lần này các doanh nghiệp bất động sản cấp thiết cần sự lắng nghe và các giải pháp trợ lực kịp thời cho các doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn căng thẳng để tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của thị trường bất động sản và sự phát triển kinh tế chung của cả nước.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng hơn lúc nào hết các doanh nghiệp địa ốc cần cấp “oxi tín dụng” để vượt qua đại dịch.